Sau Ruth Ginsburg, nước Mỹ sẽ thay đổi

Một tấm bảng ở lễ tưởng niệm thẩm phán Ginsburg: "RBG, bà đã thay đổi thế giới."

Bà Ruth Bader Ginsburg qua đời khiến mọi người thấy lá phiếu của một Thẩm phán Tối cao ảnh hưởng đến đời sống một người dân Mỹ bình thường như thế nào. Tổng thống Donald Trump đề cử một vị thẩm phán bảo thủ, sẽ được các nghị sĩ Cộng Hòa chiếm đa số trong Thượng viện thông qua. Điều này có thể xẩy ra trước hoặc sau ngày dân Mỹ bỏ phiếu.Trong Tối cao pháp viện sẽ có 6 vị thuộc khuynh hướng “bảo thủ,” do các vị tổng thống Cộng Hòa đưa lên, và ba vị “cấp tiến” do các phía Dân chủ bổ nhiệm.

Một tuần lễ sau ngày dân Mỹ di bầu, ngày 10 tháng 11 sắp tới, Tối cao pháp viện Mỹ sẽ phán quyết một vụ kiện liên can đến đạo Luật Cải tổ Y tế của cựu Tổng thống Barack Obama, thường gọi là Obama Care. Nếu bữa đó đã có người thay thế bà Ginsburg trong Tối cao pháp viện, thì chắc Obama Care có thể sẽ bị bác bỏ.

Đảng Cộng Hòa đã cương quyết đòi hủy bỏ Obama Care ngay từ đầu, Tổng thống Trump đã tranh cử với lời hứa sẽ xóa bỏ nó. Cho đến nay đạo luật đó vẫn tồn tại vì Quốc hội chưa thay thế nó. Tối cao pháp viện đã bác bỏ nhiều đơn kiện đòi xóa bỏ toàn thể hay từng phần đạo luật đó, với tỷ số 5/4, nhờ bốn Thẩm phán Tối cao cấp tiến được Chánh án John Roberts chia sẻ cùng ý kiến. Ông John Roberts được cựu Tổng thống George W. Bush (Cộng Hòa) bổ làm Chánh án Tối cao năm 2005.

Ai theo dõi Tối cao pháp viện thì biết rằng vụ kiện chống Obama Care sau cùng này có tính chất rất kỹ thuật. Tòa Tối Cao đã xét xử hai vụ về Obama Care năm 2012 và 2015, cả hai lần đạo luật được cứu sống nhờ bà Ginsburg, và được ông Roberts đồng ý. Trong vụ kiện 2012, có người kiện Obama Care vi hiến vì bắt mọi công dân Mỹ phải có bảo hiểm y tế, nếu không sẽ bị phạt tiền. Người ta coi điều này vi phạm quyền tự do cá nhân được hiến pháp bảo đảm. Khi bỏ phiếu bác bỏ đơn kiện Chánh án Roberts viện cớ rằng khoản tiền phạt những người không mua bảo hiểm chỉ là một thứ thuế, mà chính phủ có quyền đánh thuế.

Nhưng Tổng thống Trump đã làm cho điều luật trên vô hiệu lực bằng cách xóa bỏ tiền phạt những người không mua bảo hiểm y tế. Nghĩa là thứ “tiền thuế” đó không còn nữa. Cho nên có người kiện rằng lý luận về “thuế” của Chánh án Roberts không còn được áp dụng! Ngày 14 tháng 12 năm 2018 thẩm phán tòa sơ thẩm Reed O’Connor ở Bắc Texas, do Tổng thống G.W. Bush bổ nhiệm năm 2007, đã phán quyết rằng điều khoản bắt mọi người phải mua bảo hiểm Y tế trong Obama Care là vi hiến, do đó cả đạo luật đó không còn hiệu lực.

Lên đến tòa phúc thẩm, tòa cũng đồng ý với tỷ số 2/3 nhưng đưa trả lại tòa dưới để cứu xét thêm coi để quyết định các điều khoản trong đạo luật Obama Care có thể giữ lại hay không; nhưng vụ kiện đã được đưa lên tòa cao nhất!

