Khi ‘võ Việt’ dậy sóng

Hình minh họa. (Public domain via Pixabay)

Võ sư Đồng Sĩ Hội (phỏng vấn, biên tập)


Mạng xã hội và báo chí, tuyền thông trong nước liên tục đưa tin, bàn tán xôn xao trận thách đấu giữa võ sư Vịnh Xuân, Pierre Francois Flores, quốc tịch Canada, và võ sư - Chưởng môn võ phái Nam Huỳnh Đạo, Huỳnh Tuấn Kiệt.

Sự việc không dừng lại trong phạm vi “khiêu chiến,” là cái cớ để làm sáng tỏ công phu “truyền điện,” nói cho văn phong võ hiệp một chút, “nội công tâm phát”… Sự thật là kiểm chứng đàng sau võ công “thượng thừa” của phái võ Nam Huỳnh Đạo có đúng như trên các clip biểu diễn trên mạng xã hội suốt thời gian mấy năm nay.

Nếu quả đúng như vậy, võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt là bậc võ sư kỳ tài trong thiên hạ võ lâm quốc tế. Tuy nhiên, giới võ lâm Việt Nam trong và ngoài nước lại hoài nghi về võ công thật sự của Nam huỳnh Đạo, và bây giờ dẫn đến sự kiện “thách đấu” của võ sư Flores.

Giữa phong ba “dư luận” trong công chúng Việt Nam, người ta tự đặt dấu hỏi, tại sao các tổ chức Hiệp Hội, Liên Đoàn võ thuật Viêt Nam không biểu dương nền võ công, mang đậm bản sắc văn hóa võ học Việt Nam, hoặc kiểm chứng khoa học một tài nãng về công phu, mà phải đợi đến bây giờ, khi có chuyện thách đấu xảy ra.

Nhằm rộng đường dư luận, chúng tôi thực hiện vài cuộc phỏng vấn với một số võ sư gốc Việt tên tuổi tại Hoa Kỳ, vốn là những người từng chinh chiến trận mạc, trên các đấu trường Việt Nam và quốc tế trước 1975, cùng thế hệ võ sư trẻ tại vùng thủ đô Hoa thịnh Đốn.

Từ Houston, Texas, võ sư Nguyễn Quốc Lâm, cựu vô địch Quân Đội VNCH, hiện là Giám Đốc Võ Đường Quoc Lam Taekwondo, nhận định: “Tôi cho chuyện thách đấu của võ sư người Canada, dù dưới bất cứ lý do gì, cũng đều không đúng với tinh thần võ đạo. Võ sư Nam Anh cũng phải ngăn chặn ý định thách đấu của học trò mình, vì nó đi ngược lại tôn chỉ của người luyện võ, là “học võ không phải để thách đấu với kẻ khác.” Võ sư Quốc Lâm nhấn mạnh: “Muốn danh chính ngôn thuận thì nên ghi danh tham gia các giải vô địch, đó mới chính là võ sư được mọi người tôn vinh trong danh dự.”

Trong khi đó, cựu vô địch Taekwondo Đông Nam Á thập niên 60, võ sư Kim Phúc Nam, thì cảm thấy “hành động thách đấu không thích hợp với người cho mình là võ sư.” Ông lên án hành động thách đấu, gọi đó là “không thể chấp nhận,” và ông tự hỏi tại sao sư phụ Nam Anh không can thiệp, để cho đệ tử hành động thiếu võ đạo.

Võ sư Phương Phạm, võ sư Văn Duy Quang, võ sư Quốc Lê, võ sư Sơn Nguyễn, trong Hội Đồng Quản Trị Hiệp Hội Taekwondo Đông Bắc Hoa Kỳ, đồng quan điểm: “Thách đấu” và “trao đổi võ học” là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt. Từ xưa tới nay người ta học võ là để luyện thân, trau dồi tinh thần võ đạo, khiêm nhường, lễ độ, dùng võ để tự vệ với trường hợp bất khả kháng. Làng võ Việt “dậy sóng” chỉ là cách nói cho lớn chuyện thôi; chứ thực ra, chúng tôi cho là chuyện “tào lao,” báo chí, truyền thông trong nước đưa tin cố ý thổi phồng câu chuyện thách đấu, làm người dân hiếu kỳ, suy diễn sai lạc. Rồi đến võ sĩ gốc việt, Cung Lê, vào cuộc, đòi thách đấu, là một sai lầm lớn, ngộ nhận lẫn nhau, mất đi tinh thần võ đạo!

Võ sư Trần Mai Anh, chủ tịch Liên Đoàn Võ Thuật Việt Nam, thì lấy làm buồn cho sự việc đáng tiếc, để nó đi quá xa, không thể hiện tinh thần võ đạo, mất đi sĩ khí của một môn phái, không làm gương cho hậu bối, không khéo lại trở thành bạo động ăn thua đủ, gây sĩ nhục cho nhau.

Tôi chưa từng chứng kiến các môn phái võ thuật Việt Nam thách đấu lẫn nhau, có chăng chỉ tham gia các trận tranh tài trên võ đài một cách hợp pháp, có đủ hạng cân, luật lệ, trọng tài giám khảo.

Khi vừa đặt chân đến Sài Gòn, Đại Sư Nam Anh nhấn mạnh sự việc nhân chuyến đi của đệ tử ông qua ghi nhận của võ sư Vũ Nguyễn (Đăng Công Hùng), nguyên văn: “Flores là một môn sinh của phái võ Việt, anh luôn thấm nhuần tinh thần uống nước nhớ nguồn, nên Flores không đến Việt Nam để thách đấu hòng tìm kiếm danh vọng, hay danh tiếng phù phiếm. Flores đến Việt Nam để minh chứng một điều đừng lừa bịp, xảo trá trong võ thuật.” Về phần mình, võ sư Flores phát biểu: “Tôi khẳng định một điều: Tôi yêu đất nước Việt Nam, yêu con người Việt Nam. Tôi không đến để gây hấn, nhưng đến để tranh đấu cho sự thật, cho một nền võ thuật chân chính, không bịp bợm.”

