Cơ quan Năng lượng Quốc tế tiên đoán giá dầu sẽ tiếp tục ở mức thấp trong một hay hai năm và sau đó sẽ tăng mạnh. Các tác giả bản phúc trình nói tình trạng đầu tư sụt giảm vì giá dầu thấp trong một năm rưỡi qua đã gây phương hại cho khả năng gia tăng sản lượng một khi mức cầu gia tăng trở lại. Thông tín viên Greg Flakus của đài VOA tường thuật từ Houston.
Phát biểu tại một hội nghị về năng lượng ởHouston, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA Faith Birol nói giá dầu vẫn nằm ở mức tương đối thấp trong năm tới, nhưng sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2020. Ông nói mức cầu vẫn còn yếu và mức cung vẫn còn lớn, nhưng việc cắt giảm sản lượng đang bắt đầu có ảnh hưởng.
“Sự tăng trưởng của nguồn cung ứng dầu lửa trên toàn cầu đang sụt giảm và sụt giảm một cách nghiêm trọng. Trong cùng thời kỳ này trong 6 năm qua, mức sản xuất dầu ở vào khoảng 11 triệu thùng mỗi ngày và hiện nay chỉ còn 4 triệu thùng mỗi ngày vì giá dầu hạ.”
Ông Birol nói thêm là cũng có việc sụt giảm đầu tư vào những dự án mới, và theo ông, việc này sẽ tạo nên một cơn sốc trên thị trường, không chỉ đơn giản vì mức cầu của dầu lửa sẽ tăng trong những năm tới nhưng vì nhu cầu bù lại mức sản xuất sụt giảm của những giếng dầu đang hoạt động.
“Mỗi năm chúng ta phải sản xuất 3 triệu thùng dầu một ngày để có thể duy trì tình trạng mà chúng ta có hiện nay.”
Giám đốc IEA nói tăng trưởng kinh tế gia tăng tại Trung Quốc và các nơi khác sẽ đẩy mạnh mức cầu dầu hỏa trong vài năm tới, nhưng việc trở lại với mức 100 đô la một thùng vào giữa năm 2014 chắc không xảy ra. Ông nói giá cao ở mức 80 đô la một thùng sẽ cũng chỉ tạm thời, vào lúc mức cầu dầu hỏa sẽ giảm sút vì sự gia tăng sử dụng năng lượng một cách có hiệu quả và việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Theo nhận định của ông Neil Atkinson, một chuyên gia của IEA, sản lượng dầu của Hoa Kỳ tăng mạnh trong vài năm qua là một trong những yếu tố làm giá dầu hạ.
“Trước đây không ai thấy được, trong số những chuyện khác, hiện tượng dầu phiến đá tại Mỹ xuất hiện, và chúng ta từng dự kiến một thế giới rất khác biệt. Hiện chúng ta đang ở trong một thế giới mà mức sản xuất tăng trưởng rất mạnh.”
Ông Atkinson nói Hoa Kỳ bắt đầu xuất khẩu dầu, nhưng ít có ảnh hưởng đến thị trường thế giới vì số lượng dầu xuất khẩu của Mỹ tương đối nhỏ.
Phúc trình thị trường của IEA cho thấy vùng Trung Đông vẫn là nguồn dầu hỏa lớn nhất trên thế giới và quyết định của những nước trong vùng này vẫn giữ mức sản xuất trong năm qua góp phần làm giá dầu hạ. Ông Atkinson cũng nói là việc dỡ bỏ những chế tài đối với Iran sẽ cho phép quốc gia giàu dầu hỏa ở Vịnh Ba Tư xuất khẩu nhiều dầu hơn trong những năm tới.