Trung Quốc muốn giành vị trí quán quân thế giới về quân sự

Trung Quốc muốn giành vị trí quán quân thế giới về quân sự

Trung Quốc cho biết chi tiêu quốc phòng của họ trong năm 2010 sẽ ở mức gần 78 tỉ đô la, tăng 7,5% so với năm trước. Các nhà phân tích cho rằng tuy đây là tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất trong vòng hơn hai thập niên, nhưng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn tiếp tục cao hàng thứ nhì thế giới và chi phí quân sự trên thực tế của họ còn cao hơn nhiều so với con số chính thức. Các nhà quan sát cũng tỏ ý lo ngại về việc người đứng đầu Viện Nghiên cứu Kiến thiết Quân đội của Đại học Quốc phòng Trung Quốc công khai cổ xúy cho việc nhanh chóng xây dựng một lực lượng quân sự hùng mạnh hơn cả Hoa kỳ để trở thành cường quốc số một thế giới.

Tại cuộc họp báo ở Bắc kinh hôm thứ 5 vừa qua, Phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc, ông Lý Triệu Tinh, cho biết chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2010 sẽ nằm ở mức gần 78 tỉ đô la.

Ông Lý cho biết thêm: “So với năm trước, tỉ lệ gia tăng đã thấp đi. Phần gia tăng của chi phí quốc phòng năm nay chủ yếu là dùng để hỗ trợ cho việc thúc đẩy cải cách quân sự mang đặc tính Trung Quốc, nâng cao khả năng của quân đội trong việc ứng phó với nhiều mối đe dọa khác nhau, hoàn thành công tác đa dạng hóa năng lực quân sự, bảo đảm việc thỏa mãn những nhu cầu cải cách của quân đội.”

Ông Lý Triệu Tinh từng giữ chức Ngoại trưởng và làm Đại sứ ở Hoa kỳ. Ông cũng so sánh là chi tiêu quân sự của Trung Quốc chỉ chiếm 1,4% GDP trong khi tỉ lệ này của Hoa kỳ là hơn 4% và các nước Anh, Pháp và Nga đều có tỉ lệ khoảng 2%.

Các nhà quan sát cho rằng tỉ lệ gia tăng 7,5% này là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng hơn 20 năm và phản ánh những tác động của vụ suy thoái kinh tế toàn cầu đối với hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Một số người cũng cho rằng diễn tiến này có thể nhắm tới việc giải tỏa mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về việc sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã gia tăng rất nhanh chóng trong những năm vừa qua.

Các nhà phân tích cho rằng số chi tiêu quân sự trên thực tế của Trung Quốc cao hơn gấp đôi con số chính thức.

Giáo sư môn Quan hệ Quốc tế của Đại học Nam Dương ở Singapore, ông Richard Bitzinger, cho biết ngân sách quốc phòng Trung Quốc không tính đến các chi phí dành cho lực lượng cảnh sát vũ trang, công tác nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vũ khí, và nhập khẩu trang thiết bị quân sự.

Giáo sư Bitzinger nói: “Con số 78 hay 80 tỉ đô la tuyệt đối không phải là ít. Chúng ta cũng cần phải biết rằng hiện nay chi phí quân sự của Trung Quốc cao hàng thứ nhì thế giới, cao hơn cả Anh, Pháp, Nhật bản và Nga. Chỉ có Hoa kỳ là nước có ngân sách quốc phòng cao hơn Trung Quốc.”

Giáo sư Bitzinger nói thêm rằng trong những năm gần đây quân đội Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng và đã loại bỏ dần tính chất chú trọng số lượng, như sử dụng chiến thuật biển người, để trở thành một quân đội thuộc loại chất lượng.

Về việc ông Lý Triệu Tinh nói rằng quân đội Trung Quốc tăng cường khả năng để ứng phó với nhiều mối đe dọa khác nhau, giáo sư Bitzinger cho biết ý kiến như sau:

“Trên cơ bản thì điều mà họ muốn nói là sự gia tăng chi phí quân sự của họ không phải chỉ nhắm tới việc ứng phó với cuộc diện ở eo biển Đài Loan. Khoảng 10 năm trước chúng ta có thể nói rằng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc phần lớn là ứng phó với vấn đề Đài Loan. Nhưng giờ đây Trung Quốc muốn chứng tỏ là sức mạnh quân sự của họ chẳng những có thể dùng để ứng phó với vấn đề Đài Loan mà còn để nới rộng không gian hoạt động và triển khai sức mạnh tổng thể tới Thái bình dương, vùng biển Nam hải, và Vịnh Aden.”

Trong lúc lưu ý tới những diễn tiến mới về chi tiêu quân sự của Trung Quốc, nhiều nhà phân tích cũng quan tâm đến việc một sĩ quan cao cấp của Trung Quốc công khai cổ xướng cho việc “soán ngôi” Hoa kỳ để trở thành cường quốc quân sự số một thế giới.

