Hai ngày biểu tình bạo động và đình công xảy ra trước khi Hy Lạp đưa ra nỗ lực mới nhất để cắt giảm các chi tiêu của chính phủ.
Các nhà lãnh đạo châu Âu không cần phải được nhắc nhở thêm bằng đồ biểu về mức trầm trọng của cuộc khủng hoảng nợ.
Bất chấp những người biểu tình, Thủ tướng Papandreou thành công trong việc được Quốc hội thông qua những biện pháp tiết kiệm mới nhất cần thiết để nhận được khoản tiền cứu nguy kế tiếp từ châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.
Điều này tạo ra sự phấn khởi cho các nhà lãnh đạo châu Âu. Sau nhiều tháng trời xáo trộn và điểm tín nhiệm tài chính bị hạ thấp, hội nghị thượng đỉnh ngày Chủ Nhật được xem như là thời điểm để cuối cùng châu Âu phải đến với nhau hầu chặn đứng cơn triều cường nợ nần lên cao. Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra một giọng điệu lạc quan trước cuộc họp.
Bà Merkel nói: “Nếu chúng ta muốn sử dụng cuộc khủng hoảng như một cơ hội, nếu chúng ta quyết định cho châu Âu vững mạnh hơn, chúng ta phải nắm lấy cơn khủng hoảng này như là một cơ hội và chuẩn bị cho những hành động không theo qui ước và nhanh chóng hơn.”
Chỉ có một ít nhà lãnh đạo tỏ vẻ tin tưởng vào một thỏa thuận nhanh chóng; một hội nghị thượng đỉnh thứ hai đã được ấn định cho ngày thứ Tư tuần tới. Vào lúc đó, Pháp và Đức cho biết sẽ thâu ngắn những khác biệt về cách làm thế nào để củng cố quỹ cứu nguy của châu Âu.
Giới phân tích cho hay chú trọng đầu tiên sẽ là làm cách nào bơm thêm tiền vào những ngân hàng gặp khó khăn. Và đó chỉ là bước đầu.
Ông Tobias Blattner thuộc công ty Thị Trường Vốn Daiwa nói châu Âu cần chứng tỏ sẽ cứu nguy cho những nền kinh tế lớn hơn như Ý và Tây Ban Nha nếu những nước này rơi vào tình trạng nợ nần tăng vọt theo mô thức vòng xoáy.
Ông Blattner cho biết: “Những nước này cần phải gia tăng sức mạnh cho quỹ cứu nguy để cuối cùng chúng ta có thể ngăn chận được sự lây lan và không còn lo ngại về việc Ý không trả được nợ. Đó là những điều họ cần phải làm. Tuy nhiên không may cho hiện tại là những đề nghị, cách thức để tăng quỹ cứu nguy tạm thời này sẽ không đủ. Và đó là lý do tại sao hội nghị thượng đỉnh sẽ hầu như làm thất vọng những người tham dự vào thị trường tài chánh.”
Ông Tim Ohlenburg thuộc tổ chức phân tích có tên là Trung tâm Nghiên cứu Doanh thương và Kinh tế tại London cho biết cần có thêm nhiều biện pháp mạnh hơn để những nhà đầu tư lấy lại lòng tin tại châu Âu.
Ông Ohlenburg nói: “Chúng tôi nghĩ là có hy vọng cho khu vực đồng euro trong dài hạn nếu châu Âu tìm cách thiết đặt được một khung sườn định chế mới và tìm cách loại bỏ những nền kinh tế không thể đứng vững trong khối đồng euro, hay tìm một cơ chế chuyển đổi khác.”
Không nhà lãnh đạo nào của khu vực đồng euro dám nói công khai về vấn đề những nước thành viên yếu hơn từ bỏ đồng euro. Tuy nhiên theo ông Olehnburg, một giải pháp thay thế duy nhất là một liên bang châu Âu thực sự.
Ông Ohlenburg nói: “Nói chung, tôi nghĩ con đường duy nhất để chấm dứt tình trạng này là thay đổi hiệp ước. Nhiều quyền hạn hơn cho châu Âu, hội nhập chặt chẽ hơn, và thống nhất tài chánh.”
Đó là tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ mà những quốc gia thành viên châu Âu cần nhóm họp để thảo luận.
Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tụ hội tại Brussels vào Chủ Nhật để dự một hội nghị thượng đỉnh quan trọng nhằm hình thành một kế hoạch giúp đồng euro. Trong khi Hy Lạp vất vả tìm phương cách tránh tình trạng không trả được nợ, các nhà lãnh đạo EU phải nỗ lực ngăn cuộc khủng hoảng lan rộng đến những nền kinh tế lớn hơn như Ý và Tây Ban Nha có thể đe dọa ngay chính tương lai của Liên hiệp châu Âu, như Thông tín viên Đài VOA Henry Ridgwell tường trình từ London.