Gần 90 quốc gia tham gia nỗ lực do Hoa Kỳ và EU dẫn đầu nhằm cắt giảm 30% lượng phát thải khí mêtan gây hiệu ứng nhà kính mạnh trước năm 2030 so với mức năm 2020 trong một hiệp định nhằm giải quyết một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu, Reuters dẫn lời một quan chức chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết hôm 2/11.
Hiệp định đối tác này sẽ chính thức ra mắt vào cuối ngày 2/11.
Mêtan là khí nhà kính chính sau khí carbon dioxide. Nó có tiềm năng giữ nhiệt cao hơn CO2 nhưng phân hủy trong khí quyển nhanh hơn - có nghĩa là việc cắt giảm lượng khí mêtan có thể có tác động nhanh chóng đến việc kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.
Theo quan chức chính quyền Biden, Hiệp hội Khí mêtan Toàn cầu, được công bố lần đầu vào tháng 9, hiện bao gồm một nửa trong số 30 nhà phát thải khí mêtan hàng đầu, chiếm 2/3 nền kinh tế toàn cầu.
Trong số các quốc gia mới tham gia sẽ được công bố vào tối ngày 2/11 có Brazil - một trong 5 quốc gia phát thải khí mêtan lớn nhất thế giới.
Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, nằm trong 5 nước phát thải khí mêtan hàng đầu, nhưng chưa ký kết hiệp định này.
Kể từ khi hiệp định được công bố lần đầu tiên vào tháng 9 với một số bên ký kết, Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu đã làm việc để đưa các nhà phát thải khí mêtan lớn nhất thế giới tham gia hiệp định đối tác này.
Đã có khoảng 60 quốc gia đăng ký tham gia chỉ trong tuần trước, sau khi Hoa Kỳ và EU thúc đẩy ngoại giao cuối cùng trước hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu COP26.
Mặc dù không phải là một phần của các cuộc đàm phán chính thức của LHQ, nhưng hiệp định về khí mêtan có thể được xếp hạng trong số các kết quả quan trọng nhất từ hội nghị COP26, do tác động tiềm tàng của nó trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Hoa Kỳ sẽ ban hành các quy định về khí mêtan trong tuần này. EU và Canada đều có kế hoạch công bố luật mêtan vào cuối năm nay.