Liên hiệp châu Âu hôm thứ Năm 16/9 đưa ra một chiến lược chính thức nhằm tăng cường sự hiện diện của họ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đối phó với Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên.
Trong chiến lược này, EU cam kết tiến tới đạt được một thỏa thuận thương mại với Đài Loan và triển khai thêm các con tàu để giữ cho các tuyến đường biển luôn rộng mở.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell khẳng định chiến lược này cũng rộng mở đối với Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, nhưng các nhà ngoại giao nói với Reuters rằng việc xây dựng quan hệ sâu sắc hơn với Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Đài Loan là nhằm hạn chế sức mạnh của Bắc Kinh.
Ông Borrell cũng nói rằng việc Mỹ, Australia và Anh đạt thỏa thuận hôm thứ Tư 15/9 về chương trình đối tác an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi EU không được tham vấn, cho thấy EU cần phải có chính sách đối ngoại quyết đoán hơn.
Ông cho biết EU rất mong muốn làm việc với Anh về vấn đề an ninh nhưng London đã tỏ ra không mặn mà kể từ khi nước này rời khỏi khối, ông cũng bày tỏ lấy làm tiếc khi Australia hủy bỏ thỏa thuận về tàu ngầm trị giá 40 tỷ đô la với Pháp.
“Chúng ta phải tự xoay sở để sống sót, vì những người khác làm như vậy”, ông Borrell phát biểu khi trình bày về chiến lược mới của EU đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phát biểu này của ông nhắc đến khái niện "tự chủ chiến lược" mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lâu nay cổ súy.
Chủ tịch của EU, Charles Michel, cho rằng thỏa thuận của Hoa Kỳ với Australia và Anh "càng chứng tỏ thêm là EU cần có cách tiếp cận chung đối với một khu vực có lợi ích chiến lược".
Tiếp sau kế hoạch ban đầu được đưa ra hồi tháng 4, EU nêu ra 7 lĩnh vực mà khối này sẽ gia tăng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đó là y tế, an ninh, dữ liệu, cơ sở hạ tầng, môi trường, thương mại và đại dương.
Kế hoạch này có thể đồng nghĩa là EU sẽ hiện diện ngoại giao nhiều hơn về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sẽ có thêm nhiều nhân sự và đầu tư của EU hơn trong khu vực, cũng như tăng hiện diện an ninh, bao gồm cả việc điều các con tàu đi qua Biển Đông.
Tài liệu của khối cho hay: “Xét đến tầm quan trọng của sự hiện diện hải quân có ý nghĩa của châu Âu ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, EU sẽ tìm cách đảm bảo việc triển khai hải quân của các quốc gia thành viên với mức độ cao hơn trong khu vực”.