Phiên tòa Tối Cao ngày 10 tháng 11 có thể sẽ làm cho Obama Care thành vô hiệu. Dù ông Roberts không muốn xóa bỏ đạo luật đó thì ông và ba vị thuộc phía cấp tiến cũng thành thiểu số, với tỷ số 4/5. Nhưng dù chưa có ai thay thế bà Ginsburg thì kết quả 4/4 có nghĩa là phán quyết của Tòa Phúc thẩm, tuyên bố rằng đạo luật đó vi hiến, sẽ có giá trị.

Mấy chục triệu người Mỹ đang được bảo hiểm sức khỏe theo luật Obama, nhờ được trợ cấp khi mua bảo hiểm lấy, hay nhờ chương trình Y tế cho người nghèo (Medicaid, Medical) được mở rộng. Trong đó có mấy chục triệu người mới bị mất việc vì Đại dịch Covid. Họ sẽ không biết họ còn được bảo hiểm hay không, khi chưa có luật mới nào thay thế.

Tình cảnh hoang mang đó có thể tránh được trong vài trường hợp. Với quyết định 4/4 ông Roberts có thể tuyên bố Tòa Tối Cao tạm ngưng xử, để chờ khi có người thay thế bà Ginsburg, sẽ xử tiếp. Để tạm thời cứu Obama Care ông Roberts cũng có thể đặt vấn đề một cách khác, là giới hạn phán quyết của tòa vào một vấn đề mà thôi: Bắt mọi người đều phải mua bảo hiểm y tế có vi hiến hay không?

Thẩm phán Tối cao Brett Kavanaugh, do Tổng thống Trump bổ nhiệm, có thể cũng đồng ý với lối đặt vấn đề như vậy. Dù phiên tòa có quyết định rằng điều này vi hiến, với tỷ số 6/4 hay 5/4, thì các điều khoản khác trong Obama Care vẫn tồn tại, mấy chục triệu người sẽ khỏi bị mất bảo hiểm.

Câu chuyện trên đây cho thấy bà Ruth Ginsburg qua đời khiến đời sống dân Mỹ sẽ thay đổi, vì cán cân trong Tối cao pháp viện nghiêng hẳn về phía bảo thủ. Bảo hiểm Y tế sẽ bị ảnh hưởng nhưng không phải là vấn đề quan trọng nhất. Nếu đảng Dân chủ thắng trong các cuộc bỏ phiếu năm nay họ vẫn có cơ hội làm các đạo luật bảo hiểm y tế tương tự.

Có nhiều biến chuyển quan trọng hơn sẽ xẩy ra khi có người thay thế bà Ginsburg. Các Thẩm phán Tối cao bảo thủ sẽ có khuynh hướng bảo vệ quyền của những người mua súng, bán súng, quyền mang súng, dùng súng. Nhiều luật lệ hạn chế, kiểm soát việc bán súng sẽ bị kiện và có thể thắng thế. Cũng giống như vậy, các luật lệ hạn chế việc thải khói, bảo vệ môi trường sống, sẽ bị kiện nhiều hơn khi người ta biết sẽ được đa số các Thẩm phán Tối cao lắng nghe.

Nhưng khi Tối cao pháp viện có tỷ số 6/3 nghiêng về phía bảo thủ thì các vấn đề quan trọng nhất sẽ thay đổi cả xã hội nước Mỹ là hôn nhân đồng tính, quyền bình đẳng của những người đồng tính; và đặc biệt là vấn đề phá thai.

Tối cao pháp viện đã công nhận quyền phá thai của phụ nữ do phán quyết năm 1973 mang tên Roe v. Wade của Tối cao pháp viện. Từ đó đến nay, các cử tri bảo thủ vẫn mong muốn Tối cao pháp viện đảo ngược lại án lệ này, nhưng sau nhiều lần vẫn chưa thành công. Năm 1992, Bà Sandra Day O'Connor, đã bỏ lá phiếu thứ năm cùng các bạn đồng viện cấp tiến trong quyết định không xóa bỏ án lệnh Roe v. Wade mặc dù bà là một Thẩm phán Tối cao bảo thủ.