Tin tức từ Bắc kinh trong vài ngày qua cho biết Đại tá Lưu Minh Phúc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến thiết Quân đội của Đại học Quốc phòng Trung Quốc, mới đây đã cho xuất bản một cuốn sách có nhan đề “Trung Quốc Mộng” hay “Giấc mơ Trung Quốc”, với nội dung chính là hối thúc giới hữu trách nhanh chóng hành động để giành lấy vị trí “quán quân thế giới” về quân sự.

Sách này có đoạn nói rằng “mục tiêu lớn của Trung Quốc trong thế kỷ 21 phải là trở thành cường quốc số một thế giới.” Ông Lưu Minh Phúc cũng cho rằng nếu Trung Quốc không cạnh tranh với Hoa kỳ để trở thành cường quốc số một thế giới trong thế kỷ 21 thì chắc chắn là Trung Quốc sẽ trở thành một nước bị tụt hậu và bị gạt ra ngoài rìa.

Ông Lưu lập luận rằng nếu Trung Quốc không cố gắng để đạt được vị trí số một thế giới thì Hoa kỳ sẽ không ngớt tìm cách kiềm chế Trung Quốc - cho dù Trung Quốc có thể tư bản hơn Mỹ đi nữa cũng vậy.

Một số các nhà quan sát cho rằng chủ trương của Đại tá Lưu Minh Phúc đi ngược với một chính sách ngoại giao cơ bản mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc của ba thế hệ đã theo đuổi.

Ông Vương Phi, biên tập viên Ban Hoa Ngữ đài VOA cho biết như sau về việc này:

“Từ khi ông Mao Trạch Đông đề ra khẩu hiệu ‘tích trữ lương thực cho nhiều, đào hầm cho sâu, và không xưng hùng xưng bá’ thì việc ‘không xưng bá’ đã trở thành khẩu hiệu chung của 3 thế hệ lãnh đạo Trung Quốc. Quyển hai của ‘Tuyển tập Đặng Tiểu Bình’ cũng đưa ra khẩu hiệu ‘vĩnh bất xưng bá’ hay ‘vĩnh viễn không làm bá chủ thế giới’ và xem đây là chiến lược ngoại giao cơ bản của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo sau này, như Giang Trạch Dân, cũng nối gót Đặng Tiểu Bình và xem ‘vĩnh bất xưng bá’ là chiến lược ngoại giao cơ bản.”

Trong lúc chờ xem các nhà lãnh đạo hiện nay ở Trung Nam Hải phản ứng như thế nào đối với cuốn “Trung Quốc Mộng” của Đại tá Lưu Minh Phúc, các nhà quan sát cho biết đây không phải là lần đầu tiên một vị giáo sư của Đại học Quốc phòng Trung Quốc dấy lên sóng gió trên trường ngoại giao.

Năm 2005, Thiếu tướng Chu Thành Hổ tuyên bố rằng trong trường hợp bị Hoa kỳ tấn công khi xảy ra vụ xung đột vì vấn đề Đài Loan, Trung Quốc sẽ dùng vũ khí nguyên tử để đáp trả.

Ông Chu nói với các nhà báo Hồng Kông trong một dịp gặp gỡ do Bộ Ngoại giao Trung Quốc dàn xếp rằng “Trung Quốc sẵn sàng để cho toàn bộ các thành phố ở phía đông Tây An bị hủy diệt, và dĩ nhiên là Hoa kỳ sẽ phải chuẩn bị cho việc hàng trăm thành phố của họ bị Trung Quốc hủy diệt.”

Trong lúc quan tâm tới vấn đề sự trỗi dậy của Trung Quốc có phải là “hòa bình quật khởi” như khẩu hiệu mà Bắc kinh đưa ra trong vài năm trước đây hay không, một số các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn chưa trở thành một mối đe dọa đối với Hoa kỳ.

Tường thuật hôm thứ 5 của tờ Christian Science Monitor trích thuật một bài viết trên tạp chí Chính sách Đối ngoại nói rằng Quân đội Nhân dân Trung Quốc còn rất lâu mới có thể trở thành một mối đe dọa như mối đe dọa của Liên Sô trước kia.

Bài viết này cho rằng tuy có những phát biểu với những lời lẽ kiêu ngạo về sự trỗi dậy không thể tránh được của Trung Quốc, các chiến lược gia Trung Quốc đã rất cẩn thận và không hề công khai nói lên tham vọng chinh phục thế giới hay thiết lập những căn cứ, tiền đồn, hay trạm tiếp tế ở những nơi cách xa Trung Quốc.

Bài viết nói rằng có thể trong một thế hệ nữa những người lập ra kế hoạch quân sự của Trung Quốc sẽ công khai bàn luận về việc làm thế nào để có được quyền lập cứ ở nước ngoài hoặc ký kết những hiệp ước với đồng minh để có thể đồn trú lực lượng của mình ở hải ngoại, như Pháp và Anh đã làm từ thời chiến tranh Napoleon và Hoa kỳ đã làm trong thời gian sau này.

Nhưng với Trung Quốc, quá trình đó vẫn chưa bắt đầu một cách tích cực. Ít ra là chưa bắt đầu vào lúc này.