Các khó khăn kinh tế của Bồ Đào Nha đang ngày càng chồng chất, và Thủ tướng Jose Socrates cảnh báo rằng tình trạng phản đối ở trong nước đối với đề xuất cắt giảm thâm hụt của chính phủ có thể dẫn tới việc nước này phải xin ứng cứu từ cộng đồng quốc tế.
Ông Socrates nói rằng ông sẽ từ chức nếu quốc hội không thông qua các đề xuất ‘thắt lưng buộc bụng’ mới nhất của ông.
Đây là lần thứ tư ông đưa ra các biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu phúc lợi xã hội hồi năm ngoái đã dẫn tới một làn sóng phản đối ở Bồ Đào Nha.
Ông Socrates tìm cách thông qua các biện pháp mới trước khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp cuối tháng này nhằm cân nhắc các điều luật mới về hỗ trợ tài chính đối với các nước chồng chất nợ nần ở châu lục này.
Ông Socrates, người đứng đầu một chính phủ thiểu số theo đường lối xã hội cho rằng ‘hậu quả của một cuộc khủng hoảng chính trị’ ở Bồ Đào Nha có thể dẫn tới việc xin trợ giúp hỗ trợ từ bên ngoài.
Bồ Đào Nha đang tìm cách tránh trở thành nước châu Âu thứ ba cần hỗ trợ từ bên ngoài sau khi Hy Lạp và Ireland miễn cưỡng đồng ý được ứng cứu khẩn cấp hồi năm ngoái.
Nhưng các nhà phân tích và đầu tư tài chính đang tỏ ra ngờ vực về khả năng kiểm soát nợ nần của Bồ Đào Nha.