Giám đốc bệnh viện Vũ Hán qua đời vì dịch, tác động kinh tế lan rộng

Tư liệu: Các nhân viên y tế trang bị chống dịch để chặn sự lây lan của virus giết người bùng phát tại Vũ Hán, Ảnh chụp tại Bệnh viện Chữ Thập Đỏ ở Vũ Hán, ngày 25/1/2020 (Photo by Hector RETAMAL / AFP)

Giám đốc một bệnh viện hàng đầu ở Vũ Hán, trung tâm ổ dịch nơi bùng phát virus corona, đã qua đời vì căn bệnh này hôm thứ Ba 18/2 giữa lúc tập đoàn Apple cảnh báo doanh số của công ty sẽ bị tác động vì dịch bệnh, truyền đi những tín hiệu tiêu cực tới các thị trường chứng khoán toàn cầu.

Truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết ông Liu Zhiming, Giám đốc Bệnh viện Vũ Hán, qua đời vào lúc 10:30 sáng 18/2, nhân viên y tế thứ 7 và cao cấp nhất trở thành nạn nhân của dịch Covid-19. Bệnh viện này chỉ điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus.

Số ca mắc virus corona chủng mới ở Hoa lục lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 2.000 tính từ tháng 1, nhưng con đường hãy còn dài trước khi kiềm chế được virus này.

Tổng số các ca tử vong ở Trung Quốc đã tăng lên tới 1.868 ca, Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết. Có 1.886 ca nhiễm mới được xác nhận, nâng tổng số các ca lây nhiễm lên 72.436 ca.

Quyết định phong tỏa các thành phố và hạn chế đi lại đã hãm bớt sự lây lan của virus bên ngoài ổ dịch, tuy nhiên dịch bệnh này vẫn là một cái giá đắt cho nền kinh tế và các giao dịch thương mại toàn cầu.

Hơn hai chục hội chợ thương mại và hội nghị công nghiệp đã bị hoãn lại vì những hạn chế đi lại và những lo ngại về sự lây lan của virus có nguy cơ phá vỡ các giao dịch trị giá hàng tỷ đô la.

Apple trở thành công ty mới nhất cảnh báo về tác động của dịch bệnh, nói rằng công ty sẽ không đáp ứng được những dự báo về doanh số trong quý 3 do sản xuất iPhone chậm lại và do nhu cầu giảm trên thị trường Trung Quốc.

Cổ phiếu sụt giá ở châu Á và Phố Wall cũng có dấu hiệu sẽ thụt lùi từ các mức cao kỷ lục hôm thứ ba sau khi tin này loan truyền.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói nền kinh tế đang trong tình trạng khẩn cấp và cần có kế hoạch kích thích vì dịch bệnh đã tác động tới nhu cầu đối với hàng hóa Hàn Quốc.

Singapore đã công bố gói cứu nguy tài chính trị giá 4,5 tỷ đô la để giúp kiềm chế vụ bột phát và chống lại tác động kinh tế của dịch bệnh này.

Tại Hong Kong, trưởng đặc khu Carrie Lam cho biết chính quyền sẽ tăng tài trợ để giải quyết dịch bệnh từ 25 tỷ lên tới 28 tỷ đô la Hong Kong (3,60 tỷ USD), giữa lúc vùng lãnh thổ này đang tìm cách giảm thiểu các tác động đối với nền kinh tế vốn đã bị các cuộc biểu tình ảnh hưởng nghiêm trọng.

Singapore Airlines cho biết sẽ tạm thời cắt giảm các chuyến bay trong ba tháng đến tháng 5, do nhu cầu giảm vì dịch bệnh.

Nhật Bản đã công bố kế hoạch sử dụng thuốc HIV để chống lại virus Covid-19 giữa lúc ngày càng có nhiều ca lây nhiễm, đe dọa nền kinh tế lớn thứ ba của thế giới cũng như sức khỏe của cộng đồng. Với 520 ca lây nhiễm, Nhật Bản là nước có nhiều ca lây nhiễm nhất bên ngoài Trung Quốc.

Du thuyền Diamond Princess neo ở bến tàu Daikoku, bên cạnh quốc kỳ Nhật Bản


Giữa lúc nền kinh tế Nhật Bản đang co cụm làm tăng nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế, sự lây lan của virus corona đã khiến Tokyo phải giới hạn các cuộc tụ tập đông người, một số công ty cho nhân viên làm việc từ nhà.

Kể từ ngày 30 tháng 1, số ca nhiễm mới hàng ngày trên lãnh thổ Trung Quốc vẫn ở trên mức 2.000 ca, trong khi số người chết hàng ngày không dưới 100 ca kể từ ngày 11 tháng 2.

Bên ngoài Trung Quốc, có 827 trường hợp lây nhiễm tại 26 quốc gia và khu vực, và có tất cả 5 ca tử vong, theo số liệu của Reuters dựa trên các tuyên bố chính thức.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng các dữ liệu của Trung Quốc dường như cho thấy các ca lây nhiễm mới đã giảm sút, nhưng “bất kỳ xu hướng nào cũng phải được diễn giải một cách hết sức thận trọng”.