Với việc khởi động tính năng ‘Đánh dấu An toàn’, trang mạng xã hội Facebook đã giúp cho hơn 4 triệu người sử dụng thông báo cho gia đình, bạn bè về tình trạng của mình trong vòng 24 giờ đầu tiên sau chuỗi tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris, khiến 129 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Theo thông tin từ công ty, công cụ ‘Đánh dấu An toàn’ đã tiếp cận được đến 360 triệu người sử dụng trên toàn thế giới trong sự kiện xảy ra tại Paris hôm 13/11. Con số này gấp đôi số người sử dụng trong trận động đất ở Nepal hồi tháng Tư.
Facebook lần đầu tiên đưa ra công cụ ‘Đánh dấu An toàn’ vào tháng 10 năm ngoái, với ý định dành cho những người sử dụng bị kẹt trong các đợt thiên tai thông báo cho thân nhân biết là họ an toàn.
Đây là lần thứ sáu công cụ này được Facebook đưa vào sử dụng. Sau trận động đất ở Nepal, ‘Đánh dấu An toàn’ được dùng trong các thảm họa tự nhiên khác như động đất ở Afghanistan và Chile, siêu bão Pam ở Nam Thái Bình Dương và bão Ruby ở Philippines.
Mặc dù công cụ ‘Đánh dấu An toàn’ đã giúp ích cho rất nhiều người trong vụ tấn công ở Paris, nhưng Facebook cũng gặp phải nhiều chỉ trích không kém khi không đưa công cụ này ra sử dụng trong vụ tấn công khác ở Beirut vừa xảy ra trước đó 1 ngày, khiến 43 người thiệt mạng.
Ông chủ trẻ tuổi Mark Zuckerberg của Facebook ngay lập tức đưa ra lời cảm ơn người dùng và giải thích trên trang cá nhân:
“Nhiều người có quyền hỏi tại sao chúng tôi đưa ‘Đánh dấu An toàn’ vào vụ tấn công Paris mà lại không cho vụ đánh bom ở Beirut và những nơi khác. Cho tới ngày hôm qua, chính sách của chúng tôi vẫn là chỉ kích hoạt ‘Đánh dấu An toàn’ cho những thảm họa tự nhiên. Chúng tôi chỉ vừa mới thay đổi điều này và hiện cũng đang có kế hoạch kích hoạt ‘Đánh dấu An toàn’ cho nhiều thảm họa do con người gây ra khác trong tương lai.”
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Facebook Alex Schultz đáp lại những chỉ trích rằng “Trong tình huống phức tạp, bất ổn ảnh hưởng đến nhiều người, Facebook trở thành nơi để mọi người chia sẻ thông tin và tìm hiểu về tình trạng của người thân”. Do đó, “chúng tôi đã quyết định thử điều mà chúng tôi chưa bao giờ làm trước đó: kích hoạt ‘Đánh dấu An toàn’ cho sự kiện không phải là thảm họa tự nhiên”.
Ông Schultz nói: Do thời gian hai vụ tấn công xảy ra quá gần nhau nên đã khiến một số người đặt câu hỏi về sự thiên vị của Facebook đối với Pháp – một nước Tây Âu. Nhưng Facebook cam kết trong tương lai, ‘Đánh dấu An toàn’ sẽ là “công cụ sẵn sàng vào bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu cần sự giúp đỡ”.
Nguồn: Washington Post, Venture Beat, Digital Trends.
Your browser doesn’t support HTML5