Trước đây, nhiều ứng viên bảo thủ khi ra trước Thượng viện để được phê chuẩn đã tránh không nói rõ lập trường của mình về án lệ Roe v. Wade. Nhưng sau khi bà Ginsburg qua đời, một nghị sĩ Cộng Hòa đã tuyên bố rằng ông chỉ bỏ phiếu tín nhiệm người sắp được Tổng thống Trump đưa vào Tối cao pháp viện nếu vị thẩm phán đó hứa sẽ xóa bỏ án lệ Roe v. Wade. Người sắp được Tổng thống Trump đề cử chắc chắn sẽ được đa số nghị sĩ Cộng Hòa trong Thượng viện chấp thuận. Có thể đoán rằng trong tương lai quyền phá thai của phụ nữ Mỹ sẽ bị hủy bỏ, nếu không thì cũng bị hạn chế tối đa. Phong hóa cả xã hội sẽ thay đổi. Tất cả chỉ vì một Thẩm phán Tối cao qua đời. Đến ngày thứ Bảy, 26 tháng Chín, tổng thống Trump đã chính thức loan báo bổ nhiệm nữ thẩm phán tòa phúc thẩm có quan điểm bảo thủ, Amy Coney Barrett, vào vị trí thay thế bà Ginsburg.

Khi bà Ruth Bader Ginsburg qua đời, tôi mới biết rằng bà là phụ nữ thứ nhì được vào ngồi trong Tối cao Pháp viện nước Mỹ. Người Mỹ thường không gọi các vị làm nghề “thẩm phán” này là “quan tòa” (judge) mà luôn trân trọng gọi là “Justice,” viết hoa. Cho nên tôi dịch là “Thẩm phán Tối cao” cho có vẻ tôn kính. Chín vị Thẩm phán Tối cao là những trọng tài tối hậu khi người Mỹ kiện cáo nhau. Vậy mà gần hai thế kỷ không có ai là phụ nữ!

Khi tới nước Mỹ năm 1975, người Việt Nam thường bảo nhau rằng ở xứ này đàn ông đứng hạng chót trong thứ bậc xã hội! Đứng đầu là Trẻ em, Thứ nhì là Phụ nữ, Thứ ba là Chó; dưới cùng mới là đàn ông. Nhưng vào năm đó thì Tối cao pháp viện Mỹ vẫn là một câu lạc bộ dành cho quý vị đàn ông, phần lớn da trắng.

Trong dân số Mỹ, phụ nữ da trắng cũng bị gọi là “thiểu số” dù họ đông hơn số đàn ông da đen! Thẩm phán Tối cao da đen đầu tiên là ông Thurgood Marshall, được Tổng thống Lyndon Johnson đưa lên từ năm 1967. Thật không ngờ, 14 năm sau mới có người phụ nữ đầu tiên được gọi là Thẩm phán Tối cao, Bà Sandra Day O'Connor, do Tổng thống Reagan đề cử năm 1981. Có lẽ trong xã hội Mỹ phụ nữ không chiếm địa vị cao như mình tưởng!

Nhà văn Toni Morisson (Nobel 1993) đã kể chuyện quyền của người chồng đối với phụ nữ Mỹ ngày xưa như thế nào.

Dưới chế độ thuộc địa của Anh, vào thế kỷ 17, Toni Morisson cho biết đã có luật nhằm “bảo vệ phụ nữ!” Theo luật này, người chồng bị cấm không được đánh vợ.

Nhưng nói thế chưa đủ, phải nói rõ hơn: Các ông chồng bị “cấm không được đánh vợ vào buổi tối.” Thêm một chi tiết cần thiết nữa: “sau 9 giờ tối!”

Muốn biết cho đầy đủ, điều luật này còn xác định một điều kiện: “nếu không có lý do chính đáng.” Tóm lại, đàn ông Mỹ vào thế kỷ 17 bị cấm không được đánh vợ vào buổi tối sau 9 giờ nếu không có lý do chính đáng!

Biết luật lệ từ thế kỷ 17 như vậy thì chúng ta cũng không ngạc nhiên khi biết đến cuối thế kỷ 20 mới có hai phụ nữ được ngồi trong Tối cao pháp viện. Cả hai bà đều đã bảo vệ quyền của giới nữ nhi trong nhiều phán quyết quan trọng, như bình đẳng trong trường học, trong cơ hội làm việc, lương bổng, vân vân. Chắc chắn không ai có thể bị chồng đánh trước hay sau 9 giờ tối, dù ông chồng nghĩ có lý do chính đáng!