Nhóm Bảy nền dân chủ cường thịnh nhất thế giới ngày thứ Bảy tìm cách đối kháng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc bằng cách đưa ra cho các quốc gia đang phát triển một kế hoạch cơ sở hạ tầng có thể cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng ngàn tỉ đôla của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp ở tây nam nước Anh vẫn đang tìm kiếm một phản ứng chặt chẽ trước sự quyết đoán ngày càng tăng của ông Tập sau sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 40 năm qua.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác hi vọng kế hoạch của họ, được gọi là sáng kiến Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn (B3W), sẽ tạo dựng một mối quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng minh bạch để giúp thu hẹp nhu cầu 40 ngàn tỉ đôla mà các nước đang phát triển cần cho đến năm 2035, Nhà Trắng nói.
Mỹ sau đó cho biết G7 đã đạt được đồng thuận rằng cần phải có một đối sách chung đối với Trung Quốc về thương mại và nhân quyền.
G7 và các đồng minh của họ sẽ sử dụng sáng kiến B3W để huy động vốn của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực như khí hậu, y tế và an ninh y tế, công nghệ kĩ thuật số cũng như sự quân bình và bình đẳng giới tính, Nhà Trắng nói thêm.
Không rõ ngay lập tức kế hoạch sẽ hoạt động như thế nào hoặc rốt cục nó sẽ phân bổ bao nhiêu vốn.
Kế hoạch Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, được ông Tập đưa ra vào năm 2013, bao gồm các dự án phát triển và đầu tư sẽ trải dài từ Châu Á sang Châu Âu và xa hơn nữa.
Hơn 100 nước đã kí thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong các dự án BRI như đường sắt, cảng, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác.
Những người chỉ trích nói rằng kế hoạch của ông Tập nhằm tạo ra một phiên bản hiện đại của Con đường Tơ lụa, tuyến đường thương mại cổ xưa kết nối Trung Quốc với Châu Á, Châu Âu và xa hơn nữa, là phương tiện cho sự bành trướng của nước Trung Quốc Cộng sản. Bắc Kinh nói những nghi ngờ như vậy phơi bày “tư tưởng đế quốc còn sót lại” của nhiều cường quốc phương Tây đã làm nhục Trung Quốc trong nhiều thế kỉ.
Các nhà lãnh đạo G7 - gồm Mỹ, Canada, Anh, Đức, Ý, Pháp và Nhật Bản - muốn sử dụng cuộc họp của họ tại thành phố nghỉ dưỡng Carbis Bay bên bờ biển để cho thế giới thấy rằng các nền dân chủ giàu có nhất có thể đưa ra một giải pháp thay thế đối kháng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu hàng đầu được coi là một trong những sự kiện địa chính trị quan trọng nhất trong thời hiện đại, cùng với sự sụp đổ của Liên bang Soviet năm 1991 kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Năm 1979, Trung Quốc có nền kinh tế nhỏ hơn Ý, nhưng sau khi mở cửa cho đầu tư nước ngoài và thực thi những cải cách thị trường, nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và dẫn đầu toàn cầu về một loạt công nghệ mới.