Phản ứng tại châu Âu chậm và dè dặt đối với tin ông Kim Jong Il từ trần.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague đưa ra một nhận định hy vọng, nói rằng nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên từ trần vì bệnh tim có thể là một bước ngoặt cho quốc gia châu Á này.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Ngoại giao Hague bày tỏ hy vọng là lãnh đạo mới tại Bắc Triều Tiên sẽ đối thoại với cộng đồng quốc tế và làm việc vì hoà bình và an ninh trong vùng.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức nói luôn luôn có hy vọng thay đổi, tuy nhiên những kỳ vọng của phương Tây vẫn như cũ-là Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và cải thiện tình trạng khốn khổ của dân chúng nước này.
Tuy nhiên Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe hạ giảm triển vọng thay đổi tại quốc gia nghèo khổ này.
Ông Juppe nói có ít hy vọng thay đổi. Ông mô tả Bắc Triều Tiên như là một chế độ hoàn toàn khép kín, một trong những tàn dư cuối cùng của Liên bang Sô Viết trên hành tinh này. Ông nói Pháp lo ngại về hậu quả của việc thừa kế quyền hành và hy vọng những người Bắc Triều Tiên một ngày nào đó phục hồi được quyền tự do của họ.
Bắc Triều Tiên giữ kín tin nhà lãnh đạo 69 tuổi Kim Jong Il từ trần trong hai ngày. Những định chế nhà nước loan báo trong một tuyên bố là người con trai út Kim Jong Un hiện lãnh trách nhiệm điều hành đất nước.
Bà Francoise Nicolas, giám đốc Nghiên cứu châu Á của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp có trụ sở tại Paris nói cộng đồng quốc tế sửng sốt về những sự kiện này.
Bà Nicolas nói: “Mọi người bị bất ngờ về việc ông Kim Jong Il từ trần. Mọi người đều chờ đợi cái chết của ông ta nhưng không quá nhanh như vậy.”
Thế giới ít biết về ông Kim Jong Un, con trai út của ông Kim Jong Il, ngay cả tuổi chính xác của ông này cũng không rõ.
Bà Nicolas nói: “Đây là một bí mật lớn và không ai có được ý niệm gì về việc ông Kim Jong Un, nhà lãnh đạo mới sẽ làm gì, liệu có khác những gì cha ông làm hay không, không ai biết. Ông chỉ mới ở trong địa vị này có một thời gian rất ngắn, được bổ nhiệm cách đây vài năm. Do đó không ai biết kế hoạch của ông là gì, ông có kế hoạch nào không, liệu ông có tính chính đáng tại quốc nội hay không. Do đó rất khó để biết được liệu có thay đổi hay không.”
Châu Âu và các cường quốc phương Tây khác quan ngại về khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trong suốt 17 năm cầm quyền của ông Kim Jong Il, Bắc Triều Tiên cho nổ thử nghiệm hai quả bom hạt nhân thô vào năm 2006 và 2009. Tuy nhiên bà Nicolas nói năng lực thương thuyết của châu Âu để ảnh hưởng đến thay đổi tại Bắc Triều Tiên rất giới hạn.
Bà Nicolas nói: “Về phần châu Âu, tôi e rằng châu Âu không thể làm được gì nhiều. Châu Âu ít có ảnh hưởng đối với Bắc Triều Tiên, ít có quan hệ kinh tế đối với nước này nên sẽ không làm được gì nhiều cũng như sẽ chẳng chứng tỏ được gì nhiều.”
Các nhà phân tách nêu lên nghi vấn là liệu ông Kim con có được bao nhiêu tính chính đáng trong nước. Những người này tin rằng nhà lãnh đạo trẻ này phải tự chứng tỏ khả năng với quân đội và liên minh với những nhóm nhiều quyền lực khác.
http://www.youtube.com/embed/RTmtOuOAgu4