Giới trẻ hoạt động chính trị tại Thái Lan đốt ảnh của Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha bên ngoài Văn phòng chính phủ hôm thứ Sáu 24/7. Đám đông kêu gọi ông Chan-ocha từ chức giữa lúc áp lực đang gia tăng đối với các tướng lãnh đã cầm đầu cuộc đảo chánh năm 2014, đòi họ phải rời bỏ chức vụ.
Trong tuần qua đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình nhỏ tại ít nhất 6 tỉnh nhằm mục đích đẩy ông Chan-ocha ra khỏi vị thế quyền lực, trong khi các vụ tranh cãi trong nôi bộ đảng đã khiến 6 thành viên trong nội các chính phủ Thái Lan từ chức.
Hôm thứ Sáu 24/7, những người biểu tình đốt ảnh của Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha và người đứng phó của ông, Prawit Wongsuwan, cả hai từng nắm giữ chức vụ Tổng Tư lệnh quân đội.
“Chúng tôi muốn đốt đi hết những điều xấu xa ở Thái Lan”, anh Niwiboon Chomphoo, 20 tuổi, một người biểu tình nói.
Anh Chomphoo nói rằng ông Prayuth Chan-ocha vẫn nắm quyền là nhờ ở “một bản hiến pháp không đáng tin cậy và bất công đối với nền dân chủ”.
Những người chống đối nói quân đội Thái Lan đã soạn thảo một luật cơ bản nhằm bảo đảm lãnh tụ chế độ quân nhân cầm quyền, ông Prayuth Chan-ông Chan-ocha, duy trì vị thế quyền lực trong vai trò một Thủ Tướng dân sự sau các cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái, với các quân nhân thuộc cánh bảo hoàng nắm các vị trí then chốt.
Ông Chan-ocha còn đối mặt với thách thức lớn trong khi tìm cách vực dậy một nền kinh tế mà ngân hàng trung ương cánh báo có thể co cụm tới 8,1% trong năm nay, làm mất từ 7 triệu tới 8 triệu việc làm, phần lớn do tác động của dịch Covid-19.
Các nhóm thanh niên đang lên kế hoạch cho nhiều cuộc biểu tình khác vào cuối tuần này.
Thứ Bảy tuần trước, hơn 2.500 người đã tụ tập để phản đối ông Chan-ocha, một trong các cuộc biểu tình lớn nhất từ sau vụ đảo chính năm 2014.