Giá dầu thấp gây khốn đốn cho kinh tế các nước vùng Vịnh Ba Tư

Một nhà máy dầu ở sa mạc, gần khu vực giàu dầu mỏ tại Khouris, cách thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê-út 160 km về phía đông.

Có tin cho biết Ả Rập Xê-út đang định vay nhiều tỉ đôla vì nền kinh tế nước này gặp khốn đốn vì giá dầu thế giới bị giảm mạnh. Theo tường thuật của thông tín viên Henry Ridgwell của đài VOA tại London, tình hình còn khó khăn hơn cho các nước sản xuất dầu lửa khác.

Những chiếc tàu cao tốc đưa du khách chạy qua vùng nước ấm của Vịnh Ba Tư để tới những nơi trước đây là nơi mò ngọc trai ở duyên hải Bahrain. Trước khi dầu lửa được khám phá vào thập niên 1930, kinh tế của nước này hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào việc xuất khẩu ngọc trai. Chính phủ Bahrain giờ đây muốn khoe di sản của họ, nhưng bà Noura Al Sayeh, kiến trúc sư trưởng của dự án Con đường Di sản, cho biết giới hữu trách còn có một kế hoạch khác.

"Ý tưởng của toàn bộ dự án này là làm cho hoạt động nuôi ngọc trai một lần nữa trở thành một hoạt động kinh tế lâu bền cho Bahrain".

Bahrain cùng với các nước khác ở vùng Vịnh đang cần đa dạng hóa nền kinh tế của họ một cách cấp bách. Giá dầu hiện nay đã từ mức 120 đôla một thùng trong năm 2014 giảm xuống chỉ còn khoảng 40 đôla. Công ty xếp hạng tín dụng Moody’s đã hạ triển vọng kinh tế Bahrain xuống mức rất tệ hại. Ông Jason Tuvey, một chuyên gia của công ty tư vấn Capital Economics ở London, cho biết Oman cũng gặp khó khăn như vậy.

"Oman và Bahrain là những nơi mà tài chánh sẽ bị co cụm rất nhiều trong vài ba năm tới đây. Và mức tăng trưởng của họ sẽ cực kỳ yếu kém. Ngoài ra, cả hai nước đều phải đối mặt với những mối quan tâm về chính trị".

Dầu lửa chiếm khoảng 80% thu nhập của Ả Rập Xê-út. Nhưng nguồn thu này đã bị giảm đi phân nửa trong hai năm qua. Ngân sách chính phủ đang bị thâm hụt 15% và có tin cho biết họ đang tìm kiếm một khoản vay 8 tỉ đôla từ ngân hàng. Tuy nhiên, ông Tuvey nói rằng Ả Rập Xê-út không có nhiều rủi ro như các nước khác.

"Giới hữu trách Ả Rập Xê-út đã dành dụm khá nhiều trong thập niên qua, khi giá dầu ở mức cao. Họ đã trả bớt nợ. Cho nên hiện giờ vị thế của họ tương đối mạnh để ứng phó với tình trạng giá dầu thấp, ít ra là khi chúng ta so sánh với các nước sản xuất dầu khác như Nga và Nigeria".

Ngoại trưởng Ả Rập Xê-út Adel al-Jubeir.

Là một nước thành viên của OPEC, Ả Rập Xê-út có thể giảm sản lượng để làm cho giá dầu gia tăng. Tuy nhiên, theo ông Tuvey, điều đó có thể gây phương hại cho kinh tế của Ả Rập Xê-út.

"Điều đó sẽ làm cho những công ty sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ gia tăng sản lượng một lần nữa và đe dọa tới vị thế dài hạn của Ả Rập Xê-út trên thị trường".

Trong lúc nước Mỹ giảm bớt sự lệ thuộc vào dầu lửa ở vùng Vịnh Ba Tư và sự nguội lạnh trong mối quan hệ giữa Washington với Iran, đối thủ của Ả Rập Xê-út, bắt đầu giảm bớt, một số người đã nêu nghi vấn về tương lai địa chính trị và kinh tế của Riyadh.

Tuy nhiên, hồi tháng trước Ngoại trưởng Ả Rập Xê-út, ông Adel al-Jubeir, mô tả liên minh với Hoa Kỳ là “vô cùng có giá trị”.

"Hoa Kỳ là đồng minh của chúng tôi. Họ là đồng minh lịch sử của chúng tôi trong hơn 70 năm. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi. Họ là nhà đầu tư lớn nhất ở Vương quốc Ả Rập Xê-út".

Riyadh đang ra sức cải cách kinh tế bằng cách hạ giảm mức lương và gia tăng số công ăn việc làm trong khu vực tư. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Ả Rập Xê-út đã quá quen với sự giàu có do dầu lửa mang lại, cho nên những sự thay đổi đó sẽ phải mất nhiều năm mới có thể được thực hiện.