Tháng 7 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người 2022” (Báo cáo TIP - Trafficking in Persons – 2022) sau khi khảo sát hoạt động phòng, chống buôn người của 188 quốc gia. Ngoài Việt Nam còn có Campuchia, Brunei bị xếp vào “loại ba” – loại thấp nhất hay còn gọi là bị đưa vào “danh sách đen” vì tệ nạn “buôn người” (dung dưỡng cưỡng bức lao động, nô lệ tình dục). Vào thời điểm này, có 5/11 quốc gia thuộc khối ASEAN bị xếp vào “loại ba” (hai quốc gia còn lại đã thuộc “loại ba” là Malaysia và Myanmar) [1].
Đáp lại, chính quyền Việt Nam khẳng định: Một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là “phòng, chống mua bán người” và công tác “phòng, chống mua bán người” đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, nhất là trong lĩnh vực hoàn thiện chính sách pháp luật. Chính quyền Việt Nam yêu cầu Mỹ... đánh giá khách quan, chính xác về những nỗ lực của Việt Nam trong “phòng, chống mua bán người” và đưa Việt Nam ra khỏi “Báo cáo TIP 2023”, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt – Mỹ... (2).
Bộ Ngoại giao Mỹ dựa vào đâu để hạ Việt Nam từ “loại hai cần theo dõi” xuống “loại ba” và đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia nằm trong “danh sách đen”? Cách tốt nhất để tự xác định “đánh giá” của Mỹ có “khách quan, chính xác” hay không là xem qua Báo cáo TIP 2022 về việc “phòng, chống mua bán người” tại Việt Nam – loại tài liệu vốn vẫn được công bố theo định kỳ nhưng trước nay, từ chính quyền đến hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam vừa phản đối, vừa phớt lờ nội dung, không so sánh - phân tích để chứng minh thiếu... khách quan và thiếu... chính xác như thế nào (3)...
***
Ở phần về Việt Nam trong Báo cáo TIP 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích, sở dĩ họ chuyển Việt Nam sang “loại ba” là vì: Chính phủ Việt Nam không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để loại bỏ nạn buôn người và không có nỗ lực đáng kể để thực hiện điều đó, kể cả khi xem xét tác động của đại dịch COVID-19 đối với năng lực chống buôn người của Việt Nam. Theo số liệu do Việt Nam cung cấp, Bộ Ngoại giao Mỹ phát giác có sự sụt giảm năm năm liên tiếp trong việc kết án những kẻ buôn người, số vụ truy tố ít hơn đáng kể so với 2020. Giới hữu trách tiếp tục kiểm tra hàng ngàn cơ sở có khả năng xảy ra nguy cơ buôn bán tình dục cao nhất nhưng không xác định được bất kỳ nạn nhân nào dù các cơ sở này rất phổ biến.
Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự lo ngại đáng kể về “sự đồng lõa của viên chức”, trong đó có các trường hợp được cho là do hai thành viên của cơ quan ngoại giao Việt Nam thực hiện. Một viên chức Bộ Ngoại giao Việt Nam được cho là đã quấy rối, đe dọa và hạn chế liên lạc với một số nạn nhân của vụ cưỡng bức lao động xảy ra tại Saudi Arabia (Ả rập Xê út) sau khi họ cố gắng yêu cầu hỗ trợ. Một số nạn nhân đã trốn thoát và cố gắng tìm kiếm sự trợ giúp tại Đại sứ quán Việt Nam nhưng bị chính viên chức đó cưỡng chế trao trả cho những kẻ buôn người. Trong những trường hợp khác, sau khi những người sống sót tìm nơi trú ẩn với một tổ chức địa phương, chính quan chức này được cho là đã lừa dối họ bằng hứa hẹn về việc hồi hương để dụ họ ra ngoài và sau đó “bán” họ cho những người chủ mới ở địa phương, những người này tiếp tục bóc lột nạn nhân bằng cưỡng bức lao động. Các tổ chức phi chính phủ và cảnh sát Saudi Arabia đã tiến hành gom và hồi hương hầu hết nạn nhân - được cho là không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính phủ Việt Nam - bất chấp luật pháp Việt Nam quy định cung cấp chi phí hồi hương cho tất cả người Việt là nạn nhân của nạn buôn người ra nước ngoài. Một tổ chức quốc tế đã phỏng vấn 10 phụ nữ hồi hương từ Saudi Arabia và đánh giá bốn người là nạn nhân của nạn buôn người. Chính quyền địa phương đã cố gắng yêu cầu đại diện tại Việt Nam của một trong các công ty phải bồi thường cho nạn nhân, tuy nhiên, trong một số trường hợp, tiền bồi thường chỉ được trả một phần hoặc hoàn toàn không trả đồng nào.
