Giải văn chương Goncourt 2010

  • Ðặng Ðình-Túy

Giải văn chương Goncourt 2010

Trong các giải thưởng văn chương của Pháp, giải Goncourt được coi là quan trọng nhất. Quan trọng ở đây không có nghĩa là số tiền thưởng lớn; giải chỉ mang theo giá trị hiện kim tượng trưng vỏn vẹn mười quan tiền châu Âu (Euros) trên tấm ngân phiếu đề tên tác giả! Ấy thế nhưng giá trị vật chất của nó được tính theo số sách in ra, con số đó trung bình lên đến 350.000 – 380.000 cuốn.

Năm nay nhà văn được giải là Michel Houellebecq, một nhân vật gây nhiều đàm tiếu mỗi khi chường mặt, một đứa trẻ ngang bướng của nền văn chương Pháp. Tác phẩm của ông mang tựa đề La carte et le territoire (chúng tôi tạm dịch Tấm bản đồ và lãnh địa). Vào sơ khởi, ban giám khảo chọn trong số 14 tác phẩm và rút lại còn 4 vào vòng chung kết trong đó gồm Vassilis Alexakis với Le premier mot, Virginie Despentes (bà này sau nhận giải Renaudot) với Apocalyse bébé, Patrick Lapeyre với La vie est brève et le désir sans fin và Houellebecq với tác phẩm kể trên.

Độc giả bên quê nhà hẳn phải quen thuộc với Michel Houellebecq qua tác phẩm đặc sắc nhất của ông (theo thiển ý) là cuốn Les particules élémentaires được dịch ra Việt văn dưới ngòi bút của Cao Việt Dũng mang tựa Hạt cơ bản. Tùy thẩm mỹ quan của người đọc chúng ta có thể khen hay chê nhưng dù thế nào đi nữa, Houellebecq vẫn là một cây bút có tài và có sức hiểu biết rộng.

Khi ban giám khảo Goncourt chưa tuyên bố kết quả đã có nguồn tin xầm xì về tác giả. Mấy ngày sau, trên tờ The Irish Times ra ngày 9/9/2010, ký giả Mac Cormaic đặc phái viên ở Paris đã phản ánh những lời tố cáo cho rằng Houellebecq “đạo văn”, trích nguồn tin từ một website có tên slate.fr dẫn chứng rằng ông đã mượn một đoạn mô tả vùng Beauvais với các hoạt cảnh săn thú được đăng trên wikipedia. Cũng theo cách trên, ông đã dùng nhiều đoạn trong những bài viết của Bộ Nội vụ Pháp quảng cáo các khách sạn ở miền nam xứ này. Nhà xuất bản Flammarion cũng như ban giám khảo Goncourt đều coi nhẹ lời tố cáo, bởi theo họ nhà văn có quyền sử dụng các trích đoạn như vậy như một loại nguyên vật liệu, loại matière première/raw material.

Để có cái nhìn với cố gắng khách quan tối thiểu, không gì bằng là chúng ta hãy bước thẳng vào tác phẩm Michel Houellebecq, La carte et le territoire.

Bố Jed là kiến trúc sư, là nhà doanh nghiệp thành công. Ban đầu ông làm thuê cho người, sau ông tự tạo ra xí nghiệp xây cất do chính ông điều động, làm ra tiền. Jed lớn lên trong cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng thiếu tình mẹ – mẹ tự tử chết khi Jed còn nhỏ, điều này Jed chưa bao giờ được bố giải thích lý do. Jed tốt nghiệp mỹ thuật nhưng bắt đầu bằng nhiếp ảnh, dựa trên các tấm bản đồ của công ty Michelin, anh ta chụp các tấm ảnh ấy mang ra triển lãm. Cuộc triển lãm mang chủ đề dài dòng: La carte est plus intéressant que le territoire (Tấm bản đồ còn đáng chú ý hơn lãnh địa). Giai đoạn hoạt động ngắn ngủi này, tuy vậy đã mang lại cho Jed một thành công nhỏ về tiền bạc và một người bạn gái, Olga Sheremoyova, phụ trách giao dịch của công ty Michelin tại Pháp. Sau đó Jed bỏ nhiếp ảnh, anh ta là một người khá dửng dưng với đời, tính cách thường thấy nơi những kẻ trưởng thành mà không bị vướng bận về những nhu cầu vật chất. Ở điểm này người đọc có thể qui chiếu từ bản thân tác giả cuốn sách và rộng hơn là thành phần lớn của xã hội Pháp. Houellebecq vào truyện bằng một“biến cố” trong đời nhân vật Jed Martin: máy cung cấp nước nóng trong căn hộ anh ta bị hỏng vào một ngày 15 tháng 12. Đối với đa số nhân loại trên quả đất này, việc một dụng cụ hàng ngày trong nhà bị hỏng chỉ là chuyện nhỏ nhặt nhưng với Jed, đó là một ám ảnh. Ấy thế mà sự ra đi (vì đòi hỏi của công việc) của Olga lại không làm cho Jed Martin xao động nhiều. Lại cũng là một thói sống của thế hệ: tình yêu, cũng như đồng tiền, kiếm được không khó khăn, đến và đi chẳng làm ta rung rinh chút nào. Không một lý do thích đáng, Jed bỏ nhiếp ảnh, nhảy vào hội họa. Anh ta vẽ các nhân vật có thật trong những sinh hoạt tượng trưng nhất của họ. Vẽ bố anh với đám nhân viên ở công ty kiến trúc, vẽ Bill Gates và Steeves Jobs tranh luận, vẽ Jeff Koons và Damien Hirst và cuối cùng vẽ chân dung … Houellebecq! Vâng, Houellebecq biến mình thành một nhân vật phụ (nhưng khá đồ sộ) trong tiểu thuyết của ông cùng với người bạn văn thật ngoài đời là Frédéric Beigbeder và khá nhiều nhân vật thật khác trong giới truyền thông.

