42 năm cầm quyền của ông Gadhafi đầy rẫy những điều gây tranh cãi

Đại tá Gadhafi nổi tiếng là lập dị, thường khoác áo choàng dài và da thú và dùng toàn là nữ cận vệ xung quanh mình

Ông Moammar Gadhafi, người dường như sắp không còn nắm quyền ở Libya nữa, là nguyên thủ quốc gia nắm quyền lâu nhất trong thế giới Ả Rập. Ông lên nắm quyền từ năm 1969 sau khi hạ bệ quốc vương Idris trong một cuộc đảo chính quân sự.

Các Diễn Biến Quan Trọng Của Cuộc Nổi Dậy Libya

  • 15 tháng 2, 2011: Nổi dậy ở thành phố Benghazi được khơi nguồn từ cuộc cách mạng Mùa Xuân A-rập ở Tunisia và Ai Cập.
  • 26 tháng 2, 2011: Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc áp đặt trừng phạt lên ông Moammar Gadhafi và gia đình, kêu gọi Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra cuộc đàn áp những người nổi dậy.
  • 19 tháng 3, 2011: Được Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm; Hoa Kỳ, Anh và Pháp không kích Libya để chận đà tiến của lực lượng Gadhafi.
  • 26 tháng 3, 2011: Phe nổi dậy chiếm được thành phố quan trọng Ajdabiya.
  • 30 tháng 3, 2011: Ngoại trưởng Moussa Koussa đào thoát sang Anh. Một số giới chức Libya cao cấp khác noi gương.
  • 30 tháng 4, 2011: Tên lửa của NATO giết chết người con út và 3 cháu nội của ông Gadhafi.
  • 7 tháng 6, 2011: Ông Gadhafi tuyên bố trên đài truyền hình sẽ không bao giờ đầu hàng.
  • 27 tháng 6, 2011: Tòa án Hình sự Quốc tế ra trát bắt giam ông Gadhafi, người con trai Seif al-Islam, và Giám đốc tình báo Abdullah al-Senussi, về tội ác chống nhân loại.
  • 15 tháng 7, 2011: Hoa Kỳ công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia là chính phủ hợp pháp của Libya.
  • 28 tháng 7, 2011: Cựu Bộ trưởng Nội vụ Abdel Fattah Younes, chạy sang phe nổi dậy hồi tháng 2 và làm tư lệnh quân sự cho phe này, bị giết chết.
  • 14 tháng 8, 2011: Phe nổi dậy tuyên bố chiếm được thị trấn chiến lược Zawiyah, nhưng tiếng súng dữ dội vẫn còn.
  • 20 tháng 8, 2011: Phe nổi dậy mở cuộc tấn công lần đầu tiên vào thủ đô Tripoli, có phối hợp với NATO.

Đại tá Gadhafi nổi tiếng là lập dị, thường khoác áo choàng dài và da thú và dùng toàn là nữ cận vệ xung quanh mình.

Bị cựu Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan gọi là ‘con chó dại của Trung Đông’, nhà lãnh đạo Libya hay khiến dư luận chú ý vì các quyết định chính trị thường gây tranh cãi.

Ông đã ủng hộ một số phong trào cách mạng trên thế giới, kể cả phong trào ở Chad và ở Iran.

Ông Gadhafi bị tố cáo là tài trợ cho các nhóm chủ chiến Hồi giáo và các cuộc tấn công khủng bố.

Năm 1986, Tổng thống Reagan của Hoa Kỳ ra lệnh tiến hành các cuộc không kích ở Libya vì chính phủ của ông Gadhafi bị tố cáo có can dự trong vụ đánh bom vào một hộp đêm ở Đức khiến hai quân nhân Hoa Kỳ thiệt mạng. Con gái nuôi của ông Gadhafi đã chết trong cuộc oanh tạc của Hoa Kỳ lúc đó.

Chỉ hai năm sau, Libya bị quy trách nhiệm cho cuộc đánh bom chuyến bay Pan Am 103 trên không phận thị trấn Lockerbie của Scotland khiến 270 người thiệt mạng. Ông Gadhafi thừa nhận trách nhiệm trong vụ tấn công đó vào năm 2003 và đồng ý chi trả cho gia đình các nạn nhân hơn 2 tỷ đô la tiền bồi thường.

Cùng năm đó, lãnh đạo Libya đồng ý từ bỏ chủ nghĩa khủng bố và các loại võ khí giết người hàng loạt, mở đường cho việc dỡ bỏ các chế tài mà Hoa Kỳ và các nước Châu Âu áp dụng với Libya sau vụ đánh bom vào hộp đêm ở Đức, đồng thời khôi phục lại các mối quan hệ ngoại giao. Liên hiệp quốc cũng dỡ bỏ các biện pháp chế tài Libya liên quan đến vụ đánh bom ở Lockerbie.

Nhưng thiện chí không kéo dài. Ông Gadhafi giờ đây đang chiến đấu để duy trì quyền lực trước phong trào nổi dậy rầm rộ bắt đầu hồi tháng 2 và hiện phe nổi dậy đang chiếm giữ phần lớn khu vực phía Đông Libya. Ông Gadhafi đang bị đặt dưới áp lực nặng nề của quốc tế yêu cầu ông phải rời chức sau khi ông dùng bạo lực chết người để đáp trả phong trào nổi dậy.

Chính phủ Libya đàn áp người biểu tình dẫn tới các biện pháp chế tài mới của quốc tế đối với Libya, và hồi tháng 3, NATO bắt đầu chiến dịch không kích chống lại lực lượng của ông Gadhafi theo một chỉ thị của Liên hiệp quốc nhằm bảo vệ người dân Libya.

Các nhân vật chủ chốt trong chính quyền của ông Gadhafi



Xem các hình ảnh mới nhất từ Libya