Người Việt đầu tiên tại Mỹ nhận Giải Thành tựu Công dân Xuất sắc

  • VOA

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (người ngoài cùng bên phải), Giám đốc điều hành Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS

Một người Việt đầu tiên vừa được Giải Thành tựu Công dân Xuất sắc do Tổ chức Người Mỹ gốc Trung Hoa (OCA) tại Hoa Kỳ trao tặng. Đó là Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành Ủy ban Cứu người vượt biển BPSOS ở Mỹ mà Trà Mi sẽ giới thiệu với quý vị và các bạn trên Tạp chí Thanh Niên hôm nay.

Cộng đồng người Việt tại Mỹ, đặc biệt là thế hệ thuyền nhân, những người tị nạn biết tới Ủy ban Cứu người vượt biển BPSOS chắc không ai không biết tới vị giám đốc điều hành của tổ chức này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, người tích cực dấn thân vào các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng, từ khi còn rất trẻ. Giải Thành tựu của Công dân Xuất sắc, giải thưởng danh dự nhất của Tổ chức OCA vinh danh những nhân vật có vai trò lãnh đạo và đóng góp lớn lao trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, sẽ được trao tặng cho Tiến sĩ Thắng vào ngày 19 tháng này tại Houston, Texas. OCA là một tổ chức xã hội với mục tiêu ban đầu nhắm tới cộng đồng gốc Trung Hoa tại Hoa Kỳ, nhưng về sau đã dần mở rộng tầm hoạt động của mình vươn tới các cộng đồng Á Châu ở Mỹ. Và đây là giải thưởng đầu tiên mà OCA vinh danh một người Việt trong lịch sử 37 năm thành lập.

Giám đốc điều hành của OCA, George Wu, phát biểu:

Tôi biết Tiến sĩ Thắng nhiều năm nay và luôn ấn tượng về lai lịch cá nhân cũng như những đóng góp của anh ta không những cho cộng đồng người Việt mà cho cả cộng đồng người Mỹ bản xứ nói chung. Chúng tôi hân hạnh được vinh danh Tiến sĩ Thắng trong lần trao giải năm nay.”


Chủ nhân của Giải thưởng Thành tựu Công dân Xuất sắc năm 2010, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chia sẻ cảm nghĩ khi hay tin mình được chọn trao giải:

Chúng tôi rất vui mừng khi được chọn là người lãnh giải thưởng này năm nay của Tổ chức OCA. Mừng đây là mừng cho cộng đồng Việt Nam chúng ta, một cộng đồng rất non trẻ chỉ mới 35 năm có mặt tại Hoa Kỳ mà có những cố gắng, những thành tựu được các cộng đồng gốc Á Châu bạn công nhận. Đó là vinh dự chung cho cộng đồng người Việt tại Mỹ.”

Luật sư Phan Quốc Cường, Giám đốc Đối ngoại và Giao tế của Ủy ban Cứu người vượt biển, nói về người bạn đồng nghiệp được tổ chức OCA vinh danh năm nay:

Anh Thắng là người rất có lòng và có viễn kiến rộng lớn cho cộng đồng, kết hợp với quyết tâm làm việc từng ngày, từng giờ, để giải quyết các vấn đề xã hội trong cộng đồng cũng như những vấn đề lớn như tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam. Cái hiệu quả lớn nhất khi giới trẻ nhìn vào những gì anh Thắng làm đó là sự tin tưởng vào những lý tưởng cao đẹp mà chúng ta thường nghe nói đến nhưng ít khi thấy được thực hành đến nơi đến chốn.”

Một trong những người từng nhận được sự giúp đỡ trực tiếp của Tiến sĩ Thắng và Ủy ban Cứu người vượt biển là anh Trương Vĩnh Châu, một cựu tù nhân chính trị tại Việt Nam được anh Thắng hỗ trợ trong tiến trình xin sang nước thứ ba tị nạn chính trị sau hai lần bị Cao Ủy Tị nạn Liên hiệp quốc ở Thái Lan bác đơn.

Anh Châu bày tỏ niềm vui khi biết ân nhân của mình được Tổ chức OCA trao Giải Thành tựu Công dân Xuất sắc:

Nguyễn Đình Thắng là vị cứu tinh cho cuộc đời còn lại của tôi. Ở Việt Nam, tôi là một tù nhân chính trị bị giam 17 năm 6 tháng tại trại Z30A, Xuân Lộc, Đồng Nai. Khi tôi qua tới Thái Lan, không may tôi bị đại sứ Việt Nam tại Thái phát hiện, tôi bị rớt thanh lọc xin tị nạn cả hai lần. Tôi nhờ mục sư Nguyễn Đăng Chí gửi hồ sơ của tôi qua Ủy ban Cứu người vượt biển nhờ Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng hỗ trợ, giúp tôi được tị nạn chính trị tại Mỹ. Không có anh Thắng giúp tôi thì tôi bị đưa về Việt Nam sẽ chết thôi, chứ không còn cách nào khác hơn. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng là người cứu biết bao nhiêu người. Hôm nay, anh Thắng được vinh dự như thế này, tôi rất mừng. Tôi mong có nhiều người trẻ ở hải ngoại dấn thân làm việc nghĩa như tiến sĩ Thắng.”