Từ Houston, Texas, võ sư Trương Nguyên Thuận, Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Thần Phong Quốc Tế, viết về vụ thách đấu và võ công “truyền điện” của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt. Ông nhận xét “về video của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, chưởng môn võ phái Nam Huỳnh Đạo đăng đầy trên mạng Internet trong thời gian vừa qua. Có lẽ tôi cũng không khác gì quý vị võ sư khác trong làng võ thuật lâu năm, ngưỡng mộ nhưng không tin tưởng lắm! Trên video có hình võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt biểu diễn cùng một vài cao đồ quen thuộc của ông ấy. Thâm tâm tôi nghĩ, nếu thật sự có loại công phu ghê gớm như vậy thì Phái Nam Huỳnh Đạo xứng danh trong võ lâm nước nhà, bảo vệ chính nghĩa thì không có gì sánh bằng! Và bản thân tôi cũng sẵn sàng bái sư võ sư Kiệt xin làm đệ tử.
Tôi học võ từ 5 tuổi cho đến bây giờ vẫn năng động ở tuổi “cổ lai hy” vẫn chưa có duyên chứng kiến tài nãng, kỹ thuật của phái võ Nam Huỳnh Đạo, đặc biệt võ sư Huỳnh tuấn Kiệt.

Tôi xin đưa ra nhận xét bản thân, nhưng tự biết không so bì tài năng, đạo hạnh với quý vị, và cũng cần góp tiếng nói trong sự kiện trên.

Nhận xét về vai vế, tư cách, đạo hạnh giữa võ sư Flores và võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt, hai bên không tương xứng, không thích hợp. Võ sư Flores sẽ không mất nhiều so với thân phận võ sư Kiệt, dù sao cũng khích lệ võ sư Flores với niềm đam mê võ học Việt Nam. Tuy nhiên, niềm đam mê võ học với nhân cách của người học võ phải đi đôi với nhau. Võ thuật đi đôi với võ đạo, việc “tôn sư trọng đạo” luôn được cỗ súy, đề cao danh môn, chánh phái, võ sư Flores không nên lộng ngôn trước khi thực chứng.
Hai trận thách đấu tại Hà Nội của võ sư Flores không lấy gì đặc sắc lắm. Trước nhất, tuổi tác không xứng, sức vóc chênh lệch quá lớn, (trong võ thuật, hơn nhau 1 ký, dài hơn 1 phân bao giờ cũng chiếm ưu thế). Tôi xin cuối chào tinh thần biểu dương thượng võ với niềm đam mê võ học của 2 quý vị võ sư Đoàn Bảo Châu và võ sư Hoài Linh. Nhưng có lẽ do sơ xuất, võ sư Đoàn Bảo Châu bị một cú đá "sơ đẳng” kết thúc trận đấu. Còn trận đấu võ sư Lê Hoài Linh thì không đồng cân, đồng sức, tuổi tác khác biệt quá lớn, nếu không thì trận đấu khác đi nhiều. Suốt 2 phút, tôi không thấy đòn thế nào xuất sắc hết! thế mà võ sư Hoài Linh thua cuộc.
Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt có đầy đủ lý do chính đáng để từ chối đấu với võ sư Flores mà không cần ra điều kiện gì cả. Nếu võ sư Kiệt đánh bại thì là lẽ đương nhiên, nhưng nếu sơ hở bị bại dưới tay Flores thì chắc chắn thân bại danh liệt. Là bậc đại sư, đạo cao, đức trọng, không thể khinh xuất làm chuyện điên rồ, không thể vì tính háo thắng nhất thời của những người trẻ, lòng non dạ mà làm chuyện thiên hạ thường tình, không hiểu võ sư Kiệt đưa ra những điều kiện rất buồn cười ấy làm gì! Khiến làm giảm cái uy dũng của bậc tôn sư.

Tuy nhiên, bằng mọi phương tiện, võ sư Huỳnh Tuần Kiệt cần phải chứng minh võ công thật sự của mình với thiên hạ, đăc biệt giới võ thuật. Nhưng đến nước này thì không còn sự lựa chọn nào chính đáng để khước từ công phu của mình.

Việc võ sư người Việt thách đấu với võ sư Flores không quan trọng và cần thiết, không vì "tự ái dân tộc” để khiêu chiến, tạo hiềm khích không đáng có. Võ sư Flores có lợi thế cao to, nhanh nhẹn, và cũng chưa có gì chứng minh là bậc tôn sư, xuất sắc khiến mọi người phải đấu cho bằng được. Võ học bao la, võ học không có biên cương, “núi cao, còn có núi cao hơn,” chuyện hơn kém nhau là chuyện thế gian thường tình, “tre già măng mọc.” Quan trọng là võ đạo cao bao nhiêu, giúp đời, giúp người được bao nhiêu?

Trong số võ sư thách đấu, có võ sư Cung Lê, là võ sĩ thành danh tại Mỹ, tôi thật không hiểu, trong võ thuật, có dịp giao đấu là mến tài nhau, vì tinh thần thượng võ, vì đam mê võ học thì đáng quý biết bao, đáng hoan nghênh, không vì khiêu khích, ganh ghét rồi nói ra những lời khó nghe thì vô cùng đáng tiếc, hãy dành cho nhau sự kính trọng, “võ thuật là hòa bình,” mong lắm thay!