Giới quan sát nhận định rằng việc nhóm vũ trang bắn chết cán bộ, công an tại trụ sở cơ quan công quyền ở tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6 có nguyên nhân sâu xa từ việc phân biệt sắc tộc, tranh chấp đất đai, và đàn áp tôn giáo.
Nhận định này được đưa ra giữa lúc chính quyền bắt thêm hàng chục “đối tượng” bị cho là có liên quan đến cuộc tấn công mà cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân của vụ việc.
“Nếu nhà nước này không cải thiện được hành vi đối xử đối với người Tây Nguyên về đất đai, về tự do tôn giáo và tôn trọng nhân quyền, nhân phẩm của họ thì tôi nghĩ sẽ có rất nhiều vụ việc như thế sẽ xảy ra… và nhà nước này sẽ biến Tây Nguyên thành một thùng thuốc súng”, ông Nguyễn Xuân Nghĩa - cựu tù nhân lương tâm, người có nhiều năm bị giam cầm chung với những người Tây Nguyên sau các cuộc biểu tình ôn hòa đầu những năm 2000 - chia sẻ với VOA hôm 13/6.
Như VOA đã đưa tin, hàng chục người chưa rõ danh tính tấn công hai trụ sở công an xã ở Ea Tiêu và Ea Ktur, thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào rạng sáng 11/6, giết chết ít nhất 9 người, trong đó có 4 viên công an và 2 lãnh đạo chính quyền, báo chí nhà nước dẫn nguồn từ Bộ Công an cho biết.
Tính đến sáng ngày 13/6, các cơ quan chức năng đã bắt được “45 đối tượng” đồng thời công an kêu gọi những người phạm tội sớm ra “đầu thú để được hưởng khoan hồng”. Trước đó, chính quyền loan tin rằng đã thu giữ “một số vũ khí quân dụng, trong đó có súng trường CKC” từ nhóm vũ trang này.
Your browser doesn’t support HTML5
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng, người từng có những năm tháng sinh hoạt chung với hàng trăm tù nhân Tây Nguyên tại trại giam Nam Hà ở tỉnh Hà Nam từ năm 2009, và sau đó ở trại giam số 6 ở Nghệ An, và An Điềm ở Quảng Nam đến 2014, nêu nhận định:
“Vào những năm 2000, 2004, nhiều cuộc biểu tình xảy ra đúng là ôn hòa. Người Tây Nguyên đi tay không, chỉ có tiếng nói thôi. Có một vài nơi, theo các anh em tù kể với tôi, họ cũng chiếm được vài trụ sở chính quyền, nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ hay vài ngày rồi họ về, bởi vì họ có mục tiêu gì đâu, họ không có mục tiêu cướp chính quyền, mục tiêu biểu tình của họ chỉ là đất đai”.
Ông Nghĩa nhận định thêm:
“Nhà nước này thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và mục tiêu của họ là đàn áp, mà không hòa giải, tìm hiểu, lúc nào cũng nghĩ rằng người Tây Nguyên nổi loạn, vận động để thành lập nhà nước Đề Ga, theo FULRO, dẫn đến tình trạng khi người Tây Nguyên bị đàn áp quá khốc liệt, bị tù tội, và trở về trong tâm thế uất ức”.
“Sau năm 2004 đến nay, tình hình Tây Nguyên có vẻ yên ổn, nhưng trong cái yên ổn đó là hàng ngàn người Tây Nguyên rời bỏ đất đai của mình mà ra đi bằng con đường vượt biên sang Campuchia, Thái Lan, và đa số vẫn còn ứ lại tại Thái Lan và họ rất khổ sở ở đấy”, vẫn theo lời ông Nghĩa.
Your browser doesn’t support HTML5
“Cả ở vùng đất Tây Nguyên và ở các vùng tị nạn ở Thái Lan vẫn âm ỉ một mối hận không thể giải tỏa được. Nhà nước này phải giải tỏa bức xúc bằng cách phân chia công bằng vì người Kinh lên Tây Nguyên thật sự là những kẻ thực dân, và họ phải được khuyến khích để trả lại phần đất mà họ đã chiếm của người Tây Nguyên bằng mọi hình thức: thành lập nông trường, thu đất của người Tây Nguyên, và sau đó nông trường giải tán mà vẫn không trả lại đất cho người Tây Nguyên… Đó là nguyên nhân tiềm tàng một thùng thuốc súng mà tôi nghĩ ngày càng phát triển mạnh, càng to hơn”.
