Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU hôm 31/8 kêu gọi các quốc gia đang tranh cãi hãy giải quyết những khác biệt của họ về việc hạn chế đi lại đối với công dân Nga, đồng thời cho biết châu Âu phải duy trì đoàn kết để phản đối việc Moscow xâm lược Ukraine trong 6 tháng qua, theo Reuters.
Ông Josep Borrell đưa ra cảnh báo trên khi các bộ trưởng ngoại giao của Liên hiệp châu Âu tập trung tại Praha trong ngày thứ nhì của cuộc đàm phán, nơi họ dự kiến sẽ đồng ý trên nguyên tắc về việc đình chỉ thỏa thuận cấp thị thực với Moscow.
Bước đi này sẽ khiến người Nga phải chờ đợi lâu hơn và phải trả nhiều tiền hơn khi xin thị thực để đến các nước EU.
Nhưng 27 quốc gia thành viên EU vẫn rất chia rẽ về việc liệu họ có nên tiến xa hơn và áp đặt lệnh cấm nhập cảnh toàn diện hay không, bất chấp việc Ukraine liên tục kêu gọi rằng thường dân Nga cũng phải trả giá cho cuộc xâm lược.
Từ trước đến nay, một số quốc gia EU đã hạn chế nhập cảnh đối với người Nga. Các nước Đông và Bắc Âu đang thúc đẩy lệnh cấm hoàn toàn, trong khi Đức và Pháp cảnh báo các nước cùng khối rằng điều đó sẽ phản tác dụng.
“Chúng tôi sẽ phải đạt được một thỏa thuận và một quyết định chính trị”, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell nói với các phóng viên khi ông đến cuộc họp ở Prague.
“Tôi sẽ làm việc vì sự thống nhất ... Chúng ta không thể để xảy ra tình trạng mất đoàn kết trong một việc quan trọng như vậy, đó là mối quan hệ giữa người với người, giữa xã hội Nga và người dân châu Âu”.
Một số quốc gia đông Âu cho biết họ sẽ tự áp dụng lệnh cấm thị thực nếu không có thỏa thuận.
Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu cho biết lệnh cấm đi lại là cần thiết. Ông nói: “Xác định thời điểm là việc cấp bách, và để mất thời gian sẽ phải trả bằng xương máu của người Ukraine”.
Tờ Financial Times đưa tin rằng Estonia, Phần Lan, Lithuania, Latvia và Ba Lan đã viết một tuyên bố chung yêu cầu Ủy ban châu Âu đề xuất các biện pháp nhằm “giảm dứt điểm dòng chảy công dân Nga vào Liên hiệp châu Âu và khu vực Schengen”.