Funan Techo: Dấu ấn triều đại, tác hại muôn đời?

Dự án Funan Techo Canal, sẽ là Con Kênh Lịch Sử của Vương quốc Cam Bốt 2024-2028 kết nối Cảng Phnom Penh ra tới Vịnh Thái Lan (Hình: Screenshot từ YouTube video của Cambodia Events)

Lần đầu tiên cả giới chuyên gia lẫn Chính phủ Việt Nam đã buộc phải lên tiếng về Funan Techo. Lịch sử Cambodia liệu sẽ nhớ về triều đại Hun Sen – Hun Manet như một cột mốc huy hoàng hay một tác nhân gây đảo lộn hệ sinh thái không chỉ cho Việt Nam?

Đề nghị tạm hoãn dự án

Có những cột mốc trong quan hệ Việt Nam – Cambodia mà giờ đây mới cảnh báo thì quả là hơi muộn. The Funan Techo Canal (Việt Nam gọi là Kênh đào Phù Nam Techo) là một trong những cột mốc – sự kiện như thế! Nhưng thà muộn còn hơn không!

Ngày 23/4 tuần trước, lần đầu tiên Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam đã tổ chức tại thành phố Cần Thơ một Hội thảo về ‘Dự án Kênh đào Funan Techo’. Ở đây có hai công đoạn quan trọng đã được Hội nghị nhấn mạnh là cần nghiên cứu kết quả thực hiện ‘Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới’ (gọi tắt là TbEIA), cùng với việc xem xét kết quả thực hiện ‘Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận’ (Viết tắt là PNPCA) của Ủy hội Mekong quốc tế (MRC) đối với dự án nói trên (1).

Thật ra, nghiên cứu tác động (TbEIA) và tiến hành thủ tục thông báo (PNPCA) đáng ra đã phải được gióng lên như là những hồi chuông báo động ngay từ cách đây hàng năm trời, lúc Cambodia bắt đầu công khai rộng rãi cho các cơ quan liên đới. Bởi vì, về thực chất, nếu dự án Funan Techo được tiến hành như dự tính, thì đấy là chiếc đinh cuối cùng ‘đóng vào quan tài’ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo nhận định của Tiến sĩ Brian Eyler, một chuyên gia về Tiểu vùng sông Mekong ở Stimson Center, nói với RFA (2).

Tại Hội nghị nói trên, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên, Đại học Cần Thơ cho hay, các quốc gia trong lưu vực Mekong cần tuân thủ theo nguyên tắc và tinh thần sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, hòa bình, không gây nguy hại cho các quốc gia khác và chia sẻ lợi ích. Đồng thời các nước cùng chia sẻ rủi ro một cách công bằng nguồn nước chung, giảm thiểu tối đa tác hại đối với môi trường, hệ sinh thái và sinh kế dựa vào nguồn nước của hàng triệu người dân sống dọc theo dòng Mekong, con sông lớn nhất Đông Nam Á. Các chuyên gia tính toán kênh đào Funan Techo mà Cambodia triển khai ảnh hưởng rất lớn, khiến lượng nước từ dòng Mekong về ĐBSCL có thể giảm 50%. TS. Lê Anh Tuấn đề xuất: ‘Trước mắt Ủy ban sông Mekong Việt Nam đề nghị Cambodia tạm dừng dự án này thêm một thời gian để có những nghiên cứu, đối thoại sâu hơn với sự hợp tác của các chuyên gia kinh nghiệm, khách quan’ (3). Không rõ, đề nghị muộn màng này có được chuyển đến Ban Thư ký MRC, Cambodia và các quốc gia thành viên Ủy hội, vì không thấy TTXVN đề cập đến trong bản tin.

Nhưng không riêng gì giới chuyên gia, ngày 11/4/2024, trong cuộc họp báo thường kỳ, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Đoàn Khắc Việt cũng đã nêu quan điểm của Chính phủ Việt Nam về ‘Dự án kênh đào Funan Techo’, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc hợp tác để quản lý và sử dụng hiệu quả bền vững nguồn nước sông Mekong. Hà Nội đã đưa ra đề nghị, Cambodia nên phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và MRC trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và hệ sinh thái của ĐBSCL, để đảm bảo lợi ích hài hòa của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong lưu vực (4). Đây là lần đầu tiên, Chính phủ Việt Nam chính thức lên tiếng công khai về việc Cambodia xây kênh đào Phù Nam Techo. Mà không riêng gì Nhà nước Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã kịp thời bày tỏ quan điểm chính thức về ‘Funan Techo’. Washington kêu gọi Cambodia minh bạch hơn về dự án kênh đào mà một số nhà quan sát cho rằng có thể được sử dụng để tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á, gây ra mối đe dọa an ninh tiềm tàng cho các nước láng giềng trong khu vực như Việt Nam (5)

