Giới chức Mỹ, Âu châu cảnh báo nguy cơ khủng bố nghiêm trọng, phức tạp đang diễn biến

Binh sĩ nhảy dù Bỉ tuần phòng bên ngoài trụ sở Ủy ban Âu châu trong thủ đô Brussels, 17/1/15

Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố nước Anh đứng trước một nguy cơ ‘nghiêm trọng’ của một cuộc tấn công khủng bố, trong khi một giới chức thi hành công lực Âu châu mô tả môi trường an ninh là khó khăn. Một nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng cảnh báo về mối đe doạ ngày càng tăng của “chủ nghĩa cực đoan bạo động có mầm mống ngay trong nước.”

Xuất hiện trong chương trình ‘Face the Nation’ của đài truyền hình CBS hôm chủ nhật, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố Anh quốc đang đối mặt với một ‘nguy cơ nghiêm trọng,’ và nói rằng có ‘rất nhiều phần chắc’ một cuộc tấn công sẽ xảy ra.

“Nguy cơ này tiếp tục chuyển biến bởi vì đó vẫn là một vấn đề cơ bản, khủng bố Hồi giáo cực đoan. Nguy cơ đã thay đổi và chuyển biến, nhưng vẫn dựa trên vấn đề cơ bản của một âm mưu độc hại tôn thờ cái chết, một sự biến thái của một trong những tôn giáo lớn trên thế giới.”

Ông Cameron nói phải mất một thời gian dài và sẽ cần đến sự hợp tác quốc tế để tranh đấu chống lại các phần tử cực đoan này:

“Nếu chúng ta đưa vấn đề khủng bố cực đoan Hồi giáo ra khỏi Iraq và Syria, thì sẽ mất một thời gian dài để đối phó. Trong khi chúng ta sẽ phải tỏ ra hết sức kiên trì, chúng ta không thể tự mình làm việc này trong tư cách là những nước Tây phương. Chúng ta cần một chính phủ hoạt động tốt ở Iraq, một chính phủ hoạt động tốt ở Syria trong tư cách là những thẩm quyền hợp pháp giúp chúng ta diệt trừ sự biến thái này của đạo Hồi.”

Giám đốc cơ quan thực thi công lực của Liên hiệp châu Âu là Europol, ông Rob Wainwright nói một sự đáp ứng cương quyết đang được tiến hành sau các vụ tấn công ngày 7 và 9 tháng này ở Pháp đã làm 17 người thiệt mạng:

“Chúng ta đã thấy hành động hiện nay ở Bỉ, ở Hy Lạp, ở Berlin và các nơi khác nữa, và điều đó chứng tỏ bản chất của mối đe doạ chúng ta đang phải đối mặt. Nó lan ra khắp rất nhiều quốc gia Âu châu, thủ phạm là một cộng đồng có lẽ chừng vài ngàn người đã bị cực đoan hoá trên Internet, qua kinh nghiệm xung đột ở Syria và Iraq, và nhiều người trong đó đã trở lại xã hội Âu châu, trong đó một số có ý định và khả năng thực hiện cuộc tấn công.”

Trong chương trình ‘This Week’ của đài truyền hình ABC, ông Wainwright nói không phải chỉ là quy mô của vấn đề mà cảnh sát phải đối đầu, mà cả bản chất của mối đe doạ đã thay đổi kể từ những vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Hoa Kỳ. Ông nói không có cơ chế chỉ huy và kiểm soát nào rõ ràng. Tuy nhiên, ông cho rằng có một nỗ lực được phối hợp đang diễn tiến hướng tới sự hợp tác lớn hơn giữa các dịch vụ chống khủng bố, kể cả việc chia sẻ tình báo và theo dõi việc tài trợ cho khủng bố, vũ khí bất hợp pháp và theo dõi sinh hoạt khủng bố trên mạng Internet.

Cũng trong chương trình ‘Face the Nation’ thành viên của Uỷ ban Tình báo Thượng viện, ông Marco Rubio nói, ngoài mối đe doạ từ bên ngoài, Hoa Kỳ còn phải đối mặt với tiềm năng tấn công của ‘chủ nghĩa bạo động có mầm mống ngay trong nước.’:

“Và, điều đáng chú ý và nguy hiểm hơn là sự kiện một số các cá nhân này đang âm mưu những vụ tấn công có thể chưa hề tới Trung Đông. Họ bị cực đoan hoá tại một nhà thờ hồi giáo địa phương hay trên mạng, và họ đã nhận được chỉ thị và/hoặc sự khích lệ về cách thức tiến hành những vụ tấn công này ở phương Tây từ các diễn đàn trên mạng. Vì thế, tôi nghĩ rằng đó là một mối nguy cơ rất có thực đối với châu Âu, ở gần kề hơn với Trung Đông và có những khối di dân lớn từ vùng đó, nhưng nguy cơ cũng rất có thực ở ngay Hoa Kỳ này, là một đất nước nơi mỗi năm có hàng triệu khách đến thăm, du hành hay di cư tới.”

Xuất hiện trong chương trình ‘Meet the Press’ của đài NBC, thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một thành viên của Uỷ ban Quân vụ Thượng viện, nhấn mạnh rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra ở Syria và Iraq vẫn là mối đe doạ lớn nhất đối với Hoa Kỳ. Ông nói thành quả chống lại bọn họ sẽ làm thay đổi bối cảnh của mối đe doạ an ninh trên toàn thế giới.

Ông Greg Barton, giám đốc Trung tâm đạo Hồi và Thế giới Hiên đại của trường Đại học Monash, nói một điểm thiết yếu có thể tạo chuyển biến đã đạt tới khi nhóm Nhà nước Hồi giáo IS chiếm thành phố Mosul của Iraq và kêu gọi các đồng minh của mình mở các cuộc tấn công ‘đơn độc’ ở bất cứ nơi nào bọn họ có mặt.

“Hoàn toàn tách biệt với sự kiện đó, chúng ta có những mối quan ngại tiếp diễn ở Afghanistan, Pakistan và tình hình ở Nigeria và quanh Cameroon đang càng ngày càng xấu thêm, không dự kiến tràn ra ngoài khu vực vào thời điểm này, nhưng vẫn nhắc nhở chúng ta rằng, cùng với những vấn đề ở Somalia và Kenya với al-Shebab, chúng ta đang đối mặt với các thách thức ngày càng tăng trên tất cả các mặt trận đòi hỏi phải có các nguồn lực quốc tế và làm phân tán các nguồn lực ấy vào lúc ngày càng khó biết được các diễn biến sẽ xoay chuyển ra sao.”

Ông Barton nói al-Qaida đã hoạt động từ 30 năm, và với những nhóm mới hơn xuất hiện, ông đồng ý với Thủ tướng Cameron rằng phải vài chục năm nữa mới tìm ra được một giải pháp cho chủ nghĩa khủng bố.