Giải mật: Canada chuyển giao thông tin tình báo cho CIA tại Việt Nam

Hoạt động của sĩ quan quân đội Canada tại Sài Gòn. Source: © Government of Canada.

Tài liệu vừa giải mật của chính phủ Canada xác nhận rằng các quan chức Canada tham gia vào một ủy ban giám sát đình chiến ở Việt Nam sau Hiệp định Geneva đã thu thập thông tin tình báo và chuyển giao các thông tin này cho Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) của Mỹ và Tổng cục Tình báo Mật (MI-6) của Anh ngay tại Việt Nam. Cũng vì nghi ngờ về điều này mà chính phủ Bắc Việt đã đuổi một sĩ quan Canada ra khỏi đất nước.

Các hồ sơ được giải mật gần đây tiết lộ thông tin mới và xác nhận các giả thiết trước đó về các hoạt động tình báo của Canada tại Việt Nam trong những năm 1950 và 1960. Các tài liệu này cho thấy bằng chứng mới và ý nghĩa lịch sử về vai trò của Canada và ủy ban giám sát quốc tế về đình chiến ở Việt Nam, cũng như chính sách của Canada đối với cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam.

Ông Timothy Andrews Sayle, Phó Giáo sư lịch sử và Giám đốc Chương trình Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Toronto, người thực hiện nghiên cứu về các tài liệu mà Ottawa vừa giải mật liên quan đến hoạt động tình báo của các sĩ quan Canada tại Việt Nam, nói với VOA:

“Canada đã cử các sĩ quan quân đội đến Việt Nam để quan sát và giúp thực hiện Hiệp định Geneva. Và những sĩ quan Canada đã ở đó gần hai thập kỷ. Trong một thời gian dài vừa qua đã có suy đoán rằng những sĩ quan này đã thu thập thông tin tình báo, đặc biệt là thông tin tình báo về Bắc Việt và họ chuyển thông tin đó cho Hoa Kỳ. Nay nhờ một tài liệu được giải mật gần đây theo các chính sách của Canada, cuối cùng chúng ta cũng đã biết rằng các sĩ quan Canada được chỉ đạo thu thập thông tin tình báo và chia sẻ các thông tin này cho CIA của Mỹ, Cơ quan Tình báo Mật vụ Anh, và chúng cũng được chuyển cho người Úc”.

Ngày 20/7/1954, đại diện của Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt) ký kết Hiệp định đình chiến ở Việt Nam tại Geneva, theo đó hai bên ngừng bắn ngay lập tức, đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền, được ngăn cách bằng một khu phi quân sự tại vĩ tuyến 17, đồng thời không đưa thêm các lực lượng quân sự nước ngoài vào Việt Nam.

Ngoài ra, Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc và Việt Minh rút khỏi miền Nam trong thời hạn 300 ngày; người dân có quyền lựa chọn ở miền Bắc hay miền Nam, trong thời gian đó, họ được tự do đi lại. Để giám sát thực thi các quá trình và các điều khoản này, một ủy ban có tên Uỷ ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế (ICSC) ở Việt Nam, được thành lập với các đại diện từ Ấn Độ, Ba Lan và Canada.

Canada là thành viên của ủy ban ICSC giám sát Hiệp định Gevena 1954, và gần 20 năm sau, Canada tiếp tục là thành viên giám sát Hiệp định Paris 1973 sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Ảnh tư liệu về hoạt động của phái đoàn Canada tại Miền Nam Việt Nam. Photo Government of Canada/Library and Archives Canada.

Phái đoàn ICSC của Canada tại Việt Nam có các đại diện tại Hà Nội và Sài Gòn. Lúc ban đầu, trụ sở chính của ICSC Canada đặt tại Hà Nội, và từ tháng 4/1958 thì chuyển đến Sài Gòn. Trước thời điểm này, nhân viên trụ sở chính ở Hà Nội thực hiện nhiều chuyến công tác vào nam nhiều lần trong năm, mỗi chuyến đi kéo dài 6 tuần, theo cổng thông tin của chính phủ Canada.

