Canh tác tại Ethiopia là một cuộc tranh đấu để sống còn. Dân quê sử dụng phương pháp canh tác cổ xưa hoàn toàn lệ thuộc vào thời tiết và chính phủ. Chính phủ nước này sở hữu đất đai và trợ giá phân bón. Khi không có mưa, như trường hợp thường hay xảy ra tại vùng này, thì sự sống còn của dân chúng tùy thuộc vào viện trợ lương thực của nước ngoài.
Điều đó là nguyên nhân của tình trạng nghèo khó triền miên. Trong một nước mà 80% dân số làm việc trong lãnh vực nông nghiệp, thì cứ 6 người lại có 1 người cần sự trợ giúp về lương thực.
Để thổi một luồng sinh khí mới vào lãnh vực nông nghiệp trì trệ, Thủ tướng Ethiopia, ông Meles Zewani, tìm cách thu hút các xí nghiệp nước ngoài bằng cách cho thuê nhiều giải dất khổng lồ với giá cực rẻ.
Ông Zewani nói: "Chính sách của chính phủ Ethiopia liên quan tới việc phát triển đất đai canh tác vẫn đặt căn bản trên tiểu nông. Nhưng sách lược này cũng bao gồm khả năng của khu vực tư nhân đóng vai trò bổ túc nhưng quan trọng."
Đề nghị cho thuê đất với giá rẻ đã thu hút nhiều nguồn đầu tư từ các chính phủ như Ả Rập Xê Út là nước phải nhập khẩu phần lớn lương thực của họ, cho đến các tập đoàn đa quốc gia như đại công ty Karuturi Global của Ấn Độ. Tại hai nông trại khổng lồ với diện tích tổng cộng hơn 300 ngàn hecta, những máy cầy, máy kéo và những dàn khoan giếng của công ty Karuturi đang thay đổi quang cảnh đồng quê.
Những người chỉ trích mô tả công ty Karuturi như là một tân thuộc địa hay một đế quốc nông nghiệp, đã thâu gom đất đai với giá rẻ mạt và đưa lợi nhuận cùng lương thực ra nước ngoài trong khi nhân dân Ethiopia bị đói khổ. Nhưng chủ nhân đại công ty này, ông Ram Karutiri, nói rằng, lương thực trồng trọt ở đây sẽ được tiêu thụ tại đây.
Ông Karutiri nói: "Những gì công ty Kuruturi làm ở đây là những gì Châu Phi cần, muốn, và đáng được hưởng. Những gì chúng tôi bỏ vào đây là tiền để phát triển Châu Phi mà không có ai khác làm."
Ông Karururi nói rằng, những thiết bị, máy móc lớn của ông đã giúp gia tăng gấp đôi sản lượng của các nông trại cổ truyền, và tạo ra công ăn việc làm ở những nơi trước đây không có.
Qua một thông dịch viên, cô Ababu Nagari, 30 tuổi nói rằng, tiền công mà cô nhận được khi hái ngô, khoảng 80 cents một ngày, đang giúp thay đổi cuộc sống của cô.
Cô nói: "Tôi không có đất riêng vì thế không có cách nào để nuôi sống gia đình. Bây giờ tôi có việc làm và một chút tiền. Tôi rất vui mừng là các nhà đầu tư này đã tới."
Nhưng không phải tất cả mọi người đều hài lòng. Bốn trăm người đã ký một kiến nghị nói rằng, họ không nhận được khoản bồi thường nào sau khi bị trục xuất khỏi đất đai của mình do công ty Karuturi chiếm dụng. Những người vừa kể nói rằng, gia đình họ đã canh tác và nuôi gia súc trên giải đất này từ nhiều thế hệ. Qua lời thông dịch viên, một nông dân muốn dấu tên đã nói với đài VOA như sau:
"Chúng tôi muốn phát triển đất nước chúng tôi, nhưng chúng tôi không thể phát triển đất nước khi đất đai nằm trong tay chính phủ. Quý vị có thể làm việc trên đất đai của mình, nhưng bất thình lình người ta đẩy quý vị ra khỏi đất đai."
Những người hoạt động bảo vệ môi trường cho biết đất đai đã bị xuống cấp vì canh tác quá nhiều sẽ bị thiệt hại, và rừng cây bị mất đi sẽ gây ra tình trạng mất quân bình trong hệ sinh thái.
Các chính trị gia đối lập nói rằng, chính phủ đang cho không đất đai để tranh thủ sự ủng hộ ngoại giao và rằng lương bổng trả cho công nhân ở dưới mức nghèo khổ mà Ngân Hàng Thế Giới quy định.
Nhưng ông Ram Karuturi lý luận rằng, tổng số những khoản đầu tư lên tới hằng trăm triệu đô la như thế này đang cách mạng hóa ngành nông nghiệp Châu Phi.
Ông Karuturi cho biết: "20 năm trước đây cuộc cách mạng xanh đã bỏ quên châu lục này. Có không tới 1000 chiếc máy cầy nằm trong tay tư nhân tại nước này. Với dân số 80 triệu người và 120 triệu hecta đất, thì đó quả là một tình huống bi đát.
Vậy thì Châu Phi có đang được chứng kiến cuộc cách mạng xanh hay không? Hay đó chỉ là một vụ chiếm dụng đất đai của chủ nghĩa đế quốc mới? Ethiopia đánh cuộc là Ngân Hàng Thế Giới đúng khi nói rằng, đầu tư vào lãnh vực nông nghiệp là cách hữu hiệu nhất để gia tăng tốc độ phát triển kinh tế tại Châu Phi.
Cuộc cách mạng xanh chấm dứt tình trạng thiếu hụt thực phẩm ở nhiều nơi trên thế giới trong những thập niên trước đây có thể sẽ tới khu vực Đông Phi, mang theo hứa hẹn về những vụ mùa bội thu trong một vùng thường hay gặp hạn hán và đói kém. Nhưng, thông tín viên đài VOA, Peter Heinlein, tường thuật từ vùng Oromia của Ethiopia, nói rằng, những người chỉ trích coi kế hoạch này như một vụ chiếm dụng đất đai canh tác, kiểu tân thuộc địa.