Không lâu sau khi vượt biển đến Mỹ tị nạn năm 1979, Tiến sĩ Thắng đã bắt đầu tham gia các lĩnh vực hoạt động liên quan tới thanh thiếu niên và sinh viên. Năm 1981, anh Thắng cùng một số bạn trẻ thành lập tờ báo Xác Định, kêu gọi thanh niên người Việt tại Hoa Kỳ và các nơi trên thế giới hướng tới các công tác phục vụ cộng đồng và đóng góp cho công cuộc cải tiến Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp bằng tiến sĩ ngành kỹ sư cơ khí, anh đã thành lập một chương trình giúp đỡ và chuẩn bị cho các thanh niên Việt mới đặt chân tới Mỹ định cư bước vào đại học.

Năm 1988, tận mắt chứng kiến thảm cảnh của các thuyền nhân người Việt khi sang thăm các trại tị nạn tại Hong Kong trong thời cao điểm cuộc khủng hoảng thuyền nhân Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã tự hứa với lòng phải gióng lên lời cầu cứu của các đồng bào khốn khổ này tới công luận quốc tế. Và cũng từ đó, anh quyết tâm theo đuổi con đường tranh đấu, bảo vệ cho người tị nạn Việt Nam, khởi đầu bằng việc gia nhập làm tình nguyện viên cho Ủy ban Cứu người vượt biển BPSOS. Kể từ khi góp mặt, Tiến sĩ Thắng đã giúp gầy dựng BPSOS từ một tổ chức thiện nguyện nhỏ bé phát triển thành một tổ chức cộng đồng quốc gia khá lớn, với hơn 140 nhân viên toàn thời gian, hoạt động tại 18 địa điểm trên khắp nước Mỹ cùng với 4 văn phòng tại Châu Á, gồm hai cơ sở ở Malaysia, một ở Thái Lan, và một ở Đài Loan.

Đến năm 1997, khi phong trào thuyền nhân lắng dịu, Ủy ban Cứu người vượt biển bắt đầu chuyển trọng tâm hoạt động tập trung tại nội địa Hoa Kỳ, với mục tiêu chính là phát triển nội lực và vị thế cho cộng đồng Việt Nam ở Mỹ, tranh đấu cho người Việt bị đàn áp, bóc lột, bị buôn bán ra nước ngoài như trường hợp của các cô dâu Việt tại Đài Loan hoặc những công nhân xuất khẩu lao động ở Malaysia hay Trung Đông, và bảo vệ quyền tị nạn chính trị cho những người Việt sang Thái Lan lánh nạn.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nói về một số đóng góp đáng khích lệ trong thời gian qua của Ủy ban Cứu người vượt biển BPSOS do anh điều hành:

Theo ước tính, mỗi năm, các văn phòng của BPSOS khắp nơi phục vụ cho khoảng 10 ngàn người, phần lớn là người Việt, và giúp định cư trên 18 ngàn đồng bào thuyền nhân sau khi họ bị hồi hương về lại Việt Nam. Ngay sau trận bão Katrina tại Hoa Kỳ, BPSOS đã điều động nhân tài-vật lực đến vùng Vịnh, Houston, để hỗ trợ cho chừng 4 ngàn gia đình người Việt lánh nạn bão lụt. Một nỗ lực thành công nữa là trong vòng 2 năm, chương trình chống nạn buôn người đã can thiệp cho trên 3 ngàn đồng bào, và đem về cho các công nhân số tiền bồi thường tổng cộng lên tới 1 triệu Mỹ kim.”

Tiến sĩ Thắng cho biết nguyện vọng của anh là tạo cơ sở cho nhiều thế hệ tiếp theo thừa hưởng và tiếp tục sự nghiệp đóng góp cho cộng đồng, cho đất nước Hoa Kỳ, và cho Việt Nam. Theo anh, giới trẻ tại Việt Nam nên quan tâm, đóng góp vào các hoạt động xã hội vì công tác phục vụ cộng đồng có tầm quan trọng rất lớn.

Anh tiếp lời:

Bởi vì đó là yếu tố để thay đổi và thăng tiến đất nước Việt Nam về lâu dài để sánh vai với các cộng đồng quốc tế. Mọi người đều là những sinh vật xã hội, không thể nào phát triển được nếu cô đơn và cô lập. Thứ hai, qua những sinh hoạt cộng đồng, con người có thể trưởng thành và học hỏi được rất nhiều những kinh nghiệm cần thiết. Khuynh hướng hiện nay, người ta đặc biệt tuyển dụng những người từng có kinh nghiệm sinh hoạt cộng đồng, bởi sinh hoạt cộng đồng tạo nên các kinh nghiệm quý báu về điều hành con người. Và thứ ba, quyền lợi của cộng đồng, của tập thể gắn bó trực tiếp và song hành với quyền lợi của cá nhân.”

Chúng ta vừa gặp gỡ nhà hoạt động xã hội có nhiều đóng góp cho cộng đồng Việt Nam tại Mỹ và cho những người Việt gặp khó khăn ở nước ngoài, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, người Việt Nam đầu tiên được nhận Giải Thành tựu Công dân Xuất sắc do Tổ chức Người Mỹ gốc Trung Hoa (OCA) ở Hoa Kỳ trao tặng vào ngày 19/6 năm nay.

Tạp chí Thanh Niên của đài VOA sẽ trở lại với các bạn trong một câu chuyện mới, tối thứ ba tuần sau. Trà Mi thân chào tạm biệt quý thính giả.