Giáo dục và đúng là... ‘chưa bao giờ được như thế này’!

Vụ công an đánh học trò ở Sóc Trăng vào tháng Chín, 2022, cũng gây phẫn nộ dư luận. Hình minh họa.

Tới giữa tuần có tin người đàn ông hành xử như côn đồ ấy đã bị khởi tố về tội “làm nhục người khác” nhưng đáng lưu ý là cả người sử dụng mạng xã hội lẫn báo giới đều không hài lòng vì...

Trân Văn

Giáo dục tiếp tục là chủ đề rất nóng cả trên mang xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức vì những chuyện dường như... chỉ ở Việt Nam mới có. Đầu tuần này, công chúng xôn xao trước sự kiện một người đàn ông 40 tuổi, ngụ ở xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, dắt hai đứa con cùng với một con dao xông vào trường tiểu học của xã, ép hiệu trưởng của trường ra tiền sảnh, quỳ xuống xin lỗi hai đứa trẻ...

Tới giữa tuần có tin người đàn ông hành xử như côn đồ ấy đã bị khởi tố về tội “làm nhục người khác” (1) nhưng đáng lưu ý là cả người sử dụng mạng xã hội lẫn báo giới đều không hài lòng vì các hệ thống chưa cho biết sẽ... “xử lý nạn nhân” – ông hiệu trưởng bị uy hiếp tới mức phải quỳ xin lỗi hai đứa trẻ vốn là học sinh trong ngôi trường mà ông là lãnh đạo cao nhất – như thế nào!

Vì sao công chúng lại đồng nhất khi bày tỏ mong muốn có vẻ... ngược ngạo như vậy? Vì nguyên nhân dẫn tới việc người đàn ông dắt hai đứa con cùng với một con dao xông vào trường ép hiệu trưởng ra tiền sảnh quỳ xuống xin lỗi hai đứa trẻ bởi sáng hôm đó, hiệu trưởng đã gọi hai đứa trẻ (mười tuổi và sáu tuổi) lên tiền sảnh, trình diện toàn trường để “nhắc nhở” vì cha mẹ chúng chưa đóng tiến bảo hiểm y tế (BHYT) cho chúng...

Bình luận về sự kiện này trên trang facebook có tên là Luật sư X, Vương Đoàn nhận định: Trường làm như vậy có ảnh hưởng đến danh dự của gia đình và học sinh không? Vũ Văn Nhật thắc mắc: Trường làm nhục học sinh và phụ huynh thì xử lý thế nào? Lũ trẻ mắc tội gì mà bêu chúng trước toàn trường để chúng tự ti. Thế nào là “Tiên học lễ. Hậu học văn”? Giáo dục chỉ nghĩ đến tiền nên mới làm chuyện xúc phạm nhân cách (2)...

Những nhận định như vừa dẫn xuất hiện ở rất nhiều trang facebook. Trên VOV line, Minh Quân bình về việc xách dao vào trường uy hiếp hiệu trưởng, buộc quỳ xuống xin lỗi: Thời xưa làm vậy là tội đồ nhưng cũng chả ai làm thế bởi rất tôn sư trọng đạo, thời nay làm thế lại đúng là hảo hán! Ngọc Bông luận thêm: Chẳng có gì tự nhiên hết, chỉ là phụ huynh không kiềm chế được mà trở thành vi phạm pháp luật (3)...

Trước những phản ứng như thế, nạn nhân – Hiệu trưởng Tiểu học Sơn Lâm – đã lên tiếng: Chuyện xảy ra là điều không ai mong muốn, phụ huynh giờ đã bị khởi tố còn phía nhà trường cũng như tôi cũng có một phần lỗi khi đã không linh hoạt và mềm dẻo trong việc tuyên truyền về việc đóng bảo hiểm tới học sinh và phụ huynh dẫn đến sự việc đáng tiếc ấy... Còn Trưởng phòng Giáo dục đào tạo (GDĐT) huyện Hương Sơn hứa là sẽ... “xin ý kiến của huyện để xem xét biện pháp phù hợp, một là phạt hành chính, hai là xử lý theo quy định của Luật Công chức, viên chức đối với... nạn nhân”. Viên Trưởng phòng GDĐT huyện Hương Sơn thừa nhận: Tuy BHYT là khoản bắt buộc phải thu nhưng đó là công việc của cơ quan bảo hiểm. Bởi họ ít người nên hệ thống giáo dục thu giúp để đạt thành tích cao vì là... thành viên trong Ban Vận động bảo hiểm (4).

Sự thừa nhận của viên Trưởng phòng GDĐT huyện Hương Sơn dường như là động lực thúc đẩy Thái Hạo – một nhà giáo bỏ nghề - khuyến cáo: Giáo viên, đừng trở thành người đòi nợ thuê. Thái Hạo nhấn mạnh: Trong điều lệ trường học, không có bất kỳ điều khoản nào quy định giáo viên phải thực hiện các công việc liên quan đến tài chính giữa nhà trường và học sinh, tuy nhiên, trên thực tế, giáo viên đang trở thành những kẻ đòi nợ thuê cho hiệu trưởng.