Từ Bangkok, Thái Lan, một người Êđê quê ở Tây Nguyên không nêu tên vì lý do an toàn, chia sẻ quan điểm của ông với VOA về biến cố ngày 11/6 ở quê nhà:
“Tôi khá bất ngờ về sự việc xung đột có vũ trang như vậy!”, người này nói thêm rằng người Thượng Tây Nguyên “chịu nhiều đàn áp, bắt bớ, sách nhiễu từ chính quyền cộng sản Việt Nam”.
Ông cho biết thêm về vụ việc cưỡng chế gần đây nhất mà ông cho rằng có thể là nguyên nhân của vụ tấn công hai trụ sở công an xã: “Việc cưỡng chế và đập nhà của người dân hàng loạt dọc đường từ xã Ea Tiêu đến Quốc lộ 27. Nhiều hộ dân khác cũng bị chính quyền cưỡng chế đất, và hầu như không có đền bù hoặc đền bù giá rất bèo”.
“Một số người Kinh coi thường người bản địa Êđê, đâm ra xung đột sắc tộc và ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý và những người không hiểu pháp luật và không nghĩ đến hậu quả… nhưng cũng có người hiểu biết nhưng họ quá bức xúc từ lâu năm nay…”
“Việc đụng độ này nhắm vào chính quyền, vào chế độ do sự quản lý không công bằng”, người tị nạn không nêu tên cho biết thêm. “Khi mà người lên tiếng phản đối thì chính quyền cho rằng họ là ‘phản động’, hay ‘chống phá nhà nước’”.
XEM THÊM: Vụ giết nhân viên chính quyền ở Đắk Lắk: Nhiều người nói bạo lực không phải là giải phápTừ bang North Carolina, Hoa Kỳ, ông Ben Bubong, một người tranh đấu cho quyền của người Thượng ở Tây Nguyên, nói với VOA:
“Theo tôi, vấn đề này có thể là về đất đai, sự bất bình đẳng đối với người dân tộc. Bất cứ người dân tộc làm gì thì chả có sự xử lý công bằng và họ không có tiếng nói”.
Được hỏi về các cáo buộc đổ lỗi cho người Tây Nguyên thành lập nhà nước Đề Ga hay đi theo tổ chức FULRO là các nguyên nhân dẫn đến những vụ việc trước đây, ông Bubong nói: “Những cái này không còn nữa. Họ lấy cái cớ đó để buộc tội… Như vậy là không công bằng đối với người dân tộc Tây Nguyên”.
FULRO, tức Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc Bị Áp bức, được các sắc tộc người Thượng và người Chăm thành lập ở Campuchia và mùa thu năm 1964. Công an Việt Nam từng tuyên bố rằng “sau 17 năm (1975-1992) kiên trì chiến đấu”, họ đã “làm tan rã hoàn toàn tổ chức, lực lượng FULRO”.
Ông Đặng Sơn Duân, một nhà báo tự do viết trên Facebook hôm 13/6: “Người thì ý kiến có thể xuất phát từ vấn đề đất đai, người thì khẳng định tàn dư của FULRO, hay Đề Ga… Theo thiển ý của tôi, hai khả năng này không nhất thiết loại trừ lẫn nhau, nếu có. Hoàn toàn có thể có những người vì phẫn uất với câu chuyện đất đai mà ngả theo những tiếng gọi cực đoan!”.
Ông viết tiếp: “Nếu quả như vậy, sự việc đau lòng này cũng là lúc nên nhìn nhận lại chính sách dân tộc đầy nhạy cảm, từ chủ trương đến triển khai, hay chất lượng những người thực hiện… Liệu có gì chưa đúng, chỗ nào cần phải điều chỉnh, cải thiện hay không?”
Ông Dương Quốc Chính, một nhà quan sát và bình luận chính trị - xã hội trong nước, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân:
“Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ vừa xong là gì, nhưng mâu thuẫn sắc tộc thường không được công bố là nguyên nhân chính thức, dễ bị lái thành mâu thuẫn thuần túy hình sự”.
Hai ngày sau khi xảy ra vụ tấn công gây chấn động, cổng thông tin công an Đắk Lắk cho biết chính quyền địa phương và công an tỉnh Đắk Lắk, công an huyện Cư Kuin hôm 13/6 trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trao bằng “Tổ quốc ghi công” cho thân nhân của 4 công an viên và 2 quan chức thiệt mạng, gọi họ là những “liệt sĩ”.