Bộ Ngoại giao Mỹ kể thêm: Theo báo cáo, chính phủ đã kiểm tra, thanh tra và xử phạt hành chính 10 trong số 20 doanh nghiệp đưa lao động sang Saudi Arabia nhưng các cơ quan hữu trách không truy cứu trách nhiệm hình sự về việc tạo điều kiện cho tội phạm buôn người. Giới hữu trách cũng phạt một công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) vì không giải quyết được tranh chấp về tiền lương, điều mà đại diện các tổ chức phi chính phủ giải thích là hành động trả đũa của chính phủ Việt Nam đối với những nỗ lực ban đầu của họ nhằm đáp ứng các cáo buộc của nạn nhân bằng các dịch vụ hỗ trợ. Theo báo cáo, tại Việt Nam, thay vì hỗ trợ, công an đã sách nhiễu và theo dõi các thành viên trong gia đình một số nạn nhân như nỗ lực dập tắt các cáo buộc liên quan.
Một điểm khác cũng khiến Bộ Ngoại giao Mỹ đặc biệt lưu ý: Do thiếu triển khai một cách có hệ thống quy trình sàng lọc lấy nạn nhân làm trung tâm, trong các cuộc truy quét của công an vào những cơ sở có nguy cơ buôn bán tình dục cao nhất, có thể giới hữu trách đã phạt một số phụ nữ và trẻ em vì những hành vi trái pháp luật mà những kẻ buôn người đã xúi giục họ thực hiện. Sự thiếu sót này cũng là lý do khiến các nạn nhân nước ngoài, bao gồm cả trẻ em, có nguy cơ bị trục xuất cao, mặc dù chính phủ tuyên bố họ đã sàng lọc tất cả các cá nhân bị trục xuất để tìm các dấu hiệu buôn người và không xác định được bất kỳ trường hợp nào như vậy. Trước đây, các tổ chức dân sự từng báo cáo về việc các nạn nhân Việt Nam di cư bằng các phương tiện bất hợp pháp hoặc những người bị buộc phải thực hiện các hành vi bất hợp pháp do bị buôn bán vì sợ bị chính quyền trả thù. Những nạn nhân này ít có khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ và dễ bị buôn bán trở lại. Giới quan sát quốc tế từng nói về việc các viên chức thường đổ lỗi cho công dân về tình trạng họ bị bóc lột ở nước ngoài hoặc đề nghị các nạn nhân thổi phồng sự lạm dụng để tránh vi phạm luật nhập cư. Chính phủ Việt Nam không báo cáo về việc đưa ra các lựa chọn thay thế hợp pháp cho các nạn nhân nước ngoài để chuyển họ đến các quốc gia nơi họ có thể phải đối mặt với sự trừng phạt hoặc khó khăn.
***
Theo đánh giá tổng quát của Bộ Ngoại giao về tệ nạn buôn người tại Việt Nam: Trong năm năm qua, bọn buôn người đã bóc lột nạn nhân trong và ngoài nước tại Việt Nam, đồng thời bóc lột nạn nhân từ Việt Nam ra nước ngoài. Đàn ông và phụ nữ Việt Nam di cư ra nước ngoài để làm việc theo kiểu phi chính thức, bao gồm thông qua mạng lưới môi giới bất hợp pháp do các công dân Việt Nam khác ở ngoại quốc điều hành, hoặc thông qua các doanh nghiệp tuyển dụng lao động thuộc sở hữu nhà nước hoặc do nhà nước quản lý. Một số doanh nghiệp tuyển dụng không đáp ứng yêu cầu hỗ trợ của người lao động khi họ bị bóc lột, một số tính phí quá cao khiến người lao động nợ nần dễ bị cưỡng bức lao động. Những kẻ buôn người cưỡng bức nạn nhân lao động trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, khai thác mỏ, hàng hải, khai thác và sản xuất gỗ, chủ yếu ở Malaysia, Nam Hàn, Lào, Nhật và - ở mức độ thấp hơn - một số khu vực ở Trung Đông, châu Âu và Vương quốc Anh, bao gồm cả các tiệm làm móng, các trang trại cần sa.
