Trong bài diễn văn đọc vào ngày 28 tháng Ba năm nay, Tổng thống Barack Obama nói Hoa Kỳ có trách nhiệm giúp bảo vệ thường dân bị ông Gadhafi đe dọa, và quyền lợi và giá trị của Hoa Kỳ gặp nguy khốn tại Libya.
Chiến dịch quân sự bắt đầu vào tháng 3 năm nay với những vụ tấn công bằng tên lửa điều khiển của Mỹ và máy bay Pháp chẳng bao lâu đã trở thành một cuộc hành quân do NATO chỉ huy, và một trắc nghiệm quan trọng đối với quyết tâm của Tổng thống Barack Obama chia sẻ gánh nặng hành động quân sự giữa các đồng minh và các đối tác chính.
Ngay từ đầu, Tổng thống Obama nêu rõ là bộ binh Mỹ sẽ không can dự vào chiến dịch này. Ông vạch rõ sự khác biệt giữa những tình huống trong đó ông nói lực lượng quân sự cần phải có, như tại Afghanistan và những nơi quyền lợi của Mỹ không bị thách thức trực tiếp.
Tuy nhiên Tổng thống Mỹ nói Hoa Kỳ có nghĩa vụ hành động chống lại những đe dọa đối với “nhân loại và an ninh chung.”
Ông nói chính sách của Mỹ căn cứ trên những nguyên tắc cơ bản, gồm có ủng hộ những quyền phổ quát và đáp ứng của các chính phủ đối với nguyện vọng của người dân.
Tổng thống Obama nhắc lại những nguyên tắc này trong bài diễn văn dọc tại Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc hôm thứ Năm.
Tổng thống Obama nói: “Đối với vùng này, biến cố ngày hôm nay chứng tỏ một lần nữa là việc cai trị bằng bàn tay sắt sẽ không tránh khỏi bị cáo chung. Khắp thế giới Ả Rập, công dân đã đứng dậy để xác quyết quyền của họ. Những người trẻ đã phản ứng mạnh mẽ chống lại chế độ độc tài. Và những nhà lãnh đạo cố phủ nhận nhân phẩm con người sẽ không thành công.”
Ông Aaron David Miller, chuyên viên kỳ cựu về Trung Đông, cố vấn của 6 đời ngoại trưởng hiện làm việc với Viện Woodrow Wilson tại Washington nói những biến cố tại Libya biện minh cho quyết định của Tổng thống Obama “đầu tư tương đối ít tốn kém của Hoa Kỳ” đã tạo điều kiện cho người dân Libya dẫn đầu trong việc hạ bệ ông Gadhafi, nhưng hệ quả rộng lớn hơn vẫn còn chưa rõ ràng.
Ông Miller nói: “Chúng ta không thể nào lập lại tại Syria những gì chúng ta làm tại Libya và các nước Ả Rập khác, Ả Rập Saudi, Jordani cuối cùng cũng sẽ phải đối mặt với những đòi hỏi cải tổ chính trị rộng lớn hơn, tôn trọng nhân quyền nhiều hơn, và minh bạch hơn.”
Đối với bất cứ “chủ thuyết” nào của Tổng thống Obama liên hệ đến việc sử dụng lực lượng quân sự, ông Miller nói sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng một kiểu mẫu duy nhất cho tất cả các quốc gia trong cuộc nổi dậy mùa Xuân Ả Rập.
Bà Leslie Gelb thuộc Hội đồng Quan hệ Ngoại giao nói:
”Mọi người sẽ bắt đầu tranh luận liệu chúng ta nên hay không nên đóng một vai trò trong việc loại bỏ những nhà độc tài hay không. Nhưng họ sẽ sớm nhận ra rằng một chính sách như vậy đầy rẫy những mâu thuẫn. Những nhà lãnh đạo Ả Rập Saudi là độc tài. Liệu chúng ta có nhảy vào và giúp lật đổ họ hay không? Chuyện đó khó có cơ xảy ra."
Người dân Mỹ ghi công như thế nào cho Tổng thống Obama trong việc thành công cho đến nay của chiến lược Libya của ông? Không nhiều, ông Aaron Miller thuộc Viện Woodrow Wilson ghi nhận là người Mỹ vẫn chú trọng đến vấn đề kinh tế trong nước.
Ông nói: “Cuối cùng cũng tương tự như với vụ Osama bin Laden. Một mình nó không làm thay đổi đáng kể mối quan hệ giữa đa số dân chúng trong nước tin là chính sách kinh tế của Tổng thống đã thất bại.”
Tuy nhiên ông Miller nói những người Cộng hòa tìm cách thay thế Tổng thống Obama vào năm 2012 sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục các cử tri là Tổng thống Obama yếu trong chính sách đối ngoại.
Bà Gelb nói mức độ ảnh hưởng chính trị trong nước đối với Tổng thống Obama tùy thuộc vào những diễn biến tại Libya.
Bà Gelb nói: “Chúng ta phải xem trong tháng tới và sang năm liệu nước này có trở thành nơi an toàn cho sự chống đối những quyền lợi và những ý tưởng của phương tây hay liệu nó có bắt đầu như là phép lạ tiến về dân chủ hay không.”
Trong nhận xét của ông tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama nói Hoa Kỳ không có ảo tưởng, ông nói Libya còn phải bước đi trên một “con đường dài và quanh co” trước mắt rồi mới tiến đến dân chủ hoàn toàn. Tuy nhiên ông nói thêm Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế vẫn cam kết giúp đỡ nhân dân Libya.