Giải Nobel Vật Lý được trao cho các nhà khoa học khám phá ra hố đen

Giải Nobel Vật lý 2020. Ông David Haviland, thành viên của Ủy ban Nobel-Vật lý và Tổng thư ký Viện khoa học Hoàng gia Thụy Điển Goran Hansson loan báo các nhà khoa học đoạt Giải Vật Lý 2020 ở Stockholm, Thụy Điển ngày 6/10/2020.TT News Agency/Fredrik Sandberg via REUTERS

Các nhà khoa học Roger Penrose của Anh, Reinhard Genzel của Đức và Andrea Ghez của Mỹ đã giành được giải Nobel Vật lý năm 2020 hôm thứ Ba 6/10 cho những khám phá của họ về hố đen, một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất trong vũ trụ.

Ông Penrose, giáo sư Đại học Oxford, được trao phân nửa giải thưởng trị giá 1,1 triệu USD cho công trình sử dụng toán học để chứng minh rằng các hố đen là hệ quả trực tiếp của thuyết tương đối của Albert Einstein.

Ông Genzel thuộc Viện Max Planck của Đại học California- Berkeley, và bà Andrea Ghez thuộc Đại học California-Los Angeles, chia nhau nửa còn lại của giải thưởng Nobel Vật lý năm nay nhờ đã khám phá ra rằng một vật thể vô hình và cực nặng chi phối quỹ đạo của các ngôi sao ở trung tâm dải thiên hà của chúng ta .

Bà Ghez - người phụ nữ thứ tư được trao giải Vật lý sau bà Marie Curie năm 1903, Maria Goeppert-Mayer năm 1963 và Donna Strickland năm 2018 - nói bà hy vọng rằng thành công này sẽ truyền cảm hứng cho phụ nữ.

Trả lời câu hỏi về việc phát hiện ra một vật thể khổng lồ nhưng vô hình ở trung tâm Dải Ngân hà, bà Ghez nói “điều đầu tiên là phải hoài nghi”.

“Chúng ta phải chứng minh được với bản thân mình rằng những gì mà mình đang thấy thực sự là điều mà mình nghĩ mình đang thấy. Vì vậy mà tôi vừa hoài nghi vừa cảm thấy vô cùng phấn khích,” nhà thiên văn học 55 tuổi nói trong cuộc điện đàm với ủy ban Nobel sau khi nhận giải thưởng.

“Đó là cảm giác ta đang đứng ở tuyến đầu của nghiên cứu khi phải luôn luôn đặt câu hỏi về những gì mà chính mình đang thấy”.

Ông Genzel, 68 tuổi, nói với Đài truyền hình Reuters rằng ông đang giữa một cuộc điện đàm qua Zoom với các đồng nghiệp, thì điện thoại reo và ông được tin là ông chia chung giải Nobel Vật lý.

“Giống như trong phim, một giọng nói vang lên:“ Đây là Stockholm!”, ông kể lại rằng ông bị sốc và cảm động đến rơi lệ khi được tin.

Mặc dù các hố đen bây giờ được khoa học chấp nhận, nhưng nhiều điều về hiện tượng này vẫn còn là một bí ẩn.

Vật lý là giải thứ nhì trong mùa trao giải Nobel năm nay, sau giải Nobel Y học, khi ba nhà khoa học đoạt giải hôm 5/6 nhờ phát hiện ra bệnh Viêm gan dạng C.

Giải Nobel được tạo ra theo di chúc của nhà phát minh và doanh nhân Thụy Điển Alfred Nobel. Giải này bắt đầu được trao từ năm 1901.

Giải Nobel năm nay bị phủ bóng bởi đại dịch COVID-19 khiến phần lớn các lễ hội thường được tổ chức xung quanh giải Nobel bị đình chỉ.