Ngày càng có nhiều báo cáo về nạn nhân buôn người là công dân Việt Nam ở Đài Loan, lục địa châu Âu, Trung Đông và trong lĩnh vực hàng hải khu vực Thái Bình Dương, kể cả trên các tàu đánh cá của Indonesia và Đài Loan dưới các dạng thỏa thuận phức tạp giúp những kẻ buôn người trốn tránh sự phát hiện và can thiệp của cơ quan thực thi pháp luật. Nhiều công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động dưới sự bảo trợ của TITP (Chương trình Thực tập sinh kỹ năng) của Nhật và trong các chương trình giáo dục nông nghiệp ở Israel. Công dân Việt Nam bị hạn chế đi lại, bị tịch thu giấy tờ tùy thân, đe dọa hành hung, điều kiện sống và làm việc tồi tệ, vi phạm hợp đồng, tuyển dụng gian lận và bị trừng phạt tại các nhà máy thuộc sở hữu quốc gia của Trung Quốc có liên quan với ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc ở vùng Balkan.
Những hạn chế đi lại liên quan đến phòng ngừa đại dịch đã mở rộng các lỗ hổng này đối với nhiều lao động Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm cả việc buộc một số người phải ở lại lâu hơn thời hạn đã ký trên hợp đồng. Những kẻ buôn người đang tận dụng tình trạng thất nghiệp do đại dịch gây ra để dụ dỗ công dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ và thành viên của các nhóm thiểu số, với những lời hứa hão huyền về cơ hội việc làm ở ngoại quốc. Những kẻ buôn người khai thác phụ nữ và trẻ em Việt Nam để buôn bán tình dục, đánh lừa nhiều nạn nhân bằng các cơ hội việc làm lừa đảo và chuyển họ đến các nhà thổ ở biên giới Trung Quốc, Campuchia và Lào hoặc đến các nơi khác ở châu Á, Tây Phi và châu Âu. Theo báo cáo, ngày càng có nhiều phụ nữ và bé gái Việt Nam bị buôn bán tình dục ở Miến Điện. Một số phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài để kết hôn do môi giới quốc tế hoặc làm việc trong các nhà hàng, tiệm massage, quán karaoke - bao gồm cả Miến Điện, Nhật, Nam Hàn, Malaysia, Trung Quốc, Saudi Arabia, Singapore và Đài Loan - bị cưỡng bức lao động dưới dạng giúp việc gia đình hoặc buôn bán tình dục. Theo báo cáo, những kẻ buôn người ở các làng biên giới đã bắt cóc phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là từ nhóm thiểu số Hmong và vận chuyển họ đến Trung Quốc để cưỡng ép hôn nhân thường có các dấu hiệu buôn bán tình dục hoặc lao động cưỡng bức. Đã có những báo cáo về phụ nữ và bé gái Việt Nam bị ép sinh con, bao gồm cả những trường hợp bọn buôn người dụ dỗ họ đến Trung Quốc bằng những lời mời làm việc giả, bắt cóc họ ở biên giới và chuyển họ đến các bệnh viện không được kiểm soát, nơi họ bị cưỡng bức thụ tinh nhân tạo và bị nhốt cho đến khi sinh con. Phụ nữ và bé gái Việt Nam được cho là dễ bị cưỡng bức lao động và bị buôn bán tình dục tại các “quán bar dành cho nữ” - các trang web giải trí quảng cáo các dịch vụ “đi kèm” có trả tiền thường liên quan đến hành vi tình dục với phụ nữ và bé gái ở các khu vực thành thị tại Nhật. Các tập đoàn tội phạm có tổ chức hoạt động trong các đặc khu kinh tế (SEZ) ở Đông Nam Á - đặc biệt là tại Đặc khu Tam giác vàng giao giữa biên giới Miến Điện, Thái Lan và Lào - khiến các công dân Việt Nam trở thành đối tượng tuyển dụng lừa đảo và buôn bán tình dục. Những kẻ buôn người đang gia tăng sử dụng Internet, các trang web trò chơi và mạng xã hội để dụ dỗ nạn nhân, mở rộng hoạt động buôn người và kiểm soát nạn nhân bằng cách hạn chế quyền truy cập mạng xã hội của họ, mạo danh họ, truyền bá thông tin sai lệch. Đàn ông thường lôi kéo phụ nữ và bé gái bằng các mối quan hệ hẹn hò trực tuyến, thuyết phục họ chuyển ra nước ngoài, sau đó ép họ lao động hoặc buôn bán tình dục. Trong quá trình di cư, các băng đảng châu Âu và những kẻ buôn người thường bóc lột nạn nhân Việt Nam dưới hình thức lao động cưỡng bức và buôn bán tình dục trước khi họ đến đích cuối cùng. Những người điều hành các đồn điền thuộc sở hữu quốc gia của Việt Nam cưỡng bức những người di cư trong nước lao động ở Lào.
