Các cuộc biểu tình ngoài đường phố tại Ireland vào lúc năm 2010 sắp hết tiêu biểu cho những gì mà châu Âu sẽ ghi nhớ trong năm nay: nợ nần chồng chất, cắt giảm chi tiêu và bất ổn xã hội.
Tình trạng tài chính bất định đã đề ra thử thách cho chỉ tệ duy nhất của châu Âu là đồng euro.
Hy Lạp là điểm nóng của cuộc khủng hoảng vào đầu năm. Một khối nợ khổng lồ có nghĩa là các thị trường mất tin tuởng và khả năng chi trả của đất nước.
Các nhà lãnh đạo châu Âu chật vật tìm cách vá víu chỗ hổng yếu ớt này.
Họ đã đổ hơn 100 tỷ đôla vào nền kinh tế Hy Lạp và thành lập một quỹ để giúp các nước trong khu vực euro vấp phải khó khăn tài chính sau này.
Chỉ 6 tháng sau đến lượt Ireland lại cần đến sự cứu nguy và số tiền mà nước này cần đến lại lên đến trên 100 tỷ đôla đã có sẵn.
Ông Ian Begg thuộc trường Kinh tế London nói rằng cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế buộc các nước trong khu vực Euro phải xét lại hệ thống tiền tệ của mình. Ông cho rằng các nước này đang phát hiện những khuyết điểm và theo ông, khắc phục các khuyết điểm này giúp cho chỉ tệ vững mạnh hơn.
Ông Begg nói: “Sự kiện này là đặc điểm của cách thức châu Âu vận hành, đó là chờ xem có gì trục trặc và rồi trong tiến trình tìm cách giải quyết mới tiến tới một mức độ hòa nhập lớn hơn, trong khi vẫn tôn trọng quyền hạn của từng quốc gia thành viên.”
Nhưng ngay cả các nền kinh tế tương đối mạnh như nền kinh tế Pháp cũng đang bị nợ nần lớn. Cắt giảm chi tiêu công cộng đã đưa tới những vụ đình công và biểu tình liên tục.
Và trong bầu không khí thắt lưng buộc bụng chặt chẽ ấy, các nhà lãnh đạo Âu châu đã phải chật vật để quân bình các nhu cầu kinh tế quốc gia với nền kinh tế của châu Âu.
Ông Begg nói các nhu cầu quốc gia vẫn chiếm ưu tiên hàng đầu.
Ông Begg nói tiếp: “Khối này không có ý định trở thành Hợp chủng quốc châu Âu mà chỉ muốn là một châu Âu thống nhất hơn giữa các quốc gia, và đó thực sự là điều chúng ta đang thấy hiện nay.”
Nhưng hình ảnh đó hoàn toàn khác với điều mà nhiều người ở châu Âu từng mong đợi. Sau hai cuộc thế chiến đã xâu xé lục địa này, những người nhìn xa trông rộng muốn thấy một châu Âu trong hòa bình, thống nhất về chính trị và kinh tế.
Ông Simon Tilford, kinh tế gia trưởng tại Trung tâm Cải cách châu Âu, nói rằng cuộc khủng hoảng tài chính đã làm tan tác viễn ảnh đó.
Ông Tilford nói: “Điều chẳng may là sự đoàn kết cấp thiết đó đã bị xói mòn vì cuộc khủng hoảng tài chính này. Vì thế, dân chúng ở các nước được yêu cầu bảo đảm những khoản cho các nước thành viên khác vay rất bực bội về điều đó bởi vì họ nghĩ rằng tại sao mình lại phải làm việc này. Mình tưởng thưởng cho sự phung phí của họ và chẳng được ích lợi gì. Và sự kiện đó gây khó khăn hơn cho các chính phủ trong việc trình bầy lý lẽ bênh vực cho sự hoà nhập cần thiết để đặt toàn bộ tình hình vào một tư thế bền vững hơn để tiến tới.”
Tình hình vừa nêu cho thấy một vấn đề lớn trong năm sắp tới.
Một bóng tối bao trùm lên các nền kinh tế của Bồ Đào Nha, Italia, và Tây Ban Nha, và các nước này cũng có thể sẽ cần đến các ngân khoản cứu nguy trong nay mai.
Nhưng trong tình hình dân chúng đang chịu đựng đau khổ vì cắt giảm lương bổng và tăng thuế, có thể các nhà lãnh đạo Âu châu sẽ rất khó mà thuyết phục cử tri dành thêm tiền mặt để cứu giúp các nền kinh tế đó.
Bà Vanessa Rossi, thuộc tổ chức nghiên cứu Chatham House, nói rằng năm 2011 sẽ là một năm bản lề. Châu Âu phải quyết định sự vững mạnh của những liên hệ gắn kết các nước trên đại lục này lại với nhau.
Bà Rossi cho biết: “Sự lựa chọn ở đây trong hệ thống là các nước thành viên phải quyết định, liệu họ sẽ có một câu lạc bộ để bảo đảm hỗ trợ cho mọi thành viên với bất cứ giá nào hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hay là họ sẽ là một khối nói rằng, chúng tôi sẽ chấp nhận rằng đôi khi các nước thành viên có thể gặp khó khăn và các nhà đầu tư vào các nước ấy sẽ phải chia sẻ một phần tổn phí, một phần thiệt hại khi xảy ra việc tái cấu trúc.”
Theo bà, một khả năng thứ ba là các nước EU được phép quỵt nợ. Điều đó có nghĩa là sự phân rã của EU và chấm dứt một giấc mơ đã được ấp ủ từ nhiều thập niên.
Chỉ tệ duy nhất của châu Âu, đồng euro, nhằm mục đích thống nhất các quốc gia Âu châu thành một khối tiền tệ vững mạnh. Nhưng toàn bộ khu vực euro vẫn yếu như mối liên hệ yếu nhất của khối và đó là một thực tế không thể bỏ qua trong năm 2010. Theo tường trình của thông tín viên VOA Selah Hennessy, cuộc khủng hoảng tài chính đã trắc nghiệm các mối liên hệ nối kết châu Âu lại với nhau và nêu ra một thắc mắc về tương lai của khối này.