Nhân vật Jed Martin trong câu chuyện chỉ làm lụng chơi chơi nhưng thành công vật chất thì rất đáng kể. Khi đã vẽ được gần hai chục bức tranh, anh được người chủ một phòng triển lãm tư đề nghị bày tranh. Dưới con mắt nhà nghề của Franz, chủ phòng trưng bày, thì Jed nên tìm một nhà văn viết lời giới thiệu và phê bình tranh. Sự chọn lựa dẫn đưa Jed Martin tìm gặp và xây nên mối tương giao với Houellebecq mà Jed luôn phân vân rằng liệu thực sự họ có sự đồng cảm và đáng coi là có tình bằng hữu giữa hai người chăng. Phần giao tiếp giữa Jed Martin và Michel Houellebecq chiếm một số trang quan trọng trong cuốn sách và cuối cùng dẫn đến cái chết của chính tác giả. Quyền kẻ sáng tạo quả là quyền tối thượng. Ông cho phép chính ông nằm xuống. Phần thứ ba của cuốn sách và phần chung cục chiếm ngót nửa cuốn sách (255 trang trên tổng số 428) nói về cái chết tưởng tượng của Houellebecq chỉ vì giá trị vật chất của tấm tranh mà Jed vẽ ông ta. Chưa hết. Houellebecq chết rồi, ông còn kéo bạn ông Beigbeder chết theo. Cái chết đầu tiên của cuốn truyện là của mẹ Jed Martin, tiếp đến là bố Jed, rồi Houellebecq, rồi Beigbeder và cuối cùng là chính Jed.

Mọi chủ đề của đời sống đều ở đấy: tiền, tình, đau bệnh, chết, sống, tình người, tình bạn, quang cảnh sinh hoạt nước Pháp trong thời đại internet. Houellebecq trong cuốn này dường như muốn vẽ lên lần chót khung cảnh và thời đại mà ông sống trong đó. Cái nhìn bi quan chăng? – không, không bi quan mà thực tế, thực tế theo nghĩa là những gì mà kẻ sống trong nó cảm thấy và trung thành vẽ ra. Houellebecq không đối chọi tính lạc quan và bi quan trong tiểu thuyết, ông tin vào hai cực của khuynh hướng lãng mạn và bi thảm.

Khi bỏ phiếu chọn tác phẩm, các ông hàn Goncourt đã dồn cho Houellbecq 7 phiếu; 2 phiếu chống vì thích Despentes hơn và một phiếu chót không có vì Michel Tournier vắng mặt. Nhà văn đã hụt đến hai ba lần giành chiếc cúp; năm 1998 với Les particules élémentaire và năm 200 với Possibilté d’une ile; Plateforme của ông thì hẩm hiu hơn, lúc ấy tây phương đang rúng động vì WTC vừa bị sập mà Houellebecq lại tuyên bố rằng đạo Hồi là một tôn giáo … ngu xuẩn nhất, trao giải cho ông sẽ là một màn khiêu khích tồi tệ! Thôi thì dù ông có nằm xuống như hình ảnh ông tự phác họa trong sách, hẳn ông cũng mãn nguyện nhưng chỉ nguyên việc bắt hụt nhiều lần Goncourt cũng đủ nói lên rằng Michel Houellebecq là nhà văn lớn. [ĐĐT]