Bộ trưởng Tài chính EU thỏa thuận về gói ổn định cho Euro

  • Lisa Bryant
Liên hiệp Châu Âu kiên quyết đến cùng bằng lưới chặn an toàn 960 tỉ đôla dành cho các thành viên gặp khó khăn về tài chánh, với hy vọng sẽ trấn an được những lo ngại cho rằng cuộc khủng hoảng tài chánh Hy Lạp sẽ lan sang các nước khác trong khối sử dụng đồng euro. Từ Paris, thông tín viên Lisa Bryant của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.

Bộ trưởng tài chánh các nước Liên hiệp Châu Âu (EU) đã làm việc suốt đêm qua để hình thành một lưới chặn tài chánh khổng lồ dành cho các nền kinh tế yếu hơn trong khối 16 quốc gia sử dụng đồng euro. Các giới chức muốn công bố biện pháp này trước khi các thì trường tài chánh mở cửa hoạt động trong tuần này.

Gói tài chánh này bao gồm những khoản cho vay trị giá 75 tỉ đôla của Ủy ban Châu Âu, tức là cơ quan hành pháp của Liên hiệp Châu Âu; và sự hỗ trợ của gần 570 tỉ đôla của các khoản cho vay song phương, và 315 tỉ đôla từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tức IMF.

Biện pháp này được đưa ra tiếp theo sau vụ thị trường tài chánh toàn cầu rớt giá hôài cuối tuần trước do những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng tài chánh của Hy Lạp có thể lan rộng sang các nền kinh tế thiếu ổn định khác trong Liên hiệp Châu Âu, như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Tại cuộc họp báo sáng sớm hôm nay, ông Olli Rehn, ủy viên tiền tệ Liên hiệp Châu Âu, nhìn nhận rằng thách thức đang đặt ra cho các quốc gia sử dụng đồng euro.

Ông Rehn nói: "Đây rõ ràng là một thách thức mang tính hệ thống đối với sự ổn định trong khối sử dụng đồng euro. Nó không chỉ tấn công một thành viên riêng rẽ nào, mà đó là một mối đe dọa chung cho sự ổn định tài chánh của cả khu vực sử dụng đồng euro, và cả Liên hiệp Châu Âu."

Khoản nợ và thâm hụt công quỹ khổng lồ của Hy Lạp đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại rằng nước này có thể sẽ vỡ nợ. Các cơ quan đánh giá tài chánh đã hạ mức xếp hạng của Hy Lạp, cùng với Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha. Tuy nhiên các nền kinh tế khác của Châu Âu cũng bộc lộ những dấu hiệu có vấn đề, cụ thể là Anh, theo dự báo tỉ lệ thâm hụt ngân sách năm nay sẽ lên đến 12%.

Những người phê bình đỗ lỗi cho Liên hiệp Châu Âu đã phản ứng chậm và bị chia rẽ trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chánh của Hy Lạp, đặc biệt là Đức, là nước đã không muốn cho Athens nếu Hy Lạp không đồng ý thực hiện thêm các biện pháp kiệm ước.

Cuối cùng, Berllin đã tham gia gói cứu nguy tài chánh khổng lồ dành cho chính phủ Athens do Liên hiệp Châu Âu và IMF phối hợp thực hiện. Tuy nhiên ý tưởng cứu nguy Hy Lạp gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của công chúng Đức, và hậu quả là đảng của Thủ tướng Angela Merkel đã gặp thất bại trong cuộc bầu cử khu vực ngày hôm qua.