Nhóm 7 nền kinh tế giàu nhất đặt mục tiêu áp dụng cơ chế giới hạn giá đối với dầu xuất khẩu của Nga trước ngày 5 tháng 12, khi các chế tài của Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu dầu thô của Nga theo đường biển bắt đầu có hiệu lực, một quan chức cao cấp của G7 cho biết ngày 27/7.
“Mục tiêu ở đây là phù hợp với thời gian mà EU đã đưa ra. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng cơ chế giới hạn giá có hiệu lực đồng thời”, quan chức giấu tên cho biết.
Khối G7 - gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp, Ý và Anh - tháng trước cho biết sẽ xem xét đặt giới hạn giá đối với dầu thô của Nga để hạn chế nguồn thu từ dầu mà Moscow sử dụng để tài trợ cho cuộc xâm lược Ukraine.
Kể từ đó, đã có những nỗ lực nhằm đưa Trung Quốc và Ấn Độ, những nước đã mua dầu của Nga với giá hạ hơn so với giá thị trường, cùng hợp tác với G7.
“Chúng tôi đã nhận được tin từ một số quốc gia châu Á quan tâm đến việc hoặc là gia nhập liên minh hoặc hiểu rõ hơn về mức mà giá sẽ được ấn định để mạnh tay trong các cuộc đàm phán với người Nga về các hợp đồng trong tương lai,” quan chức G7 cho biết.
Trung Quốc và Ấn Độ quan tâm đến ý tưởng giảm chi phí nhập khẩu dầu vì lo ngại về tác động ngân sách thông qua giá bán lẻ được trợ cấp và lạm phát, quan chức này cho biết.
G7 muốn giá dầu thô của Nga được các thành viên trong nhóm mua đặt ở mức cao hơn chi phí sản xuất của Nga, để tạo động lực cho Điện Kremlin tiếp tục cung cấp, nhưng thấp hơn nhiều so với giá thị trường ngất ngưỡng hiện nay.
Bằng cách này, Nga sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa việc đồng ý giảm giá nhưng giảm doanh thu với việc hầu như không có doanh thu khi lệnh cấm vận dầu thô của EU có hiệu lực vào tháng 12.
Quan chức này cho biết Nga sẽ gặp khó khăn khi bán dầu thô của mình ở nơi khác vì các lệnh trừng phạt của EU dự kiến sẽ cấm tất cả các dịch vụ tài chính liên quan đến thương mại dầu của nước này, bao gồm bảo hiểm, tái bảo hiểm và tài trợ cho hàng hóa và tàu biển.