Một phúc trình mới công bố cho thấy 75 triệu thanh niên trên toàn thế giới đang lâm vào cảnh thất nghiệp. Cuộc nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận định rằng tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ sẽ xấu đi trên toàn cầu khi cuộc khủng hoảng đồng euro từ những nước tiên tiến lan sang những nền kinh tế mới nổi. Thông tín viên Lisa Schlein tường trình từ Geneva về phúc trình mới do ILO công bố.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) báo cáo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những người trong độ tuổi từ 15 tới 24 đang tìm cách bước vào thị trường lao động.
Nghiên cứu cho thấy tác động của cuộc khủng hoảng đồng euro đang lan ra ngoài phạm vi châu Âu và khiến các nền kinh tế từ Đông Á đến Châu Mỹ La tinh chậm lại. Phúc trình này nói tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nơi mà tỉ lệ thất nghiệp nơi giới trẻ lên đến hơn 25%, và đang trên đà gia tăng.
Ekkehard Ernst, tác giả chính của phúc trình, và là trưởng nhóm đặc trách Xu hướng Việc làm Toàn cầu của ILO, dự báo rằng tình hình ở Trung Đông sẽ trở nên tệ hơn trong 5 năm tới. Ông nói:
"Hiện giờ tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực đã lên tới 26%, dự kiến sẽ tăng lên hơn 28% vào năm 2017. Ở khu vực Bắc Phi, tình hình đỡ hơn với dự báo tỉ lệ thất nghiệp sẽ giảm đôi chút trong 5 năm tới, nhưng vẫn ở mức rất cao. Tỉ lệ thanh niên thất nghiệp trung bình hiện đang ở mức hơn 27%."
Cuộc nghiên cứu dự báo tình trạng thất nghiệp nơi giới trẻ sẽ tăng từ 9,5% trong năm nay lên đến 10,4% vào năm 2017 ở khu vực Đông Á. Nghiên cứu cũng ghi nhận tỉ lệ thất nghiệp của giới trẻ ở vùng phía Nam sa mạc Sahara ở châu Phi tương đối ổn định ở mức khoảng 12% trong mấy năm liền.
Báo cáo của ILO nói châu Phi trước đó trông đợi thị trường lao động sẽ cải thiện nhanh hơn cho giới trẻ, nhưng giờ đây có lẽ sẽ mất nhiều thời gian hơn trước khi các cơ hội nhân dụng được cải thiện.
Trong số tất cả các khu vực, ILO dự báo tỉ lệ thanh niên thất nghiệp sẽ chỉ giảm ở những nền kinh tế phát triển, giảm dần từ mức 17,5% trong năm nay xuống mức 15,6% vào năm 2017.
Ông Ernst tỏ ra dè dặt trước bất kỳ sự lạc quan thái quá nào. Ông nói tỉ lệ thất nghiệp giảm ở các nước phát triển gần như chẳng phải vì ngày càng có nhiều việc làm cho những người trẻ tuổi. Ông nói:
"Nhiều thanh niên kiếm việc giờ đã thấy nản và bỏ thị trường lao động. Họ không tích cực tìm việc nữa, mà ở nhà và hy vọng rằng đến lúc nào đó tình hình sẽ khá khẩm hơn trong tương lai. Nhưng tình trạng này có nghĩa là, một khi họ không còn tích cực tìm việc làm thì sau này kiếm việc sẽ càng khó khăn hơn, nhất là sau khi đã thất nghiệp vài năm."
Để giải quyết tình trạng thất nghiệp tăng cao, ILO kêu gọi các nước hãy đề ra những biện pháp cụ thể, chẳng hạn như đảm bảo việc làm và đào tạo để giúp những người tìm việc trẻ tuổi tham gia các hoạt động hữu ích thay vì lang thang ngoài đường phố.
ILO cho hay các nước như Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Latvia đã ban hành những chương trình đảm bảo việc làm cho thanh niên và đã khá thành công trong việc thu hút họ quay trở lại với thị trường lao động.
Ông Ekkehard Ernst cho biết chi phí để thực thi những chương trình như vậy sẽ chiếm ít hơn 1% của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nước châu Âu.