Trong nước, tình trạng thất nghiệp liên quan đến đại dịch, hạn chế đi lại và các yếu tố gây căng thẳng kinh tế xã hội khác đang làm gia tăng tình trạng dễ bị buôn bán, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em ở khu vực nông thôn và các nhóm thiểu số. Một nghiên cứu chỉ ra rằng 80% nạn nhân buôn người được biết đến ở Việt Nam là thành viên của các cộng đồng thiểu số. Một nghiên cứu khác cho thấy 5,6% trẻ em ở Việt Nam có thể bị ép buộc hoặc bóc lột do bị buôn bán hoặc trong bối cảnh di cư, trong đó trẻ em từ các cộng đồng nông thôn và thiếu thốn có nguy cơ đặc biệt cao. Những kẻ buôn người bóc lột trẻ em và người lớn bằng cưỡng bức lao động trong lĩnh vực may mặc, bán rong và ăn xin trên đường phố ở các trung tâm đô thị lớn, hoặc ép buộc lao động trong các nhà máy gạch, nhà ở đô thị và các mỏ vàng tư nhân. Những kẻ buôn bán tình dục nhắm mục tiêu vào nhiều trẻ em từ các vùng nông thôn nghèo khó và ngày càng nhiều phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu và thành thị. Những kẻ buôn người càng ngày càng hướng các hoạt động tội phạm thông qua thủ đoạn truyền thống là “bắt cóc cô dâu” để bóc lột các cô gái thuộc các cộng đồng thiểu số ở vùng cao nguyên Tây Bắc, bao gồm cả buôn bán tình dục và cưỡng bức giúp việc gia đình. Khách du lịch tình dục trẻ em, được cho là đến từ các nơi khác ở châu Á, Vương quốc Anh, các quốc gia khác ở châu Âu, Úc, Canada và Mỹ để bóc lột trẻ em ở Việt Nam.
Báo cáo TIP 2022 còn khá nhiều thông tin đáng chú ý khác: Có thể chính phủ Bắc Hàn đã buộc người Bắc Hàn làm việc tại Việt Nam. Vào năm 2021, các viên chức Việt Nam và tổ chức phi chính phủ đã báo cáo sự gia tăng nạn nhân buôn người là trẻ em và phụ nữ Campuchia quá cảnh Việt Nam trên đường đến Trung Quốc. Trong những năm trước đã có báo cáo về việc một số viên chức Việt Nam - chủ yếu ở cấp xã và thôn - bị cáo buộc đã tạo điều kiện cho nạn nhân bị buôn bán hoặc bóc lột bằng cách nhận hối lộ từ những kẻ buôn người, bỏ qua các dấu hiệu buôn người và tống tiền để đổi lấy việc nạn nhân đoàn tụ với gia đình của họ...
Không ít thông tin, nhận định như vừa trích dẫn trong Báo cáo TIP 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thật ra không mới với nhiều người Việt bởi họ hoặc là “người trong cuộc”, hoặc là thân nhân “người trong cuộc”, hoặc đã thấy, đã nghe khi thì ở chỗ này, lúc thì ở chỗ khác. Điểm đặc biệt mới chỉ là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa bao giờ công bố báo cáo nào vừa có tính khái quát cao, vừa rõ ràng, rành rọt như vậy về vấn nạn buôn người tại Việt Nam để người Việt biết mà cảnh giác. Cũng vì vậy, khi số lượng người tham gia vào các chương trình, kế hoạch XKLĐ gia tăng, người Việt có thể làm gì để tự bảo vệ mình và thân nhân của mình, cao hơn, cùng cộng đồng quốc tế tham gia chống buôn người sẽ là nội dung phần 3 – phần cuối cùng.
Chú thích
(1) https://thediplomat.com/2022/07/us-adds-vietnam-cambodia-brunei-to-human-trafficking-blacklist/
(3) https://www.state.gov/reports/2022-trafficking-in-persons-report/vietnam/#report-toc__exec-summary