Sau cuộc họp ở Luxembourg, 28 thành viên trong Liên hiệp Châu Âu vẫn còn chia rẽ sâu sắc về các kế hoạch tái định cư hàng ngàn di dân vượt Địa Trung Hải. Italy, nước nhận nhiều di dân trong số này, đe dọa sẽ có hành động nếu không đạt được bước đột phá.
Trong khi bộ trưởng nội vụ các nước EU họp bàn về kế hoạch đầy tranh cãi trong việc phân chia số lượng di dân ra các nước thành viên trong khối, ảnh hưởng của sự bắt đầu đã xuất hiện trên đường biên giới giữa Italy với Pháp. Nhà chức trách Pháp không cho mấy mươi người di dân, chủ yếu là người gốc Châu Phi, vào biên giới từ Italy. Cuối cùng, nhiều người đã được xe buýt chở tới thị trấn Ventimiglia lân cận của Italy, và chưa rõ số phận lâu dài của các di dân này sẽ đi về đâu.
Một bế tắc khác xảy ra tại Luxembourg, nơi bộ trưởng các nước đã kết thúc đàm phán mà không đạt được sự đồng thuận về số lượng phân chia di dân. Ủy ban Châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, muốn đặt ra quota bắt buộc, nhưng không phải tất cả các thành viên trong khối đều tán thành việc này. Ba nước gồm Anh, Đan Mạch, và Ireland được miễn trừ trong kế hoạch quota này.
Sau cuộc họp, Uỷ viên Di trú Dimitris Avramopoulos, cho báo giới biết:
“Tôi vui mừng khi thấy các nước thành viên nhất trí trên nguyên tắc, nhưng lời nói không thôi là chưa đủ. Bây giờ là lúc phải hành động. Chúng ta không nên lãng phí thời gian thêm nữa. Chúng ta phải chứng tỏ khả năng đối phó trước tình hình và đạt kết quả.”
Tin cho hay Thủ tướng Italy, Matteo Renzi, đã dọa xúc tiến một kế hoạch gọi là Kế hoạch B, nghĩa là cấp visa tạm thời cho di dân để họ có thể du hành ra ngoài lãnh thổ Italy, trong khu vực không cần hộ chiếu Schengen của Châu Âu. Italy đang bị quá tải bởi hàng chục ngàn di dân cập bến trong năm nay.
Phát biểu bên cạnh các đối tác Italy và Đức tại Luxembourg, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Bernard Cazeneuve, cố gắng thể hiện một mặt trận đoàn kết hơn. Ông nói cả ba nước đang cùng nhau tìm cách giải quyết một vấn đề chung. Vẫn theo lời ông, có tiến bộ trong việc xử lý bế tắc ở biên giới Ventimiglia.
Italy và Hy Lạp đã tiếp nhận hầu hết trong số hơn 100.000 di dân vượt Địa Trung Hải cập bến trong năm nay. Theo kế hoạch quota phân phối di dân, 40.000 người trong số này sẽ được định cư tại các nước khác trong EU. Một kế hoạch khác sẽ giúp tái định cư khoảng 20.000 người Syria tị nạn đang tạm trú trong các lều trại ở Jordan, Lebanon, và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong cuộc họp vào tuần tới, các nhà lãnh đạo EU sẽ bàn về một phần khác của kế hoạch di trú là diệt trừ các đường dây buôn người.