Hỏi thì giáo viên trả lời rằng, “chỉ là thu hộ, không được gì”. Mỗi trường đều có tổ Văn phòng, trong tổ đó có bộ phận tài vụ (kế toán, thủ quỹ), nhưng tại sao giáo viên vẫn suốt ngày lên lớp nã tiền học sinh? Giáo viên đòi tiền, thu tiền là làm sai chức năng và nhiệm vụ. Không chỉ thế, còn gây ra những hậu quả tồi tệ trong giáo dục: phá vỡ mối quan hệ vô tư, lành mạnh giữa thầy cô và học sinh; gây ức chế tâm lý, gây hiểu lầm, làm mất đi tư cách của người thầy. Nếu đi xa hơn, hành vi thu tiền này của giáo viên còn có biểu hiện của việc thao túng tâm lý học trò, dùng tiền bạc để gây sức ép, làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên tâm lý trẻ em. Hiệu trưởng đã sai khi giao việc thu tiền cho giáo viên nhưng giáo viên cũng không biết đâu là đúng đâu là sai, cứ nhắm mắt làm theo, sai chồng sai, sai tiếp tay cho sai.

Sứ mạng của thầy cô là giáo dục. Không phải là thu tiền. Không bao giờ được nói chuyện tiền bạc với học sinh chứ đừng bảo rằng thu. Nghĩa vụ tài chính của học sinh phải được nhà trường thông báo đến người giám hộ (phụ huynh), phụ huynh sẽ nộp cho bộ phận tài vụ. Trường học hãy chấm dứt ngay hành vi thô lậu, phá hoại và phản giáo dục khi mỗi ngày lên lớp là đòi tiền.

“4.0” nhưng vì sao đến một bản kê các khoản tiền phải nộp mà nhà trường cũng không chuyển đến phụ huynh được dù đã ngồi họp nguyên buổi? Vì “nhạy cảm”. Hay chưa. Nhà trường nói nộp tiền nhưng chỉ ghi “tổng” lên bảng, yêu cầu các khoản chi tiết thì nói “nhạy cảm”. Nhà trường đang làm cái gì vậy? Phụ huynh phải mua sổ liên lạc điện tử nhưng muốn trao đổi gì với nhà trường cũng không được, nhắn qua điện thoại, zalo thì im lìm. Rốt cuộc không phải là nhà trường không liên hệ được với phụ huynh mà chỉ là không muốn liên hệ. Nắm đầu học sinh dễ gây sức ép hơn. Giáo dục ai và giáo dục cái gì với một lối mờ ám, thủ thuật, tiểu xảo và phản nhân văn như vậy?

Giáo viên, xin hãy tự tôn. Đừng vì thiếu hiểu biết hay hèn nhát mà tự đẩy mình vào hoàn cảnh ô nhục. Hãy mạnh dạn trả về cho hiệu trưởng những việc nhếch nhác, bậy bạ kia, và toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp giáo dục thiêng liêng. Giáo viên, các vị “không được gì cả”, chúng tôi biết, nhưng các vị vẫn rất đáng trách và đáng bị coi thường vì đến những hiểu biết sơ đẳng và thái độ chính trực tối thiểu mà các vị cũng không có được, vậy chúng tôi phải tôn trọng các vị bằng cách nào đây? Với tư cách phụ huynh, thay vì chỉ xì xào trên facebook, các vị ở đây hãy yêu cầu nhà trường chấm dứt ngay việc lên lớp đòi tiền con em mình (5).

***

Sau hàng loạt các sự kiện vốn dĩ không ở Việt Nam hay không rành Việt Nam không thể tưởng tượng lại có thể xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, tờ Tuổi Trẻ vừa đặt vấn đề: “Hiệu trưởng bị bắt quỳ, cô giáo bị bẻ tay, học trò đánh nhau..., trường học có còn an toàn”? Trong bài viết ấy, khá nhiều người - không ít trong số đó được xem là chuyên gia cùng tham gia phân tích nhưng đọc xong chỉ thêm hoang mang vì “an toàn” vẫn còn nằm ở đâu đó thuộc tương lai chứ không có bất kỳ giải pháp nào vừa khả thi, vừa ngay lập tức... Bởi vậy mà nhớ ông Nguyễn Phú Trọng. Từ 2018 đến nay, năm nào cũng có vài lần Tổng Bí thư đảng CSVN tuyên bố, đại ý: Đất nước chưa bao giờ được như thế này về đủ mọi khía cạnh, nào là vị thế, nào là cơ đồ, nào là tiềm lực... Thực trạng của tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục đúng là trước kia chưa bao giờ “được” như thế này!

Chú thích

(1) https://infonet.vietnamnet.vn/ha-tinh-khoi-to-doi-tuong-cam-dao-de-doa-lam-nhuc-hieu-truong-5005556.html

(2) https://www.facebook.com/luatsux/photos/gm.527322148867979/2261975014005457/?type=3

(3) https://www.facebook.com/Vovlive.vn/posts/663812028571676/

(4) https://suckhoedoisong.vn/vu-mang-dao-vao-truong-de-doa-yeu-cau-xu-ly-cong-bang-ca-phu-huynh-nha-truong-169221104121049844.htm

(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02LN3ryX28xPshRdwhZ2mSByZeo9Ur7Sp3NGuQuAiS9A214jb8AgaduXream6WjJ8Yl&id=100059910855657

(6) https://tuoitre.vn/hieu-truong-bi-bat-quy-co-giao-bi-be-tay-hoc-tro-danh-nhau-truong-hoc-co-con-an-toan-20221103222653178.htm