Chỉ vài ngày sau lễ đăng quang của ông Nguyễn Phú Trọng là bản án cho một trí thức nổi tiếng Việt Nam: GSTS Khoa học Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, được Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đưa ra với những cụm từ quen thuộc mà ông Trọng từng lập đi lập lại trong những lần có dịp phát biểu trước cử tri hay trước các Đại hội do Đảng tổ chức.
Có lẽ đây là hồ sơ đầu tiên được ông Trọng ký duyệt bắt đầu cho giai đoạn mới cầm quyền của ông. Trong vai trò Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, chữ ký của ông đã khắc họa lên bề mặt của lịch sử Đảng thêm một chương mới, phơi bày câu chuyện một đảng viên cao cấp đã âm thầm chống đảng trong bao năm qua bằng trí tuệ khi mang sự thật đến cho quần chúng hiểu rõ hơn về những gì họ đang bị bao vây, thúc ép, lừa lọc hay nhồi sọ một cách bền bỉ trong gần một thế kỷ qua.
Giáo Sư Chu Hảo không phải là một cái tên xa lạ với người dân. Qua những lần trả lời phỏng vấn của các đài truyền thông quốc tế như RFA, VOA, BBC hay RFI ông giải mã rất nhiều điều về hệ thống cũng như thẳng thắn đưa quan điểm của mình mặc dù biết rằng những quan điểm ấy hoàn toàn đi ngược với tôn chỉ của Đảng mà ông là một thành viên. Ông cũng không hề xa lạ với giới trí thức trong và ngoài nước bởi các hoạt động văn hóa trong đó có vai trò Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, nhà xuất bản này thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam. Chức năng đầu tiên của Liên hiệp được xác định là: “Tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước”.
Nhưng Nhà xuất bản Tri Thức lại khác thường ở chỗ không cho xuất bản những cuốn sách mà người dân không muốn xem. Những cuốn sách ngợi ca lãnh tụ hay Đảng Cộng sản khi đặt trên kệ sách vĩnh viễn không ai mở ra xem vì nội dung của nó đã quá nhiều người biết đến. Sách của Tri Thức là những gì được chưng cất từ sự thật, từ những lý luận, tư duy mở và chủ đề của nó làm người đọc sáng thêm những mảng tối trong cách nghĩ, cách làm.
Trong những cuốn sách do nhà xuất bản Tri Thức in và phát hành không ít cuốn đã bị tịch thu, cấm tái bản hoặc bị phạt hành chánh vì nhiều lý do mà lý do thông thường nhất là không phù hợp với đường lối chủ trương của Đảng.
GS Chu Hảo hẳn nhiên tự biết sách do ông phê duyệt không bao giờ đúng đường lối, chủ trương của Đảng cả bởi chính con người ông là một ví dụ điển hình.
Trong khi Đảng chủ trương im lặng trước mọi cuộc xâm lược kín hay công khai của Trung Cộng thì ông và nhiều trí thức khác đi biểu tình chống nó. Trong khi Đảng chủ trương mọi cơ quan truyền thông quốc tế đều là đài địch, dù là công dân bình thường cũng bị cấm không được nghe thì ông lại công khai trả lời hết đài này tới đài khác. Trong khi Đảng xuất bản những cuốn sách dày cộp, kinh điển về lịch sử xây dựng đảng thì ông lại cho xuất bản những cuốn sách làm thế nào để một chế độ độc tài phải sụp đổ. Trong khi Đảng chủ trương khỏa lấp những gì không có lợi cho tiến trình khai hóa dân trí thì ông lại hăng hái tham gia vào những tổ chức, xã hội dân sự như Viện IDS hay mới đây là Viện Phan Chu Trinh, nơi phát huy tinh thần của một chí sĩ yêu nước mà đảng rất dị ứng khi nhắc tới.
Sách của nhà xuất bản Tri Thức phát hành rất đa dạng nhưng mảng chính trị có thể nói là chiếc gai nhọn nằm trong những chiếc giày lóng lánh của Đảng gây khó chịu cho toàn hệ thống một cách âm ỉ nhất. Những cuốn như: Bàn về tự do, Chủ nghĩa tự do truyền thống, Hòa bình-tình yêu và tự do, Khảo lược Adam Smith, và nhất là cuốn Đường về nô lệ.
Có lẽ cuốn sách gây dị ứng cho Đảng nhất là cuốn Đường về nô lệ dịch theo tác phẩm The Road to Serfdom, được nhà kinh tế và triết học người Áo Friedrich von Hayek viết vào giữa các năm 1940–1943, cảnh báo về "mối nguy hiểm của chế độ chuyên chế” rất phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam hôm nay.
Khó có thể nói tại sao cho tới hôm nay GS Chu Hảo mới bị đem ra đấu tố trong căn phòng cực kỳ cơ mật của Ủy Ban Kiểm tra Tung ương với các tội danh: “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.” trong khi những việc làm công khai của ông đã xuất hiện từ lâu. Ông là một thành viên sáng lập của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ năm 2007, ký vào Kiến nghị 72 trong năm 2013, Kiến nghị đổi tên Đảng, đổi tên nước, hay phản đối dự luật An Ninh mạng năm 2018, mạnh mẽ kêu gọi trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến tù đày, ông tham gia vào rất nhiều hoạt động văn hóa, xã hội từ hàng chục năm qua…
Rõ ràng không thể bỏ qua yếu tố “xây dựng Đảng” trong diễn biến này khi những cụm từ quen thuộc như “suy thoái tư tưởng về chính trị, đạo đức” “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”… được mang ra để kết án một nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường như đã từng lột “nguyên” những ông thứ trưởng, bộ trưởng khác. Có một điều khác là đối với GS Chu Hảo, hành vi này chỉ làm cho ông bớt “tâm tư” bởi bỏ thì thương mà vương thì tội cái thẻ đảng trong túi của mình.
Thẻ đảng đối với ông tuy chỉ là kỷ niệm nhưng nó cũng chứa biết bao sai lầm mà ông từng phạm phải. Bỏ nó là từ khước sai lầm của mình. Và vì vậy hôm nay chính là ngày vui mừng của ông.
Xin chúc mừng ông, Giáo sư khả kính Chu Hảo.