EU lập nhóm để bắt đầu cùng nhau mua khí đốt không phải của Nga

EU đang cố giảm lệ thuộc và khí đốt của Nga.

Liên hiệp châu Âu vừa đưa ra một khuôn khổ để các nước trong khối liên hiệp cùng nhau mua khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng vào lúc họ tìm cách giảm phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga và xây dựng một vùng đệm đề phòng những cú sốc về nguồn cung.

Cuộc xâm lược vào Ukraine của Nga, nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu, đã đẩy giá năng lượng vốn đã cao tăng lên thêm đến mức kỷ lục và đặt EU vào sứ mệnh phải giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga bằng cách tăng nhập khẩu từ các nước khác và mở rộng năng lượng tái tạo nhanh chóng hơn.

Các nhà lãnh đạo các nước EU đã phê duyệt việc mua khí đốt chung tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng trước, tại đó, các thành viên bao gồm Tây Ban Nha và Hy Lạp đã kêu gọi cần tạo một vùng đệm đề phòng sự gián đoạn nguồn cung tiềm tàng. Nga cung cấp 40% lượng khí đốt cho EU.

Khuôn khổ mới được thành lập gồm có đại diện của Ủy ban châu Âu và các nước EU. Họ đã họp hôm 7/4, và sẽ tổng hợp nhu cầu của các nước cũng như điều phối các cuộc đàm phán với các nhà cung cấp khí đốt và LNG lớn.

Khuôn khổ này có tính chất tự nguyện và các quốc gia không bắt buộc phải tham gia. Ủy ban châu Âu cho biết trong một tuyên bố là khuôn khổ này sẽ sử dụng tầm ảnh hưởng của EU với tư cách là khách hàng mua khí đốt lớn nhất thế giới để thu hút nguồn cung "với mức giá ổn định, phản ánh khả năng lường trước được và quy mô của thị trường chung EU".

Giá khí đốt của châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục sau khi Nga tiến hành cái mà họ gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, và các nhà phân tích đã cảnh báo rằng việc châu Âu mua một lượng lớn LNG không phải của Nga có thể khiến các nước nghèo hơn phải vật lộn để có được nguồn cung cấp đáp ứng nhu cầu của họ.

EU đã cam kết từ bỏ nhiên liệu của Nga vào năm 2027 và sẽ công bố một kế hoạch chi tiết vào tháng 5 để thực hiện điều này.

Kho khí đốt của EU hiện đạt mức cất trữ 26%. Các quốc gia đang đàm phán về một luật yêu cầu họ phải đổ đầy kho chứa ít nhất là 90% vào ngày 1/11 hàng năm kể từ năm 2023 và 80% trong năm nay. Một số nước hiện lo ngại về cách thức chia sẻ chi phí khi thực hiện việc này.

Ủy ban châu Âu cho biết khuôn khổ này cũng sẽ hỗ trợ mua hydro, khi EU tìm cách chuyển từ khí đốt hóa thạch sang các loại khí phát thải carbon thấp trong tương lai để đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu.

(Reuters)