ECB khảo sát: Các hãng đa quốc gia có kế hoạch rời Trung Quốc để giảm rủi ro

Công nhân làm việc tại tỉnh Liêu Ninh, Trunh Quốc.

Hơn 40% công ty đa quốc gia dự kiến sẽ chuyển sản xuất sang các quốc gia thân thiện hơn về mặt chính trị trong những năm tới, với rủi ro liên quan đến Trung Quốc là mối lo ngại chính, theo thông tin công bố hôm 6/11 từ kết quả khảo sát do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện.

Các công ty ngày càng bàn thảo nhiều về việc chuyển địa điểm sản xuất hậu đại dịch và giữa lúc cuộc chiến của Nga ở Ukraine làm gián đoạn chuỗi giá trị, nhưng có rất ít bằng chứng thực tế về việc di dời hàng loạt.

Để tìm kiếm sự xác nhận thực tế, ECB khảo sát 65 đại công ty có dấu ấn toàn cầu và 49% cho biết họ đang tìm cách tiến về “gần bờ”- tức sản xuất ở quốc gia lân cận - hoặc đưa sản xuất đến gần điểm bán hàng hơn.

Tổng cộng, 42% muốn “sản xuất ở nước bạn bè” với một số hoạt động hoặc chuyển chúng đến những địa điểm thân thiện hơn.

“Đối với những quốc gia gây ra – hoặc có thể gây ra – rủi ro cho chuỗi cung ứng trong lĩnh vực của họ nói chung, 2/3 số doanh nghiệp được hỏi đều đề cập đến Trung Quốc”, ECB cho hay trong một bài báo trên trang Economic Bulletin.

Hơn một nửa số công ty tìm nguồn nguyên liệu quan trọng từ một quốc gia cụ thể hoặc một số ít quốc gia và gần như tất cả đều nói rằng những nguồn cung cấp này hiện đang đối mặt với rủi ro cao.

ECB cho biết thêm: “Phần lớn trong số này xác định Trung Quốc là quốc gia có rủi ro như vậy hoặc một trong những quốc gia đó, và tất cả đều coi đây là một rủi ro gia tăng”.

Sản xuất ở nước lân cận đã là xu hướng trong những năm gần đây nhưng sản xuất ở nước thân thiện là một hiện tượng mới khi chỉ có 11% cho biết họ đã theo đuổi chiến lược như vậy trong 5 năm qua.

Liên minh châu Âu vẫn có khả năng là kẻ thua cuộc trong các phong trào di chuyển doanh nghiệp như vậy vì số lượng các công ty muốn chuyển sản xuất ra khỏi khối vẫn lớn hơn số lượng chuyển sản xuất vào và điều này có thể có tác động “đáng kể” đến việc làm.

Cuộc nghiên cứu cho biết thêm rằng những động thái này cũng có thể thúc đẩy lạm phát vì gần một nửa số công ty nói rằng họ dự kiến những thay đổi này sẽ dẫn đến giá cao hơn.