Đức xác nhận thảo luận vụ Trịnh Xuân Thanh với Việt Nam ở Berlin

Hình ảnh ông Thanh được cho là "tự thú" trên Truyền hình Việt Nam năm ngoái.

Một nguồn tin ngoại giao Đức mới xác nhận với VOA tiếng Việt về cuộc họp cấp cao với quan chức Việt Nam ở Berlin giữa tuần trước, trong đó đôi bên có trao đổi về vụ "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh.

Nguồn thạo tin không muốn nêu danh tính cho biết rằng “Quốc vụ khanh Đức Andreas Michaelis một lần nữa nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao [Bùi Thanh Sơn] rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được và gây tổn hại tới lòng tin”.

Quốc vụ khanh Đức Andreas Michaelis một lần nữa nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao [Bùi Thanh Sơn] rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một hành động vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được và gây tổn hại tới lòng tin.
Nguồn tin Đức nói.

“Chính phủ liên bang Đức lên tiếng ủng hộ vụ Trịnh Xuân Thanh và vẫn đang trong quá trình thảo luận với phía Việt Nam”, nguồn tin nói.

Tuy nhiên, quan chức Đức này không xác nhận hay bác bỏ thông tin đăng trên báo chí nước này cũng như từ cộng đồng người Việt về chuyện họ nói là “Berlin đang thương lượng trả ông Trịnh Xuân Thanh về Đức”.

Báo chí Việt Nam đưa tin về cuộc gặp trên, nhưng không nhắc tới việc Đức tiếp tục cáo buộc Hà Nội "bắt cóc" ông Thanh, cũng như quan điểm của Berlin trong cuộc họp về vụ việc gây nhiều sóng gió trong quan hệ hai nước này.

Ông Thanh được giải tới tòa hồi đầu năm nay.

Trên trang Facebook cá nhân, Đại sứ Việt Nam tại Đức, ông Đoàn Xuân Hưng, hôm 1/11 đăng tải một dòng trạng thái kèm theo hình ảnh ông chụp chung với Thứ trưởng Sơn.

Nhà ngoại giao cấp cao nhất của Việt Nam ở Đức viết: “Hôm nay là một ngày vui đối với tôi, đối với chúng ta. Thứ trưởng Thường trực BNG Việt Nam Bùi Thanh Sơn sang thăm CHLB Đức theo lời mời của BNG bạn”.

Công viên Tiergarten, nơi Đức cáo buộc Việt Nam "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh.

Đây được coi là cuộc trao đổi chính thức và cấp cao nhất giữa hai nước ở Berlin kể từ tháng Chín năm ngoái, sau khi bùng ra vụ việc khiến quốc gia Tây Âu tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với nước Đông Nam Á.

Ông Hưng trong ngày 1/11 cũng đăng tải các hình ảnh quan chức hai nước tham gia cuộc họp ở Berlin, với dòng chú thích rằng “nền tảng quan hệ hai nước rất vững chắc”, “tiềm năng hợp tác trên mọi lĩnh vực rất lớn” và rằng “chắc chắn sự hợp tác ở tầm chiến lược giữa hai nước sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai”.

Tuy nhiên, hiện không thấy các hình ảnh này công khai trên trang Facebook của ông Hưng. Chưa rõ liệu nhà ngoại giao này có để chế độ riêng tư, dành riêng cho bạn bè xem các bức ảnh mà có ý kiến coi là “các tín hiệu cho thấy hai nước có thể sẽ nối lại quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai gần”.

Bà Schlagenhauf, luật sư của ông Thanh ở Đức.


Trả lời VOA Việt Ngữ, luật sư của ông Thanh ở Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf, cho rằng cuộc gặp hôm 1/11 là “bước đi cấp cao đầu tiên” ở Berlin nhằm tìm cách “xử lý xung đột ngoại giao giữa Việt Nam và Đức”.

“Tôi hy vọng rằng phía Việt Nam giờ thấy rõ điều cần làm để giảm căng thẳng”, bà nói. “Tôi đang chờ các kết quả cụ thể về việc trả lại thân chủ của tôi về Đức. Chúng ta phải chờ xem trong vài tuần nữa”.

Tôi hy vọng rằng phía Việt Nam giờ thấy rõ điều cần làm để giảm căng thẳng. Tôi đang chờ các kết quả cụ thể về việc trả lại thân chủ của tôi về Đức. Chúng ta phải chờ xem trong vài tuần nữa.
Nữ luật sư người Đức của ông Thanh nói.

Nữ luật sư người Đức này cũng bác bỏ các tin tức đăng trên Facebook cuối tuần trước về việc ông Thanh đã “lên máy bay” về Berlin. “Ông ấy chưa trở lại Đức”, bà Schlagenhauf nói.

Hồi đầu năm nay, cựu quan chức dầu khí Việt Nam đã hai lần bị kết án tù chung thân trong hai vụ án.

Berlin từng yêu cầu Hà Nội thả ông Thanh về Đức để được cân nhắc đơn xin tị nạn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng từng nói rằng Hà Nội “đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức” và “luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước”.