Ông Sayle nói:

“Đến nay thì chúng ta biết rằng việc chuyển giao thông tin đã được chính phủ Canada cho phép và vì vậy người Canada ở Việt Nam đã gặp gỡ các quan chức tình báo Mỹ và Anh và chuyển thông tin ngay ở đó. Và họ đã làm điều này bởi vì các tổ chức tình báo của Mỹ và Anh có yêu cầu người Canada cung cấp thông tin”.

“Nhưng có vẻ như người Canada cũng đã lấy thông tin từ người Mỹ và người Anh. Vì vậy, đó là một cách trao đổi thông tin hai chiều của các sĩ quan ở Việt Nam” ông Sayle cho biết thêm.

Trong 55 năm qua, truyền thông Canada và quốc tế đã đưa tin và nêu những suy đoán về tình báo Canada hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là vào các năm 1967, 1970 và 1973, nhưng chính quyền Canada khi ấy “chính thức bác bỏ” và cho đến nay thì câu chuyện này là có thật.

Bản ghi nhớ năm 1962

Tài liệu cho biết từ năm 1954, CIA “đã bày tỏ sự quan tâm đến tiềm năng thu thập thông tin tình báo thông qua sự hiện diện của Canada ở Đông Dương.”

“Phần lớn thông tin tình báo thu thập được” do các sĩ quan của Canada thực hiện khi họ tham gia các chuyến công du kéo dài một tháng đến Bắc Việt. “Các sĩ quan của đoàn luôn được đi cùng với một cán bộ Bắc Việt và bị từ chối tiếp cận với người dân địa phương và bị hạn chế di chuyển,” tài liệu viết. “Họ không được phép mang theo tài liệu có tính chất tình báo, cũng không được thảo luận với Phái đoàn về các hoạt động của họ.”

Bản ghi nhớ tuyệt mật ngày31/3/1962. Photo declassified.library.utoronto.ca

Bản ghi nhớ Tuyệt mật (Top Secret Memo) ngày 21/3/1962 của Hội đồng Cơ mật Canada gửi các bộ ngành cho biết các hoạt động thu thập thông tin tình báo của Phái đoàn tại Việt Nam đã mang lại thông tin có giá trị đáng kể cho Canada, “giúp chúng ta đóng góp độc đáo vào việc trao đổi thông tin chung diễn ra trên khu vực Đông Dương với các cơ quan tình báo Anh, Hoa Kỳ và Australia, cả ba nước này đều đánh giá cao nỗ lực của chúng ta trong lĩnh vực này”.

Bản ghi nhớ dài 6 trang năm 1962 tuyên bố rõ ràng rằng “trong sáu năm qua, Phái đoàn ICSC Canada tại Việt Nam đã thu thập thông tin tình báo quân sự, kinh tế và địa hình về Việt Nam và thông tin tiểu sử về các thành viên của phái đoàn Ba Lan”. Ba Lan khi ấy là đồng minh cộng sản của Liên Xô, Trung Quốc và Bắc Việt.

Bản ghi nhớ 1962 dẫn bình luận của chính phủ Hoa Kỳ có đoạn viết: “Các thành viên Canada của Ủy ban Kiểm soát Đông Dương có vị trí độc nhất, là những quan sát viên phương Tây được đào tạo quy củ, có thể đi lại nhiều nơi ở Bắc Việt và báo cáo thường xuyên”.

“Báo cáo kinh tế của họ cung cấp thông tin trực tiếp có giá trị về sự phát triển kinh tế ở Việt Nam. Việc cung cấp thông tin chi tiết về các lĩnh vực giao thông vận tải và công nghiệp của nền kinh tế đặc biệt rất hữu ích. Việc quan sát tiến độ các dự án xây dựng khác nhau, tình trạng đường quốc lộ và hoạt động vận tải bằng xe tải, hoạt động vận tải đường sắt giữa Cộng sản Trung Quốc và Bắc Việt, và hoạt động vận tải biển tại Hải Phòng và Cẩm Phả / Hòn Gai là vô cùng có giá trị đối với việc phân tích các tuyên bố chính thức về tiến triển kinh tế”.

