Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) ở Việt Nam hôm 2/11 cho biết rằng Chủ tịch ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow, Scotland.
Theo phái đoàn này, Chủ tịch Ursula von der Leye đã “hoan nghênh quyết tâm và cam kết của Việt Nam về phát thải ròng bằng 0 trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.
Theo Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam (VGP News), ông Chính hôm 1/11 đã có bài phát biểu được cho là “quan trọng” tại COP26.
VGP News dẫn lời ông Chính nói rằng “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo” và Việt Nam “sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050”.
Liên quan tới vấn đề vắc-xin ngừa COVID-19, phái đoàn Liên minh châu Âu ở Việt Nam cho biết trên Facebook rằng bà Ursula von der Leye “khẳng định EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam qua 2 kênh là xuất khẩu vắc-xin trực tiếp và thông qua cơ chế COVAX”. Đáp lại, ông Chính “cám ơn EU và các nước thành viên” đã “hỗ trợ kịp thời” vắc-xin và thiết bị y tế phòng chống COVID-19, đặc biệt là việc kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự của EU đã giúp vận chuyển vắc-xin từ các nước thành viên cho Việt Nam.
Ngoài vấn đề về biến đổi khí hậu và COVID-19, phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết rằng hai lãnh đạo cũng bàn về hợp tác kinh tế và thương mại mà EU nói là “điểm sáng trong quan hệ Việt Nam – EU”.
“Sau hơn một năm triển khai Hiệp định EVFTA, thương mại hai chiều trong 9 tháng đầu năm 2021 đã đạt hơn 40 tỷ USD, tăng gần 15% bất chấp các khó khăn của đại dịch Covid-19, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế của hai bên”, Phái đoàn Liên minh châu Âu ở Việt Nam viết.
Trên Twitter hôm 1/11, bà Ursula von der Leye viết rằng bà đã có “cuộc thảo luận tốt đẹp” với ông Chính về việc “thúc đẩy hợp tác thương mại, y tế, môi trường và năng lượng”.
Bà viết thêm: “Việt Nam nên tận dụng toàn bộ tiềm năng của năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Việt Nam là một đối tác quan trọng của EU tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.