Tất cả 20 người của ba gia đình ngư dân Việt Nam vượt biên lần hai hiện đang hưởng mùa Giánh sinh an lành, đoàn viên tại đất nước Canada, sau chặng đường dài hơn 7 năm kể từ lần vượt biển đầu tiên bất thành, để tìm kiếm điều họ nói là “tự do” và tránh khỏi án tù “bất công” ở quê nhà.
Các gia đình này đã một lần vượt biên sang Australia vào năm 2015, nhưng bị chính quyền Canberra bắt và gửi trả về Việt Nam năm 2016. Họ bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận phạt tổng cộng hơn 6 năm tù giam về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Trong lần vượt biên thứ nhì vào đầu năm 2017, thuyền cá của họ bị chết máy và buộc phải tấp vào một đảo ở Indonesia. Vài tháng sau đó, nhóm này đã được Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) cấp quy chế tị nạn.
Từ Toronto, Canada, bà Trần Thị Thanh Loan, một thành viên của gia đình có tất cả 6 người trong nhóm này, đến Canada từ tháng 7/2022, chia sẻ với VOA:
“Đặt chân đến đất nước Canada tôi và gia đình rất vui, rất hạnh phúc. Đến Canada, đất nước tự do, thoát khỏi chế độ của cộng sản.
“Về số phận hai lần vượt biên thì rất nguy hiểm, lênh đênh trên biển. Nhưng bây giờ đã đặt chân đến Canada thì thật hạnh phúc”.
Tương tự, bà Trần Thị Lụa, một thành viên trong gia đình 7 người đến Canada vào đầu năm 2022 và có thêm 2 người em vừa đến vào tháng 9/2022, nói với VOA:
“Tôi rất hạnh phúc, rất vui mừng khi được đặt chân đến một đất nước tự do, không ai cấm những lời nói của mình và không sợ hãi về điều đó hết.
“Các con tôi được đến trường đi học, tôi được đi làm. Rất tự do, chứ không như ở chế độ cộng sản - mình lúc nào cũng sợ và phải giữ kín lời nói của mình, không được quyền tự do”.
Bà Lụa cho biết rằng gia đình bà Nguyễn Thị Phúc có 5 người đã đến Toronto từ cuối năm 2021.
Your browser doesn’t support HTML5
Bà Trần Thị Lụa trải lòng về giấc mơ chung của nhóm người tị nạn:
“Khi chúng tôi ở Indonesia, chúng tôi rất lo sợ rằng mình sẽ bị trả về Việt Nam. Nếu bị trả về Việt Nam thì coi như là chết, chứ không còn đường sống nữa. Nhưng không ngờ được sự may mắn của ơn trên, Chúa Mẹ đã phù hộ ban ơn cho chúng tôi, được diễm phúc đặt chân đến Canada. Điều đó như một giấc mơ, đó là một ước mơ chung của chúng tôi”.
Bà Loan cho biết họ rất may mắn khi được chính quyền Indonesia trợ giúp và bảo vệ:
“Chính quyền Indonesia rất bảo vệ chúng tôi. Họ tạo điều kiện cho chúng tôi có cuộc sống tốt mà không có sự áp lực nào. Rất là tốt”.
Những phụ nữ này cho VOA biết khi thuyền cá của họ gặp nạn, cảnh sát và người dân Indonesia đã cứu họ và đưa họ vào bờ, sau đó cơ quan di trú của nước này phối hợp với UNHCR cấp quy chế tị nạn cho họ.
Nhóm cũng cho biết trong khi lánh nạn ở Indonesia, cơ quan Di trú Quốc tế (IOM) đã hỗ trợ cho họ nhà ở, thực phẩm hàng ngày, trong khi phóng viên người Australia Shira Sebban và nhà tình nguyện người Mỹ gốc Việt Grace Bùi giúp họ tìm nước thứ ba để định cư thông qua sự phối hợp hỗ trợ của Thượng nghị sĩ Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải và tổ chức VOICE Canada.
“Khi chúng tôi bước chân qua Canada, tổ chức VOICE ra đón và đưa chúng tôi vào nhà. Họ mướn nhà với đầy đủ các thứ, không thiếu thứ gì trong nhà hết – gạo, cơm đầy đủ hết – và họ chu cấp cho chúng tôi hai tháng tiền ăn, tiền nhà để chúng tôi trang trải cuộc sống và sau đó chúng tôi đi làm”, bà Lụa cho biết.
XEM THÊM: Người Úc giúp thuyền nhân Việt bị hồi hươngTrong một cuộc phỏng vấn với VOA-Việt ngữ vào năm 2017 từ trại tị nạn ở Indonesia, bà Lụa cho biết 3 gia đình này đã quyết định vượt biên lần thứ nhì “để mưu cầu một cuộc sống tốt hơn cho gia đình” vì “án tù quá ác độc”.
Trước đó, vào tháng 9/2016, chính quyền ở Bình Thuận đã tuyên án tù đối với một số thành viên của nhóm này sau khi bị chính quyền Australia cho hồi hương vào tháng 7/2015, sau khi Canberra trấn an rằng họ nhận được cam kết bằng một văn bản rằng chính quyền Việt Nam sẽ “không trừng phạt việc nhóm này rời khỏi Việt Nam bất hợp pháp”.
Sau án tù này, tại một phiên điều trần trước Thượng viện Australia, thiếu tướng Andrew Bottrell, chỉ huy trưởng lực lượng biên phòng Australia, đã lên tiếng tố cáo chính quyền Hà Nội vì đã nói dối với chính phủ Australia.
Bà Trần Thị Lụa và bà Trần Thị Thanh Loan nằm trong nhóm 4 người bị tòa phúc thẩm ở Bình Thuận tuyên phạt tổng cộng gần 9 năm tù vì “tổ chức vượt biên” qua Australia trên chiếc tàu gồm 46 người rời cảng Phan Thiết ngày 1/7/2015. Họ bị phía Australia trả về Việt Nam ngày 25/7/2015.
Bà Trần Thị Thanh Loan bị tuyên 36 tháng tù. Ông Hồ Trung Lợi, chồng bà, bị tuyên án 24 tháng tù giam, trong khi bà Trần Thị Lụa, bị tuyên 30 tháng tù giam.
Bà Loan và bà Lụa được hoãn thi hành án tù 1 năm để chăm sóc con còn nhỏ. Ông Lợi, cha của 4 con nhỏ trong nhóm tị nạn, phải chấp hành án tù ở Bình Thuận.
Trước khi thời hạn hoãn thi hành án kết thúc, những phụ nữ quyết định đi vượt biên lần hai, vì họ cho rằng nếu họ ở lại Việt Nam, họ sẽ phải đối mặt với án tù như đã tuyên. Về phần ông Lợi, bà Loan cho biết ông cũng đã vượt biên đến Indonesia sau khi mãn hạn hai năm tù ở Việt Nam và cũng được tháp tùng đoàn tị nạn đến Canada.
Trong thông điệp viết trên Facebook hồi đầu tháng 10/2022 nhân dịp chúc mừng hai thành viên cuối cùng trong nhóm tị nạn đến Canada, phóng viên Sebban cho biết bà đang viết một cuốn sách về câu chuyện vượt biên tìm kiếm tự do của những gia đình ngư dân Việt Nam này, dự kiến sẽ phát hành trong năm 2023.