Một tài liệu dài 9 trang mô tả chuyến đi thực địa bằng tàu hỏa của sĩ quan Canada đến Đồng Đăng vào tháng 10/1957 trong đó nêu chi tiết về vị trí của các tuyến đường sắt, những cây cầu và trên thực tế là mọi cây cầu trên tuyến đường sắt đều có lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam (PAVN) hay còn gọi là quân đội Bắc Việt đóng chốt.

Dọc tuyến đường từ Hà Nội đến đến Đồng Đăng, sĩ quan này có thể quan sát và xác định vị trí của bảy cơ sở quân sự, từ địa điểm huấn luyện với sân bay, đến sở chỉ huy, đến các ụ súng phòng không. Báo cáo còn bao gồm việc quan sát các nhà máy và hoa màu trên đường đi.

“Người tiền nhiệm của tôi đã nhìn thấy một khẩu súng cối, trong khi tôi quan sát thấy vũ khí chống tăng” vị sĩ quan này viết trong báo cáo.

Vào năm 1963, Tùy viên CIA của Đại sứ quán Mỹ ở Ottawa nói với Cục Tình báo Tổng hợp (JIB) của Canada rằng các báo cáo của sĩ quan Canada “có những đóng góp mới có giá trị cũng như khẳng định thêm từ những thông tin tình báo khác”. Tùy viên CIA này viết rằng các báo cáo của Canada về đường sắt và đường quốc lộ có “giá trị cụ thể”, và các báo cáo về các phương tiện viễn thông cũng vậy. Những thông tin này có “giá trị đặc biệt đối với khảo sát cơ bản về cơ sở viễn thông ở Bắc Việt”.

Bắc Việt trục xuất tình báo Canada

Đến giai đoạn 1962-1963 thì hoạt động tình báo của Canada bị Bắc Việt phát hiện. Sự việc xảy ra khi các sĩ quan Canada rời khỏi phòng ngủ của họ, một đặc vụ người Ba Lan đã vào phòng, nhấc bút mực trên bàn lên, và phát hiện các ghi chú của sĩ quan để chuẩn bị một báo cáo tình báo. Sau đó Bắc Việt cáo buộc Canada hoạt động gián điệp và trục xuất một thành viên của đoàn Canada.

Ngoài ra, hồ sơ lưu trữ của Ba Lan mới được phát hành cũng nêu rõ rằng cả hai phía Bắc Việt và Ba Lan đều biết cái mà họ gọi là hoạt động “gián điệp” của phía Canada, ông Sayle cho biết trong báo cáo nghiên cứu của mình.

Ông Sayle nói:

“Có vẻ như vào thời điểm đó chính phủ Bắc Việt nghi ngờ điều này đã xảy ra và họ đã thực sự đuổi một người Canada ra khỏi Việt Nam vào thời điểm đó. Vì vậy, các tài liệu này cũng xác nhận những gì một số người Việt Nam nghĩ. Và nó cũng có thể thay đổi cách nhìn của người dân Việt Nam về ủy ban ICSC đã có mặt tại Việt Nam, giúp họ cố gắng tìm ra chính xác vai trò của ủy ban này trong lịch sử Việt Nam”.

Với cuộc chiến của Mỹ nổ ra ở Việt Nam vào năm 1965, phái đoàn ICSC Canada đã mất hết tác dụng, theo Cổng thông tin Chính phủ Canada (Canada.ca).

Tháng 2/1965, Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson quyết định mở chiến dịch “Sấm rền”, mở rộng đánh phá các mục tiêu quân sự, kho tàng, đầu mối giao thông, thị trấn, thị xã từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20 nhằm đánh sập tiềm lực kinh tế, quốc phòng của Bắc Việt, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

Vào tháng 3/1965, Bắc Việt cho biết ICSC Canada “không còn được chào đón ở Hà Nội,” buộc phái đoàn này của Canada phải di chuyển và cũng dẫn đến sự ra đi của 7 nhóm trong phái đoàn này ở Hà Nội. Lý do mà Bắc Việt ra đưa ra là “không thể bảo vệ phái bộ ICSC Canada khỏi các cuộc tấn công của Mỹ,” vẫn theo Canada.ca.

