VOA – Cuộc phỏng vấn dưới đây với luật sư Phạm Thế Khanh thuộc văn phòng BPSOS có nội dung liên quan đến các loại bảo hiểm nhà thuộc khu vực bị bão Harvey tàn phá. Lụt là nguyên nhân của một trong những thiệt hại nặng nhất. Thế nhưng, theo luật sư Phạm Thế Khanh, chỉ 15% người dân ở khu vực bị lụt có mua bảo hiểm lụt. Thế thì vai trò của FEMA – Cơ Quan Cứu Trợ Khẩn Cấp – là gì? Và văn phòng BPSOS có thể giúp người dân tiến hành thủ tục giấy tờ ra sao? Xin theo dõi cuộc phỏng vấn dưới đây.
***
VOA: Phân loại bảo hiểm nhà như thế nào?
LS Phạm Thế Khanh (BPSOS): Có hai loại bảo hiểm: Bảo hiểm lụt và bảo hiểm “windstorm and hail” (tạm gọi là “bảo hiểm thường.”)
Cần phân loại thiệt hại của căn nhà. Nhà bị ngập nước hoặc/và bị hư bên ngoài (do gió, tốc mái…).
Nếu bị ngập nước thì liên lạc bảo hiểm lụt. Nếu nhà bị hư bên ngoài, liên lạc bảo hiểm thường.
Trường hợp không bị ảnh hưởng bởi gió, bão, nhưng bị nước lụt mà lại không có bảo hiểm lụt, thì cần liên lạc FEMA để xin trợ giúp khẩn cấp.
Bên cạnh, Texas đang có chương trình trợ cấp thất nghiệp tạm thời cho người không thể đi làm trong thời gian bão lụt. Để được nhận trợ giúp theo chương trình này, cần liên lạc ngay với Texas Workforce Commission.
Hiện nay, Texas đang làm luật trợ giúp thực phẩm, thức uống, foodstamps, nhưng phải chờ xem có được thông qua không. Cần chờ vài ngày nữa. Chương trình có tên là Supplemental Nutrition Assistance Program (SNAP).
Trước mắt là cần xin ngay chương trình trợ giúp khẩn cấp. Bất cứ ai sống trong vùng được xem là vùng thiên tai mà tổng thống đã tuyên bố, đều có thể xin được. Bao gồm tiền thuê khách sạn để ở, chi phí ăn uống… Thống kê cho biết, đến 1 tháng Chín, đã có 320 ngàn đơn xin và FEMA đã trả ra hơn $57 triệu. Tiền sẽ được chuyển trực tiếp cho đương đơn. Hiện chưa rõ số tiền được trợ giúp là bao nhiêu. Tôi nghĩ con số tùy vào thu nhập từng gia đình.
VOA: Thiệt hại nặng nhất là nhà bị lụt. Nạn nhân lũ lụt cần làm gì?
BPSOS: Nếu có bảo hiểm lụt, cần gọi hãng bảo hiểm ngay. Cho dù FEMA đứng sau lưng chương trình bảo hiểm lụt, chính các công ty đứng ra bán các policy này. Vậy cần liên lạc hãng bảo hiểm.
Người có nhà bị ngập lụt cần chụp rất nhiều hình. Hình phải cho thấy nhà bị ẩm ướt. Trước khi cắt các tấm “sheetrock” (tường), cần chụp hình lại.
Tiếp theo là phải chứng minh nước ngập bao nhiêu, bằng cách lấy thước đo rồi chụp hình cái thước. Chụp hình đồ đạc trong nhà bị hư vì nước lụt, chẳng hạn TV, bàn ghế, giường, nệm, tủ lạnh, máy rửa chén, máy sấy, máy giặt… Ghi lại thông tin của từng loại, chẳng hạn hiệu gì, serial number mấy, tiền mua bao nhiêu, mua ở đâu… Khi người đại diện hãng bảo hiểm đến, đưa hết tài liệu này cho họ. Cần nhớ là giữ lại đồ đạc bị hư, để khi người đại diện hãng bảo hiểm đến thì cho họ xem trước đã.
Về chuyện sửa nhà, nếu không khí trong nhà không tốt do ngập nước nhiều quá, cần chụp hình những nơi bị ngập nước, dùng thước đo, trước khi cắt tường. Nhưng đây là vạn bất đắc dĩ mới làm, quan trọng là đợi đại diện hãng bảo hiểm đến để họ thấy bằng mắt của họ. Như vậy tốt hơn.
Rồi đại diện hãng bảo hiểm sẽ cho chủ nhà một con số ước lượng thiệt hại. Nếu con số ít quá, chủ nhà cần tìm một người xây dựng để họ định giá, rồi thảo luận với phía bảo hiểm, đòi con số cao hơn. Nếu FEMA đồng ý với con số này, và chủ nhà cũng đồng ý, thì chỉ cần ký vào giấy tờ là xong.
Cần nhớ là nếu bị lụt, chủ nhà có 60 ngày để nộp bản liệt kê thiệt hại. Lần này là từ 25 tháng Tám, vậy là đến 23 tháng 10 phải làm xong. Nhưng thông thường, FEMA sẽ gia hạn thời gian, có thể sẽ là như vậy.
VOA: Trong thời gian đợi sửa nhà, nếu nhà không ở được, người dân cần làm gì?
BPSOS: Nếu nhà bị ướt, không ở được, thì phải xin ngay tiền trợ giúp khẩn cấp từ FEMA để thuê khách sạn ở. Cần thiết là phải xin ngay, không nên chờ.
VOA: Trường hợp xấu nhất: Không có bảo hiểm lụt.
BPSOS: Không có bảo hiểm lụt thì phải xem xét cẩn thận. Trước hết, xem lại bên ngoài căn nhà, xem có phải do bão, mái bị tốc, nước vào, hay không. Nếu là vậy, thì chỉ cần “claim” với bảo hiểm thường. Cần xác định khu vực bị lụt là hệ quả của gió, và mái bị tốc.
Hay chẳng hạn bị lụt ở tầng dưới, còn tầng trên bị hư do gió bão, thì chỉ tầng trên được trả từ bảo hiểm thường mà thôi.
Nếu bên ngoài nhà không bị gì cả, tức là không do gió, thì hoàn toàn không thể “claim.” Trường hợp này, chỉ còn xoay sang chương trình trợ giúp thiên tai của FEMA. FEMA sẽ giúp một số tiền trước mắt để lo chỗ ăn, chỗ ở. Sau đó họ có thể cho hoặc cho mượn một số tiền để sửa nhà, tùy vào chương trình của FEMA. Nhưng số tiền FEMA cho hoặc cho mượn có thể rất thấp. Cách đây vài năm, số tiền này tối đa là 33 ngàn đô la, mà là cho mượn chứ không cho luôn. Hiện chưa có kết luận cuối cùng.
Khi nhờ trợ giúp của FEMA, đương đơn phải có số an sinh xã hội, tức phải là thường trú nhân, người có quốc tịch, nói chung là phải hợp pháp. Còn người cư trú bất hợp pháp thì không thể nhận được trợ giúp. Ngoài ra, con cái sinh ra tại Mỹ của người cư trú không hợp pháp vẫn được giúp.
VOA: Liên lạc với BPSOS như thế nào?
BPSOS: Số điện thoại của văn phòng: 281-530-6888; địa chỉ: 11360 Bellaire Blvd. #910, Houston, Texas 77072. Đồng hương có thể gọi hoặc trực tiếp đến văn phòng.