Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ thảo luận làm sao để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, hỗ trợ Kyiv và trừng phạt Iran vì vai trò của nước này trong cuộc chiến mà Nga đang tiến hành ở Ukraine, khi họ họp ngày thứ hai tại Brussels hôm 21/10.
Ngày trước đó, 27 nhà lãnh đạo EU tranh luận gay gắt về phản ứng chung trước sự thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng vốn đè nặng lên cả khối kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 2.
Các cuộc thảo luận thượng đỉnh của họ bắt đầu vào chiều ngày 20/10 và kéo dài vào ngày 21/10 khi Đức khăng khăng không chịu áp trần giá khí đốt và 27 nước thành viên vẫn bất đồng, và tuyên bố họ sẽ tiếp tục xem xét các lựa chọn để áp trần giá.
Khi họ chuyển sang bàn về chính sách đối ngoại, họ sẽ có ‘cuộc thảo luận chiến lược’ về mối quan hệ với Trung Quốc sau khi lãnh đạo hành pháp của khối cho biết vào đầu tuần này rằng EU nên xem Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh nhiều hơn.
“Chúng ta đã hơi quá tự mãn với tư cách là các nước châu Âu”, Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo nói. “Trong những tháng qua, chúng ta đã hiểu rằng trong rất nhiều lĩnh vực kinh tế thuần túy, địa chính trị cũng đóng một vai trò quan trọng”.
Các nước nhỏ hơn cũng kêu gọi một mặt trận thống nhất của EU trước Bắc Kinh, và chỉ ra chuyến thăm dự kiến của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Trung Quốc vào tháng tới.
Công ty tư vấn Eurointelligence cho biết Berlin có tận dụng sức mạnh kinh tế của mình với cái giá phải trả là lợi ích lớn hơn của cả châu Âu, đồng thời nói thêm rằng ông Scholz hiện đang có ý định cho phép Trung Quốc mua cổ phần của cảng chiến lược Hamburg.
“Chiến lược công nghiệp của Đức, và mô hình kinh tế tạo nên nó, thật có hại đối với EU”, Eurointelligence cho biết trong một bài bình luận hôm 20/10.
Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, cũng đứng đầu một nhóm nhỏ trong EU phản đối việc giới hạn giá khí đốt, và Thủ tướng Scholz đã tự biện hộ trước những cáo buộc từ các nhà lãnh đạo EU khác rằng Berlin đang theo đuổi các chính sách năng lượng ích kỷ và không công bằng.
Hôm 20/10, EU áp đặt các biện pháp trừng phạt nhanh chóng nhưng hạn chế đối với Iran vì nước này cung cấp máy bay không người lái cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Một số nước EU muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt rộng hơn lên Iran, và kỳ họp thượng đỉnh này cũng sẽ lên án việc Tehran sử dụng vũ lực đàn áp biểu tình.
Ba Lan và ba quốc gia vùng Baltic cũng đã đề xuất áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng điều đó khó có thể được thống nhất vì bất kỳ quyết định nào như vậy sẽ đòi hỏi sự nhất trí của toàn bộ 27 quốc gia này mà hiện nay họ không có sự nhất trí như vậy.