Thanh minh là tự thú

Cũng tuần trước, ông Hun Sen, nay là Chủ tịch Thượng Viện Cambodia đã lên tiếng phủ nhận con kênh ‘Funan Techo’ sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự Trung Quốc từ Căn cứ Hải quân Ream đi lên dòng sông Mekong.

Ông Hun Sen viết trên Diễn Đàn X: “Tại sao Cambodia lại đưa quân Trung Quốc vào đất nước của mình, điều đó vi phạm Hiến pháp. Và tại sao Trung Quốc lại đem quân vào Cambodia, đi ngược với nguyên tắc tôn trọng nền độc lập của Cambodia’. Hun Sen thanh minh như thế này là để phủ nhận điều mà tờ The Straits Times ngày 9/4 cho rằng, ‘dự án kênh đào Cambodia có thể tạo điều kiện cho quân đội Trung Quốc tiếp cận khu vực’ (Canal project could facilitate Chinese military access) (6).

Dư luận nhận thức rõ, dự án Kênh Funan Techo có ‘công dụng kép/ lưỡng dụng’ (dual-use), tạo thuận lợi cho sự xâm nhập bằng quân sự của Trung Quốc vào sâu trong lãnh thổ Cambodia, sát với biên giới Việt Nam. Trong khi đó, Thủ tướng Hun Manet cố gắng xoa dịu lo ngại của Thủ tướng Việt Nam về tác động môi trường, khẳng định kênh đào sẽ không gây gián đoạn nguồn nước và gây nguy hại đến môi trường cho Việt Nam.

Tuy nhiên, Giám đốc Brian Eyler từ Trung tâm Stimson Đông Nam Á nói với Nikkei Asia rằng các bản đồ của Ủy ban Sông Mekong cho thấy tác động trực tiếp của kênh đào đối với dòng chính con sông sẽ lớn hơn nhiều so với những tuyên bố của Cambodia (7).

Có thể thấy, kênh đào Phù Nam là một công trình đặc biệt. Chắc chắn Hun Sen muốn để lại dấu ấn về triều đại của cha con ông. Lịch sử Cambodia liệu sẽ nhớ về triều đại Hun Sen – Hun Manet như một cột mốc chói lọi hay một tác nhân đảo lộn hệ sinh thái, gây khủng hoảng về biến đổi khí hậu không chỉ cho Việt Nam? Theo nhận định của giới chuyên gia, Funan Techo còn có thể gây tác động lên chính Biển Hồ Tonle Sap. Bản thân Cambodia lẽ ra phải rất quan tâm đến điều này, vì nhiều năm nay Biển Hồ đã bị mất dần nhịp lũ. Khi thêm kênh Funan Techo cùng chảy với sông Tiền và Hậu ra Biển Đông thì liệu nhịp lũ cho Biển Hồ còn tồn tại được không? Các con đê của kênh đào này có thể khiến nước chảy về hướng đông và ngược vào các nơi tại Cambodia vốn trước đây chưa từng ngập lũ. Các chuyên gia lo ngại về khả năng dẫn tới lũ lụt tại thành phố Takeo và các vùng ở phía nam ngoại ô Phom Penh (8). Lịch sử cũng đã để lại những bài học đáng cảnh báo. Một nghiên cứu từ Đại học Buckley (Mỹ) từng tìm thấy bằng chứng về các mùa mưa mạnh khiến hệ thống thủy lợi của kinh đô Angkor xa xưa, sau một thời kỳ hạn hán, bị phá hủy hoàn toàn (9).

Phúc họa tương sinh

Bắc Kinh nhận tài trợ cho dự án Funan Techo trị giá 1,7 tỉ đô la, gồm 3 đập đường thủy, 11 cầu và 208 km đường hai bên. Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) thực hiện theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao. Có thể nói, hệ thống kênh đào là một biểu hiện tập trung của việc thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa Phnom Pênh và Bắc Kinh trong khuôn khổ ‘BRI’ và ‘Lục giác Kim Cương’, với sáu lĩnh vực trọng yếu gồm chính trị, sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, an ninh, trao đổi văn hóa.

