Sơ lược về giải pháp ‘Miễn dịch cộng đồng’ tại Đức

Hình minh họa.

Sa Huỳnh (Berlin)


Trong thời gian bộc phát đại dịch Virus Corona, xuất phát từ Vũ Hán, rồi lan tràn trên khắp thế gian, chúng ta thường nghe các chuyên gia y tế, và chính trị gia ở nước Đức, nói đến một khái niệm tương đối mới đối với giới bình dân, đó là khái niệm "Miễn dịch cộng đồng".

Bà Thủ tướng Đức, Angela Merkel, sau khi hỏi ý kiến các nhà khoa học, đã không ngần ngại tuyên bố rằng, để chống lại đại dịch một cách hiệu quả, nước Đức cần một số lượng người bị phơi nhiễm là từ 60 đến 70% dân số. Bởi vì sau khi bị phơi nhiễm và "sống sót", cơ thể của số lượng người này đã tự tạo được kháng thể, thành tấm chắn bảo vệ những người còn lại sẽ không bị lây bệnh dễ dàng.

Khi nghe, đa số mọi người bị sốc. Nhiều người trách móc là bà nhẫn tâm "đem con bỏ chợ", vì như vậy thì số người nhiễm sẽ rất đông, lên đến 50 hay 60 triệu người, số người chết cũng sẽ tăng vọt theo, bệnh viện quá tải, xã hội hoảng loạn là cái chắc!

Một số người Việt, thường là những người không có điều kiện sống ổn định nơi xứ người, nghe hãi quá, vội tìm vé bay nhanh về nước cho an toàn, làm náo loạn sân bay Việt Nam, gây ảnh hưởng không tốt, làm người trong nước có cái nhìn không còn mấy thiện cảm.

Nếu chịu khó bình tâm, tìm hiểu các thông tin khoa học trên nhiều phương tiện, chúng ta sẽ hiểu đuợc rằng: "Miễn dịch cộng đồng" thực ra chỉ là một trong những chiến lược phòng vệ trước đại dịch. Đơn giản và dễ hiểu là, nếu đại dịch lan tràn mà chúng ta không làm gì cả, coi như là không có dịch, vẫn giao lưu đình đám ì xèo, mà thuốc đặc trị hay vắc-xin chủng ngừa lại chưa có, thì đó là một biện pháp duy nhất, chẳng đặng đừng, để còn có thể bảo vệ được người dân.

Nếu có vắc-xin tiêm chủng, cơ thể những người được tiêm sẽ có kháng thể, chúng ta không cần "bị phơi nhiểm" để "có được kháng thể" trong người. Đó lại là vấn đề cần thời gian.

Tình thế hiện nay là chúng ta chưa có vắc-xin. Nhiều nguồn tin cho biết có thể nhân loại phải chờ, sớm nhất là vào khoảng mùa Thu 2020, hay cũng có thể đến mùa Hè 2021. Thế thì làm sao bây giờ?

Câu trả lời hết sức phũ phàng là đành phải chấp nhận sống chung với lũ, áp dụng phương án "miễn dịch cộng đồng". Nhưng chúng ta phải có cách để làm cho quá trình này chậm lại như có thể. Đây là một biện pháp "câu giờ" nhằm tránh việc lây nhiễm tăng quá nhanh trong một thời gian ngắn, giúp cho ngành y tế có thời gian chuẩn bị mọi thứ cần thiết, như giường bệnh, dụng cụ bảo hộ, dụng cụ y tế, máy thở và... tâm lý.

Để có cách thực hiện hiệu quả biện pháp "câu giờ" này, chúng ta cần những cái đầu tỉnh táo, có những suy nghĩ chính xác và khoa học, dựa vào các nghiên cứu trong tình trạng thực tế, sử dụng hiệu quả các mô hình dịch tễ đã được công nhận trong giới chuyên ngành. Trong đó môn xác xuất và thống kê đóng một vai trò quan trọng không kém.

Theo thống kê từ Vũ Hán, nơi xuất phát Virus Corona, người ta biết rằng, hệ số lây nhiễm, tức là một người bệnh lây lan đến bao nhiêu ngườì khác, mà trong ngành dịch tễ gọi là hệ số R(0), nằm ở khoảng 2,1. Tức là một người lây lan cho 2,1 ngườì. Hay 10 người lây cho 21 ngườì.

Riêng tại Đức, viện Robert Koch-Institut cho biết hệ số này nằm giữa 2,4 và 3,3. Bệnh đậu mùa kinh khủng năm 1918, có hệ số 15, may mắn là nhân loại đã nhanh chóng tìm ra vắc-xin đặc trị.

Trong mô hình dịch tễ cũng có thêm một chỉ số T về thời gian, cho biết sau bao nhiêu ngày thì số bệnh nhân tăng lên gấp đôi.

