Tranh cãi tăng nhiệt tại miền nam nước Pháp về những bộ áo tắm burkini trùm kín thân thể được các phụ nữ Hồi giáo bảo thủ ưa chuộng. Các nhóm hoạt động nhân quyền tuyên bố đang có hành động pháp lý chống lại thành phố Cannes, nơi gần đây không cho các bộ burkini xuất hiện tại các bãi biển công cộng. Đây là một trong những ví dụ về những bất đồng xoay quanh các biểu tượng Hồi giáo ở Pháp, nơi có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất ở Tây Âu.
Lệnh cấm burkini được thông qua lặng lẽ hồi cuối tháng trước tại Cannes - một thành phố sông nước được biết tiếng về liên hoan phim hoành tráng hàng năm hơn là về các quan điểm tôn giáo. Trong sắc lệnh của thành phố, thị trưởng David Lisner viện dẫn các cuộc tấn công khủng bố gần đây tại khu vực Nice lân cận và các luật lệ thế tục của Pháp.
Ông nói những trang phục tắm biển phô trương liên kết tôn giáo có thể gây xáo trộn trật tự công cộng. Thị trưởng Lisner nói với truyền thông Pháp rằng ông xem burkini là một biểu tượng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, nhưng các biểu tượng khác như mũ kippah của người Do Thái và khăn che mặt sẽ không bị cấm. Tin cho hay một thị trấn gần Cannes đã thông qua một lệnh cấm tương tự.
Lệnh cấm được đưa ra sau khi một công viên nước ở gần Marseille hủy bỏ Ngày Burkini dự trù vào tháng 9.
Thành viên quốc hội Valerie Boyer trong một cuộc phỏng vấn trên BFMTV, ủng hộ quyết định đó.
Bà nói lôi kéo phụ nữ trùm kín thân thể hoặc mặt mũi đi ngược lại với phẩm giá con người.
Nhưng giới hoạt động nhân quyền Hồi giáo phản đối. Liên đoàn Nhân quyền Pháp và Tập thể chống tinh thần bài Hồi giáo cho biết họ sẽ kiện lệnh cấm của Cannes ra tòa. Tổng thư ký Liên đoàn Hồi giáo miền Nam tại Pháp, Feiza Ben Mohamed, nói lệnh nhắm mục tiêu vào người Hồi giáo một cách bất công và không phải là đáp án của công cuộc chống khủng bố.
Bà nói: “Nói tới người Hồi giáo, tất cả mọi thứ đều thành vấn đề, tất cả mọi thứ: từ thức ăn, quần áo, các bể bơi và bây giờ là tới các bãi biển.”
Đây không phải là lần đầu tiên mà burkini cùng với các biểu tượng Hồi giáo khác bị chú ý. Nhà chức trách Pháp cũng đã cấm khăn che mặt niqab và không cho các nữ sinh đeo mạng che mặt trên học đường. Các vấn đề như những loại thực phẩm nào được xem là hợp pháp tại các căn-tin cũng đã làm dấy lên những căng thẳng. Một số người nói các biểu tượng Hồi giáo này trái với tín ngưỡng thế tục của quốc gia trong khi những người phản đối cho rằng ngăn cấm là vi phạm quyền tự do thể hiện quan điểm.
Your browser doesn’t support HTML5