Hơn 40 năm sau khi tấm ảnh em bé chạy bom napalm Kim Phúc 9 tuổi, xuất hiện trên báo chí quốc tế và trở thành biểu tượng của chiến tranh Việt Nam, bà Kim Phúc, giờ 52 tuổi, vẫn chịu đựng đau đớn dù những vết thương do bom napalm gây ra giờ đã trở thành những vết sẹo. Giờ đây, bà Kim Phúc đang có cơ may có thể chữa lành hẳn các vết sẹo này.
Hãng tin AP hôm 26/10 đưa tin bà Kim Phúc đã đến Miami gặp một chuyên gia về da liễu, chuyên điều trị vết bỏng bằng tia laser, đó là Bác sĩ Jill Waibel thuộc Viện Da Liễu và Laser Miami.
Bác sĩ Waibel tin rằng với công cụ laser tiên tiến, những vết sẹo của bà Kim phúc sẽ bớt lồi lõm hơn và nhạt màu đi, nhưng quan trọng hơn cả, phương pháp điều trị này có thể giảm những đau đớn nhức nhối mà bà Kim Phúc đã và vẫn chịu đựng bấy lâu nay.
Hãng tin AP tường thuật rằng bà Kim Phúc đến Miami cùng với chồng, ông Bùi Huy Toàn và phóng viên AP Nick Út, người đã chụp tấm ảnh biểu tượng vào năm 1972.
Tin này dẫn lời bà Kim Phúc nói về nhà nhiếp ảnh Nick Út như sau: “Ông ấy là đầu mối câu chuyện và cũng là kết cuộc của câu chuyện. Ông ấy chụp tấm ảnh của tôi và giờ đây, ông cũng có mặt bên tôi trong giai đoạn mới của cuộc hành trình mới này.”
Hãng tin CBS tường thuật rằng bà Kim Phúc đã trải qua 17 cuộc giải phẫu trong những tháng sau khi trúng bom vào tháng 6 năm 1972, giữa lúc chiến tranh Việt Nam đang ở cao điểm của điều mà người dân miền Nam gọi là ‘Mùa Hè Đỏ lửa’.
Tấm ảnh chụp Kim Phúc chạy sau khi trúng bom napalm đã giúp phóng viên Nick Út đoạt Giải Pulitzer. Bức ảnh này được Đại học Columbia bình chọn và xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20.
Giờ đây, nhiếp ảnh gia Nick Út coi Kim Phúc như một người con và hy vọng Bác sĩ Jill Waibel có thể giúp bà Kim Phúc giảm bớt đau đớn.
Được biết mỗi lần điều trị laser tốn kém từ 1.000 đôla tới 1.500 đôla, nhưng Bác sĩ Waibel tình nguyện chữa miễn phí cho Kim Phúc sau khi được liên lạc để tham vấn.