Các cuộc thương thảo nhằm giảm phân nửa số nợ mà Hy Lạp còn thiếu các chủ nợ tư nhân đang đi vào ngõ cụt.
Những chủ nợ lớn đã đồng ý tha nợ khoảng 130 tỉ trong số tiền mà chính phủ Hy Lạp còn thiếu họ, nhưng các cuộc điều đình bị chựng lại về lãi suất mà các chủ nợ sẽ chấp nhận liên quan đến những trách vụ tài chánh của Hy Lạp được điều chỉnh lại.
Những người đứng đầu của 32 tổ chức tài chính mà Hy Lạp nợ tiền gặp nhau tại Paris hôm thứ Tư để bàn về bước kế tiếp, trước khi trở lại Athens vào thứ Năm để tiếp tục thương lượng.
Họ đang muốn nhận được lãi suất 4% về số nợ được điều chỉnh, nhưng các lãnh đạo châu Âu áp lực họ chấp thuận lãi suất 3,5% để giúp Hy Lạp lấy lại vị thế vững vàng hơn về kinh tế trong những năm tới đây.
Các lãnh đạo châu Âu cho biết Hy Lạp cần phải hoàn tất vụ điều đình với các chủ nợ riêng của mình, cũng như áp đặt thêm những bước thắt lưng buộc bụng, cho dù không được công chúng tán đồng, trước khi châu Âu chấp thuận một ngân khoản cứu nguy khác gồm 169 tỉ. Ngân khoản này sẽ là gói cứu nguy quốc tế lần thứ 2 trong vòng 2 năm, là số tiền mà Hy Lạp nói họ cần để tránh không làm tròn các trách vụ tài chánh vào tháng 3.
Các phân tích gia lo ngại việc Hy Lạp không trả nổi nợ sẽ đưa đến hệ quả là các nền kinh tế thế giới lại bị suy thoái, vì lý do nước này nằm trong khối 17 nước sử dụng đồng euro chung. Lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị đang áp lực các chính phủ châu Âu có hành động quyết liệt hơn để giải quyết cơn khủng hoảng từ hai năm qua.
Ông Peter Voser, giám đốc chấp hành công ty dầu khổng lồ Shell, kêu gọi hành động khẩn cấp, vào thời gian ông dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Ông nói “chúng ta không còn bao nhiêu thời gian nữa.”
Bà Christine Lagarde, tổng giám đốc quĩ Tiền Tệ Quốc Tế, cho rằng những chủ nợ công của châu Âu, chẳng hạn như Ngân hàng Trung ương châu Âu, cần phải giúp giảm nợ cho Hy Lạp, nếu nước này không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ khu vực tư. Nhưng theo các hãng tin, ngân hàng trung ương châu Âu còn nắm 58 tỉ nợ của Hy Lạp, cũng như Đức, nền kinh tế mạnh của châu lục này, đều chống đối lại bất kỳ khoản giảm nợ nào cho Hy Lạp.