Các liên minh chủ yếu trong cuộc bầu cử ở Ai Cập
|
Kết quả từng phần của cuộc bầu cử quốc hội vòng đầu tổ chức trong tuần qua cho thấy các đảng Hồi giáo chiếm được đa số phiếu áp đảo.
Những con số được Ủy Ban Bầu Cử Cấp Cao của Ai Cập công bố vào Chủ nhật cho thấy đảng Tự do và Công Lý của Phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo dẫn đầu với 36,6% số phiếu. Đảng Hồi giáo cứng rắn Safalist Nour, chủ trương riêng biệt phái tính nghiêm ngặt hơn, phụ nữ phải trùm kín mặt, cấm uống rượu, chiếm được 24,4%, trong lúc khối Ai Cập cấp tiến chỉ được 13%, về hạng ba.
Cuộc bầu cử, bắt đầu hôm 28 tháng 11, là cuộc bầu cử đầu tiên của Ai Cập kể từ khi tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ vào tháng Hai. Cuộc bầu cử này sẽ chọn chừng 30% đại diện vào hạ viện gồm 498 ghế. Các cuộc bầu cử quốc hội để chọn người vào thượng viện, cơ chế ít quyền lực hơn, sẽ hoàn tất vào tháng Ba.
Bước kế tiếp là tiến trình bầu cử phức tạp, một loạt những cuộc bầu cử vòng nhì giữa các ứng viên tranh 52 ghế ở vòng đầu, được ấn định vào thứ Hai và thứ Ba.
Ủy viên bầu cử Abdel-Mooaez Ibrahim cho hay một con số kỷ lục cử tri đã tham gia vòng đầu của các cuộc bầu cử quốc hội tổ chức tại 9 tỉnh. Cử tri tại 18 tỉnh còn lại sẽ bỏ phiếu trong 2 giai đoạn của cuộc bầu cử được tổ chức trong những tuần lễ sắp tới.
Người được các nhà lãnh đạo quân đội bổ nhiệm để lãnh đạo tân nội các, ông Kamal al-Ganzouri, cho biết ông sẽ hoãn loan báo các bộ trưởng nội các cho đến thứ Tư vì việc kiểm phiếu mất nhiều thời giờ hơn là dự kiến.
Israel, quốc gia chung biên giới với Ai Cập và đã ký hòa ước với Ai Cập năm 1979, bày tỏ lo ngại sâu xa về thành quả đầu tiên của các chính đảng Hồi giáo.
Trong một diễn văn đọc hôm chủ nhật, Thủ tướng Benjamin Netanyahu bày tỏ hy vọng "bất cứ chính phủ nào được hình thành ở Ai Cập cũng sẽ phải tôn trọng hòa ước với Israel về quyền của Israel và coi Israel như một cơ sở cho an ninh cấp vùng và ổn định kinh tế."
Bộ trưởng Tài chính Yuvai Steinitz nói ông hy vọng Ai Cập sẽ không trở thành một quốc gia Hồi giáo cực đoan, trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barack nói trên đài truyền hình Israel hôm thứ Bảy rằng mặc dù còn quá sớm chưa thể tiên đoán được những thay đổi này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với khu vực, ông thấy khuynh hướng này “đáng quan ngại.”