Để tìm ra 2 chỉ số quan trọng này, chúng ta phải có nhiều biện pháp đi kèm. Như phải làm xét nghiệm (Test) đại trà trong xã hội, cho càng nhiều người càng tốt, trong những nhóm người có độ tin cậy tượng trưng cao. Qua đó ta biết tương đối chính xác có bao nhiêu người dương tính, dù có triệu chứng hay không. Biện pháp này cần đầu tư công sức và tiền bạc, cũng như phải có các bộ xét nghiệm (Test Kits) chính xác và cho ra kết quả nhanh. Điều này rất khó khăn cho những nước nghèo, thiếu hạ tầng cơ sở về y học, nhân lực và chuyên môn, nhất thiết họ phải huy động sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Hiện nay Mỹ dẫn đầu với hơn 5 triệu xét nghiệm. Nga 2,7 triệu - Đức 2 triệu - Hàn Quốc 0,6 triệu.

Tất cả mọi cố gắng đều hướng về 2 mục đích: Tìm cách để giảm hệ số R(0) xuống - tức là giảm số người bị lây, và tăng thời gian T lên - tức là "câu giờ" dài ra.

Theo mô hình tính toán của các chuyên gia, nếu R(0) chỉ còn bằng 1 là tuyệt vời, tức là một người bệnh chỉ lây cho một người mà thôi. Và thời gian T, như theo tình hình tại Đức, từ 14 ngày trở lên là 2 biểu hiện tốt để có những quyết định chính trị, như nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa từng phần các ngành hoạt động, mở một số trường học hay nhà trẻ... vân vân. Để bảo đảm an toàn xã hội, đây phải là những quyết định có cơ sở khoa học vững chắc, chứ không được phát ra từ mệnh lệnh hành chính, hay quyết tâm chính trị, hoặc dựa trên những con số phi thực tế, mà một số quốc gia đang gặp khó khăn, vì thiếu điều kiện.

Tóm lại việc xét nghiệm nhanh với số lượng nhiều, có con số người bệnh chính xác, là chìa khóa để có những biện pháp và quyết định khoa học, nhằm có thể "sống tương đối an toàn với lũ", trong giai đoạn chưa có vắc-xin như hiện nay.

Nếu đạt được hệ số R(0) là 1, và thời gian T đủ dài, tức là hệ thống y tế không bao giờ bị quá tải. Với "miễn dịch cộng đồng" từ 60 đến 70% cần đạt được, đi ra từ ý nghĩa cụ thể là trong 3 người, chỉ có một người là "bị yếu thế" dễ bị lây bệnh, vì chưa miễn nhiễm, còn 2 người kia đã được loại trừ.

Như vậy ta có thể hiểu đơn giản như sau: Người bị nhiễm lần thứ 1 này là A sẽ lại lây nhiễm chỉ cho 1 người thứ 2 là B mà thôi. Người A bây giờ sẽ có 2 khả năng: Theo thống kê thì khả năng A sẽ lành bệnh sau một thời gian điều trị từ 10 đến 23 ngày là tương đối lớn, hiện nay tại Đức khả năng này là gần 80%. Người A sẽ rời viện, nhường chỗ nằm cho B, số giường bệnh cân bằng.

Hay nếu tồi tệ hơn là người A sẽ chết, và là một hy sinh trong giải pháp "miễn dịch cộng đồng". Nhưng nhìn chung lại, cơ sở y tế không bị quá tải, vì số giường bệnh vẫn cân bằng, một người đến thay cho một người đi. Nhà thương có đủ sức lực và qui mô để tiếp tục chiến đấu, cho đến khi vắc-xin ra đời và có thể sản xuất đại trà, lên đến hàng tỉ lọ.

Con đường hiện nay chúng ta cần phải đi, để đạt được những mục đích trên là giãn cách xã hội. Nước Đức đã làm rất tốt cho đến nay, nhờ vậy mà hệ số R(0) chỉ còn 0,7 và thời gian T đã hơn 23 ngày. Cộng với biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi cần thiết, vì thế mà chính quyền đã có thể nới lỏng từng phần các hoạt động xã hội, bắt đầu từ ngày 27.4.2020.

Và đừng quên rằng, bà Thủ tướng Angela Merkel quí mến của chúng ta, vẫn có một thông tin kèm theo để... thoát hiểm, rằng nếu trong 2 tuần nới lỏng mà tình hình trở nên tồi tệ, thì dân chúng lại được lệnh... rút về nhà!

Bởi chính bà và những chuyên gia cố vấn về y tế và khoa học, nắm rõ được một thực tế xót xa, rằng về lâu dài, nhân loại chỉ chiến thắng “dứt điểm” được đại dịch này, khi nào chúng ta có được vắc-xin, còn mọi phương án khác hiện nay, dù hiệu quả cách mấy cũng chỉ là tạm thời.

(Sa Huỳnh - Berlin, 25.04.2020)