Thời gian gần đây, hiện tượng mù sương bắt đầu xuất hiện với tần suất dày hơn tại Sài Gòn. Báo chí và các cơ quan dự báo thời tiết mới đây tiếp tục cho biết hiện tượng sương mù độc hại bao phủ Sài Gòn, đe dọa sức khỏe con người. Đến tận trưa, các cao ốc trong thành phố vẫn còn mù mịt màu khói trắng đục ngầu, trông nên thơ và lãng mạn nhưng thực tế chẳng phải “chuyện để đùa”.
Nhìn ta lại nhớ đến người!
Tôi nói “ta” ở đây chính là nước mình, còn “người” chính là nước bạn – ông hàng xóm Trung Quốc vốn khá đồng điệu với Việt Nam về mô hình và cơ chế phát triển thị trường. Những năm qua, Việt Nam, trong đó trọng tâm là Sài Gòn, đã và đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa để phát triển kinh tế, làm động lực cho tăng trưởng GDP và phát triển đời sống - xã hội nói chung. Tuy nhiên, hệ lụy của công nghiệp hóa - nếu không biết kiểm soát và làm đúng cách - thì sẽ rất nghiêm trọng.
Nhìn sang Trung Quốc, suốt hàng thập kỷ, mức trưởng kinh tế không khi nào dưới hai con số, khiến cả những gã khổng lồ về kinh tế như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, cũng phải thừa nhận Trung Quốc đích thực là một “con rồng châu Á”. Các chỉ số tăng trưởng của Trung Quốc luôn luôn là ước mơ của không ít quốc gia, nhưng không phải ai cũng cứ muốn là làm được. Tuy nhiên, môi trường chính là điều khiến chính quyền Bắc Kinh đang đau đầu nhất do hậu quả của việc phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc trong nhiều năm liền.
Các con sông chết, những bầu không khí mù sương khô, độc hại, lượng khí độc trong không khí vượt chuẩn… là những cụm từ thường xuất hiện trên báo đài Trung Quốc. Việc chú trọng tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua yếu tố môi trường khiến Bắc Kinh phải trả giá bằng các gói ngân sách triệu đô vẫn không thể cứu vãn và phục hồi môi trường sống trong sạch, bảo vệ sức khỏe của người dân. Không ít người dân Trung Quốc vốn sở hữu triệu đô phải tìm cách ra nước ngoài sinh sống vì môi trường trong nước ô nhiễm đến mức không thể chấp nhận. Những người theo chủ nghĩa lạc quan tin rằng sự phát triển khoa học kỹ thuật sẽ giúp chính phủ kiểm soát ô nhiễm; tuy nhiên, trong các sự kiện quốc tế lớn diễn ra tại Trung Quốc, mọi hệ thống nhà máy công nghiệp Bắc Kinh đều phải ngừng hoạt động đồng loạt để… giảm tối đa ô nhiễm. Điều này cho thấy sự bất lực của một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong việc bảo đảm môi trường sống trong lành – yêu cầu cơ bản nhất mà một chính phủ phải cam kết bảo đảm đối với dân chúng.
Việt Nam còn nhiều hạn chế
Tuy mức ô nhiễm trên thực tế ở Việt Nam chưa nặng nề như ở Trung Quốc, nhưng những “triệu chứng” gần đây cho thấy người dân có quyền lo lắng về tương lai của Sài Gòn. Trước hết, việc quy hoạch của Sài Gòn cũng như nhiều thành phố lớn của Việt Nam đang có vấn đề về quy hoạch, khi hệ thống cây xanh ở Việt Nam đang bị chặt hạ liên tục, còn việc trồng phục hồi thì dường như không kịp nhu cầu lọc khí cho cả thành phố, trong khi tại các quốc gia khác các công trình xây dựng phải ra sức né tránh thiên nhiên. Trong tương lai trung hạn lẫn dài hạn, nếu vẫn quy hoạch theo kiểu “mở đường, công trình đến đâu thì chặt, cưa, hạ cây xanh đến đó” thì chẳng bao lâu Sài Gòn sẽ trở thành một khối bê tông cốt thép không hơn không kém. Việc thiếu cập nhật các mô hình phát triển đô thị xanh của các quốc gia khác là một thiếu sót của các nhà quản lý, mà thời gian tới buộc phải khắc phục nếu không muốn khí hậu thành phố càng trở nên tệ hại hơn.
Thứ hai, hệ thống luật pháp quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường tại Sài Gòn vẫn chưa có hiệu quả. Không chỉ tại thành phố, không ít các doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình kinh doanh lại chịu mức phạt không tương xứng với lợi nhuận mà họ nhận được. Đó là lý do doanh nghiệp cứ bị phạt rồi sẵn sàng cầm tiền đi đóng phạt; rồi lại tiếp tục tái phạm nhiều lần. Nhìn thử sang châu Âu hay các nước phát triển lân cận, các vi phạm về môi trường bị phạt nặng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự không kém gì các tội danh kinh tế như trốn thuế, gian lận, kinh doanh mặt hàng cấm… Doanh nghiệp phá sản vì làm ăn không tuân thủ luật môi trường là điều không phải khó hiểu.
Thứ ba, các tiêu chuẩn về môi trường của các hệ thống máy móc, kỹ thuật, hay phương tiện giao thông gần như thiếu sự quan tâm kiểm soát. Vụ án ông khổng lồ xe hơi Volkswagen vi phạm lượng khí thải vượt chuẩn ở Mỹ và châu Âu khiến không ít người Việt đặt câu hỏi tại Việt Nam, có quản lý khí thải hay không? Hay Việt Nam là điểm đến của hàng tá công nghệ thiếu thân thiện với môi trường? Số xe máy và ô tô tăng chóng mặt, nhà nước đã tiến hành thu phí môi trường, ngay cả với số xăng xe. Tuy nhiên, hàng triệu xe máy, ô tô mỗi năm tạo ra lượng phát thải không phải là nhỏ; càng đáng nói khi khói xe vượt chuẩn ngày càng trở nên quá mức chịu đựng (chưa kể đến các tiêu chuẩn về tiếng ồn…). Thế nên nếu không có kế hoạch quản lý bgay từ bây giờ, trong tương lai hiện tượng hiệu ứng nhà kính hoặc mù sương khô sẽ tiếp diễn và tác động ngày càng mạnh tại Việt Nam.
Hiện nay, vấn đề môi trường bị ô nhiễm là một trong những “gót chân Achilles” của Trung Quốc trong quá trình phát triển kinh tế, định hướng công nghiệp hóa và xuất khẩu. Dù vấn đề môi trường ở Việt Nam chưa trở nên tồi tệ, nhưng nếu chính sách không được điều chỉnh kịp thời thì trong dài hạn, Việt Nam cũng sẽ mắc phải “gót chân Achilles” mà Trung Quốc đang phải đối diện, và vẫn sẽ bất lực trong công tác xử lý.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.