Quốc hội Nga vừa nhanh chóng thực hiện ý muốn của Tổng thống Vladimir Putin với việc họ hoàn tất các cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật theo đó thay đổi quan điểm pháp lý của Moscow về thử hạt nhân vào thời điểm có căng thẳng gay gắt với phương Tây.
Hôm 18/10, Viện Duma Quốc gia - tức Hạ viện Nga - đã thông qua lần xem xét thứ hai và thứ ba về dự luật hủy bỏ việc Nga phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện, gọi tắt là CTBT. Cả hai lần bỏ phiếu đều là nhất trí thông qua với 415 phiếu thuận, 0 phiếu chống.
Ông Putin hôm 5/10 kêu gọi Duma hãy sửa luật nhằm "phản ánh sự tương đương" với quan điểm của Mỹ, quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn hiệp ước năm 1996. Nga cho hay họ sẽ không nối lại việc thử hạt nhân trừ khi Washington làm như vậy.
Nga ban đầu phê chuẩn CTBT vào năm 2000. Mặc dù họ rút lại việc phê chuẩn này, nhưng cho đến nay, họ nói rằng sẽ vẫn là một bên ký kết hiệp ước và tiếp tục cung cấp dữ liệu cho hệ thống giám sát toàn cầu nhằm cảnh báo thế giới về bất kỳ vụ thử hạt nhân nào.
Nhưng khi giới thiệu dự luật hôm 17/10, chủ tịch quốc hội Nga Volodin đã nêu lên khả năng Moscow có thể rút ra hoàn toàn và nói thêm rằng Moscow sẽ làm cho Washington luôn phải phỏng đoán về ý định của họ.
Ông nói: “Rồi chúng ta sẽ làm gì tiếp – liệu chúng ta có còn là một bên tham gia hiệp ước hay không, chúng ta sẽ không nói cho họ biết. Chúng ta phải nghĩ đến an ninh toàn cầu, sự an toàn của công dân chúng ta và hành động vì lợi ích của nhân dân”.
Giờ đây, luật mới thông qua sẽ được chuyển tới thượng viện và ông Putin để ông ký ban hành.
Ông Putin nói hôm 5/10 rằng ông có nắm được những lời kêu gọi Nga hãy nối lại việc thử hạt nhân nhưng chưa sẵn sàng cho biết liệu Moscow có nên làm như vậy hay không.
Hồi tháng 2, ông nói Nga phải "chuẩn bị mọi điều" để tiến hành thử hạt nhân trong trường hợp Washington làm như vậy. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã đến thăm bãi thử của Nga ở quần đảo Novaya Zemlya xa xôi ở miền bắc vào tháng 8.
Sự thay đổi của Nga đối với CTBT tiếp nối vào việc nước này đình chỉ hiệp ước New START, là hiệp ước hạt nhân song phương cuối cùng còn lại với Mỹ, nhằm hạn chế số lượng đầu đạn chiến lược mà mỗi bên có thể triển khai.
Các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm bình luận: “Trong trường hợp này, Hoa Kỳ khó có thể chỉ trích gì nhiều về thông báo của ông Putin và khả năng Nga rút khỏi CTBT vì chính Hoa Kỳ đã không phê chuẩn hiệp ước và trở thành một bên tham gia trong 27 năm kể từ khi mới ký kết".