Ông nhận định đây là con số tương đối nhiều cho những nước đang lâm vào khủng hoảng. Nhưng ông nói con số này còn ít hơn rất nhiều so với những phí tổn do tình trạng thất nghiệp nơi giới trẻ gây ra, một khi họ hoàn toàn bị tách rời, không bao giờ quay trở lại thị trường lao động nữa.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) báo cáo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những người trong độ tuổi từ 15 tới 24 đang tìm cách bước vào thị trường lao động.
Nghiên cứu cho thấy tác động của cuộc khủng hoảng đồng euro đang lan ra ngoài phạm vi châu Âu và khiến các nền kinh tế từ Đông Á đến Châu Mỹ La tinh chậm lại. Phúc trình này nói tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nơi mà tỉ lệ thất nghiệp nơi giới trẻ lên đến hơn 25%, và đang trên đà gia tăng.
Ekkehard Ernst, tác giả chính của phúc trình, và là trưởng nhóm đặc trách Xu hướng Việc làm Toàn cầu của ILO, dự báo rằng tình hình ở Trung Đông sẽ trở nên tệ hơn trong 5 năm tới. Ông nói:
"Hiện giờ tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực đã lên tới 26%, dự kiến sẽ tăng lên hơn 28% vào năm 2017. Ở khu vực Bắc Phi, tình hình đỡ hơn với dự báo tỉ lệ thất nghiệp sẽ giảm đôi chút trong 5 năm tới, nhưng vẫn ở mức rất cao. Tỉ lệ thanh niên thất nghiệp trung bình hiện đang ở mức hơn 27%."
Cuộc nghiên cứu dự báo tình trạng thất nghiệp nơi giới trẻ sẽ tăng từ 9,5% trong năm nay lên đến 10,4% vào năm 2017 ở khu vực Đông Á. Nghiên cứu cũng ghi nhận tỉ lệ thất nghiệp của giới trẻ ở vùng phía Nam sa mạc Sahara ở châu Phi tương đối ổn định ở mức khoảng 12% trong mấy năm liền.
Báo cáo của ILO nói châu Phi trước đó trông đợi thị trường lao động sẽ cải thiện nhanh hơn cho giới trẻ, nhưng giờ đây có lẽ sẽ mất nhiều thời gian hơn trước khi các cơ hội nhân dụng được cải thiện.
Trong số tất cả các khu vực, ILO dự báo tỉ lệ thanh niên thất nghiệp sẽ chỉ giảm ở những nền kinh tế phát triển, giảm dần từ mức 17,5% trong năm nay xuống mức 15,6% vào năm 2017.
Ông Ernst tỏ ra dè dặt trước bất kỳ sự lạc quan thái quá nào. Ông nói tỉ lệ thất nghiệp giảm ở các nước phát triển gần như chẳng phải vì ngày càng có nhiều việc làm cho những người trẻ tuổi. Ông nói:
"Nhiều thanh niên kiếm việc giờ đã thấy nản và bỏ thị trường lao động. Họ không tích cực tìm việc nữa, mà ở nhà và hy vọng rằng đến lúc nào đó tình hình sẽ khá khẩm hơn trong tương lai. Nhưng tình trạng này có nghĩa là, một khi họ không còn tích cực tìm việc làm thì sau này kiếm việc sẽ càng khó khăn hơn, nhất là sau khi đã thất nghiệp vài năm."
Để giải quyết tình trạng thất nghiệp tăng cao, ILO kêu gọi các nước hãy đề ra những biện pháp cụ thể, chẳng hạn như đảm bảo việc làm và đào tạo để giúp những người tìm việc trẻ tuổi tham gia các hoạt động hữu ích thay vì lang thang ngoài đường phố.
ILO cho hay các nước như Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Latvia đã ban hành những chương trình đảm bảo việc làm cho thanh niên và đã khá thành công trong việc thu hút họ quay trở lại với thị trường lao động.
Ông Ekkehard Ernst cho biết chi phí để thực thi những chương trình như vậy sẽ chiếm ít hơn 1% của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nước châu Âu.
Ông nhận định đây là con số tương đối nhiều cho những nước đang lâm vào khủng hoảng. Nhưng ông nói con số này còn ít hơn rất nhiều so với những phí tổn do tình trạng thất nghiệp nơi giới trẻ gây ra, một khi họ hoàn toàn bị tách rời, không bao giờ quay trở lại thị trường lao động nữa.