Giới quan sát chia sẻ khả năng kênh Funan Techo còn có thể giúp Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự ở xứ Chùa Tháp. Từ năm 2022, Trung Quốc đã ‘thế chân Mỹ’, giúp Phnom Penh nâng cấp căn cứ Hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville ở miền nam, nhìn ra vịnh Thái Lan. Ngày 6/6/2022, báo chí Mỹ tiết lộ khả năng Bắc Kinh sẽ được Phnom Penh dành độc quyền sử dụng một phần căn cứ. Ngày 18/4/2024, trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cho biết hai tàu hải quân Trung Quốc đã neo đậu ở căn cứ Hải quân Ream trong hơn 4 tháng. Đấy là dấu hiệu rõ ràng cho thấy đặc quyền tiếp cận của Trung Quốc tới Ream và từ đấy tới các nước khác (10).

Xem vậy để thấy, nhân sinh tại thế tựa như một giấc trường luân. Họa phúc không xảy ra trong một buổi. Dự án Funan Techo cần được nhìn nhận trong tương quan chiến lược vùng. Theo một bình luận trên Diễn đàn VOA ngày 9/4/2024 các thỏa thuận quốc phòng giữa Trung Quốc và Cambodia hiện nay vẫn còn nằm trong vòng bí mật (11). Không ngẫu nhiên, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink, trong một chuyến công du mới đây tại Cambodia đã nêu các vấn đề liên quan đến căn cứ hải quân Ream do Trung Quốc tài trợ, theo tiết lộ từ báo South China Morning Post. Trong một thế trận cờ vây tương lai, Funan Techo với ‘Lục giác Kim Cương’ là lý do để ‘Hoa Kỳ và một số quốc gia trong khu vực đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về mục đích, tính chất và phạm vi các xây dựng xung quanh căn cứ Hải quân Ream, cũng như vai trò của quân đội CHND Trung Hoa trong quá trình này và trong việc sử dụng cơ sở này trong tương lai. Hoa Kỳ luôn nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong khu vực là ‘để đảm bảo rằng các đối tác của Mỹ tiếp tục có thể bảo vệ được chủ quyền của mình’ (12). Một ‘Đại sử ký’ mới đây được Bác sỹ Ngô Thế Vinh ghi chép và lưu giữ trên VOA cho thấy câu hỏi ‘Kênh đào Funan Techo sẽ là dấu ấn một triều đại hay nó sẽ gây tai họa cho nhiều đời?’ vẫn còn treo đấy trong mối bang giao giữa Cambodia với Việt Nam và các nước trong khu vực (13).

Tham khảo:

(1) https://www.vietnamplus.vn/uy-ban-song-mekong-viet-nam-tham-van-ve-du-an-kenh-funan-techo-post941714.amp

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/funan-canal-in-cambodia-the-final-nail-in-the-coffin-of-the-mekong-delta-10032023123358.html

(3) https://vnexpress.net/chuyen-gia-du-an-kenh-funan-techo-co-the-khien-nuoc-ve-mien-tay-giam-50-4737799.html

(4) https://baochinhphu.vn/viet-nam-rat-quan-tam-den-du-an-kenh-dao-funan-techo-cua-campuchia-102240411171927675.htm

(5) https://www.bloomberg.com/news/articles/2024-04-11/us-urges-transparency-over-china-backed-canal-in-cambodia?embedded-checkout=true

(6) https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/hun-sen-denies-cambodia-canal-project-could-facilitate-chinese-military-access

(7) https://www.youtube.com/watch?v=ceFvGsWwaIY

(8) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/funan-techo-canal-a-beijing-sinister-plot-10162023111345.html

(9) https://vnexpress.net/de-quoc-khmer-bi-diet-vong-nhu-the-nao-2159305.html

(10) https://thanhnien.vn/csis-tau-chien-trung-quoc-hien-dien-nhieu-thang-o-can-cu-hai-quan-campuchia-185240419114624422.htm

(11) https://www.voatiengviet.com/a/phu-nam-techo-tien-trach-ky-hau-trach-nhan-/7562758.html

(12) https://www.scmp.com/news/china/military/article/3259617/chinese-warships-exclusive-access-cambodia-port-raises-new-questions-about-its-purpose-us-report

(13) https://www.voatiengviet.com/a/7579085.html