Giá lương thực lên cao, cách mạng và tương lai

Giá lương thực đã hạ so với mức kỷ lục vào tháng hai, nhưng vẫn còn cao so với một năm trước đây

Giá lương thực đã hạ so với mức kỷ lục vào tháng hai. Nhưng giá cả vẫn còn cao so với một năm trước đây.

Trong năm diễn ra các cuộc biểu tình Mùa Xuân Ả Rập, giá lương thực leo thang càng làm cho sự phẫn nộ đối với áp bức, tham nhũng và nạn nghèo đói bùng phát mạnh hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng chính trị dầu sôi lửa bỏng lan rộng khắp Bắc Phi và Trung đông bắt đầu từ các ruộng lúa mì ở Nga năm ngoái.

Sự kết hợp giữa nhiệt độ nóng bức, hạn hán và cháy rừng suốt mùa hè năm 2010 hủy hoại 1/3 mùa thu hoạch lúa mì của Nga. Giá lương thực thế giới leo thang sau khi Nga đình chỉ xuất khẩu lúa mì.

Chuyên gia Shenggen Fan là giám đốc viện Nghiên Cứu Chính Sách Lương Thực Quốc Tế tại Washington. Ông liên kết giá lương thực lên cao với các cuộc nổi dậy tại Ai Cập và các quốc gia Ả Rập khác.

Ông nói: ”Chắc chắn nó là một trong những yếu tố đã thực sự phát động Mùa Xuân Ả Rập.”

Lần cuối giá lương thực leo thang là năm 2008; vào lúc đó Ai Cập là một trong những quốc gia nơi mà các vụ bạo loạn và biểu tình vì lương thực diễn ra.

Ông Ghiyath Nakshbendi là một giáo sư tại phân khoa Doanh nghiệp Quốc tế của Đại học American University tại Washington. Ông đồng ý là giá lương thực là một phần nguyên nhân của các cuộc cách mạng Ả Rập. Ông nói:

”Cuối cùng, lý do thiết yếu dẫn đến cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập căn bản là kinh tế. Và nhiên hậu, khi một công dân không đủ tiền mua lương thực và nuôi sống gia đình, chắc chắn chuyện này sẽ gây bất mãn với chế độ.”

Giáo sư Nakshbendi nói một biến cố như khí hậu biến đổi có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất lương thực ở nhiều quốc gia. Nhưng trong một nền kinh tế toàn cầu ràng buộc chặt chẽ với nhau, dù biến cố chỉ xảy ra ở một quốc gia, cả thế giới có thể bị ảnh hưởng. Ông giải thích:

“Chuyện gì đó xảy ra cho Thái Lan có thể ảnh hưởng đến việc xuất cảng gạo đến những nước khác.”

Kinh tế gia thuộc đại học Cornell Chris Barrett cho hay một khó khăn khác là những thành tựu trong việc sản xuất nông nghiệp đã chậm lại. Ông nói:

”Điều chúng ta thấy hiện giờ là có rất ít đầu tư vào lãnh vực nghiên cứu nông nghiệp trong 20 năm qua.”

Chuyên gia Shenggen Fan cho biết giá lương thực cao trở lại trong năm 2011 đã dạy cho chúng ta những bài học quan trọng. Ông cho là nếu không gia tăng đầu tư vào sản xuất lương thực thế giới sẽ tiếp tục phải chịu giá lương thực cao. Ông nói:

”Lương thực sẽ tăng giá thường xuyên hơn, và điều thứ nhì, rõ ràng là giá lương thực vẫn ở mức rất cao.”

Ông cho biết lượng lương thực tiếp tế cho thị trường không tăng đủ mạnh để thỏa mãn nhu cầu của 7 tỉ người. Theo dự kiến, thế giới sẽ có thêm 2 tỉ miệng ăn nữa vào giữa thế kỷ này. Và rồi dân chúng ở những nền kinh tế đang lên như Trung Quốc lại ăn nhiều thịt hơn, và như vậy lại đòi hỏi đến nhiều thức ăn gia súc hơn. Nhưng trong năm 2011, lần đầu tiên, Hoa Kỳ sử dụng bắp (ngô) để sản xuất nhiên liệu sinh học nhiều hơn là để nuôi gia súc.

Tin mừng ở đây là khi giá nông phẩm tăng, nông gia luôn cảm thấy được khích lệ để trồng tỉa, sản xuất nhiều hơn. Mức thu hoạch kỷ lục trong năm 2011 đang giúp hạ giảm giá lượng thực ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng không phải tất cả.

http://www.voanews.com/templates/widgetDisplay.html?id=135589693&player=article