PGS.Timothy Andrews Sayle.

Tiền đề cho những nghiên cứu mới

Nhưng tài liệu giải mật và nghiên cứu của ông Sayle vẫn chưa nêu nỗ lực để xác định giá trị của các hoạt động tình báo của Canada tại Việt Nam. “Vẫn còn đó những nghi vấn về tác dụng của chính sách này. Và liệu rằng các hoạt động tình báo của Canada tại Việt Nam có đáng với những nỗ lực và đáng bị cáo buộc công khai sau này cho rằng Canada đồng lõa với cuộc chiến của Mỹ?” phó giáo sư sử học viết.

“Và những hoạt động này nên được đánh giá từ quan điểm của ai? Một phương tiện đánh giá có giá trị để xác định liệu thông tin được chuyển đến các đồng minh của Canada có thể được hiểu là đã định hình nên các hành động của người Mỹ, người Úc, hoặc người Anh đối với Việt Nam hay không? Nhưng một điều khác, có lẽ quan trọng hơn, đánh giá nên được thực hiện dựa trên những gì chính phủ Canada đã tìm cách đạt được từ việc chuyển giao thông tin tình báo cho các đồng minh của mình”.

Ông Sayle nói:

“Tôi nghĩ điều này đặc biệt quan trọng đối với những người Canada, những người không biết nhiều về lịch sử tình báo của chính họ. Chính phủ Canada rất giữ bí mật về lịch sử tình báo của mình. Và trên thực tế, khi có tin đồn về vụ trao đổi thông tin tình báo này trước đây, các bộ trưởng của chính phủ đã phủ nhận rằng nó đang xảy ra và nói rằng nó không xảy ra. Vì vậy, ở Canada, tài liệu này cho chúng tôi thấy rằng Canada đã có hoạt động tình báo ở Việt Nam và còn nhiều điều để nghiên cứu nữa.

“Nhưng tôi nghĩ cũng có những tác động đối với việc hiểu lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và chúng ta cần các nhà sử học nghiên cứu thêm về cách các thông tin và hoạt động tình báo mà người Canada thu thập được, cũng như về việc Canada đóng vai trò như thế nào trong việc ra quyết định của người Mỹ ở Việt Nam?”.

Sự tham gia của Canada vào phái bộ ICSC-Việt Nam chủ yếu là từ quân đội, cung cấp các nhân viên thanh tra, thư ký, thông tin liên lạc, y tế và an ninh. Đỉnh điểm là vào tháng 7/1955, lực lượng Canada có 53 sĩ quan và 29 hạ sĩ quan tại Việt Nam. Con số này giảm nhẹ xuống còn 41 sĩ quan và 27 hạ sĩ quan vào cuối năm 1959. Các thành viên quân sự Canada giảm dần trong những năm 1960 để đến đầu năm 1970 chỉ còn khoảng 20 quân nhân, theo Cổng thông tin Chính phủ Canada.

Ngày 29/3/1973 quân lính Mỹ rời khỏi trại Alpha, Saigon.

Với việc Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris tháng 1/1973, Hoa Kỳ yêu cầu Canada tham gia vào Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế (ICCS) để giám sát hiệp định này. Canada đồng ý, với điều kiện Canada có thể rút lui sau đó nếu ICCS tỏ ra không có hiệu lực.

Việc thành lập ICCS vào ngày 29/1/1973 để thực hiện Hiệp định Paris đã kết thúc sứ mệnh gần 20 năm của ICSC sau Hiệp định Gevena. Các thành viên Canada cuối cùng của ICSC rút khỏi Việt Nam vào tháng 7/1973.

Phó giáo sư Sayle nhận định rằng việc chính phủ Canada sẵn sàng giải mật các tài liệu này mang lại một số hy vọng cho việc giải mật các hồ sơ khác nữa. Theo ông, “chính sự minh bạch hơn về tài liệu lịch sử sẽ là thành phần quan trọng để xây dựng hiểu biết đầy đủ hơn về vai trò của Canada và các hành động trong thế giới thời hậu chiến”.