Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói hôm 4/8 rằng nước này đang xem xét các biện pháp chống lại Việt Nam vì đã bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức.
Hãng tin Reuters trích lời ngoại trưởng Gabriel nói việc Hà Nội chối bỏ vụ bắt cóc TXT “gợi nhớ lại những bộ phim gián điệp thời Chiến tranh lạnh.”
Ngoại trưởng Gabriel cho biết Đức đã yêu cầu một nhân viên tình báo tại sứ quán Việt Nam ở Berlin rời khỏi Đức vì có dính líu tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
"Trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Việt Nam đã sử dụng phương thức thường thấy “trong các bộ phim hành động thời Chiến tranh lạnh. Đây là điều mà chúng tôi không chấp nhận."Sigmar Gabriel, Ngoại trưởng Đức
Lên tiếng trong một cuộc họp báo theo sau buổi hội đàm với Ngoại trưởng Slovak Miroslav Lajcak ở Wolfsburg, Ngoại trưởng Đức nói: “Chúng tôi không khẩn khoản yêu cầu ông ta rời nước Đức mà đòi ông phải ra khỏi đất nước chúng tôi bởi vì chúng tôi tin chắc là ông ta có dính líu trong vụ bắt cóc.”
Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh “không có gì đi ngược với cách suy diễn này mà ngược lại mọi chứng cớ đều hỗ trợ cho cách suy diễn là ông ta, với sự trợ giúp của mật vụ Việt Nam và sử dụng ưu thế cư ngụ trong Đại sứ quán Việt Nam ở Đức, để bắt cóc một người đã đệ đơn xin tị nạn.”
Trong thông cáo Bộ Ngoại giao Đức hôm 2/8, Đức cáo buộc Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc ở Berlin và yêu cầu nhân viên tình báo của sứ quán Việt Nam ra khỏi Đức trong vòng 48 giờ. Sứ quán Đức ở Berlin không trả lời câu hỏi của VOA liệu nhân vật bị Đức trục xuất đã rời khỏi nước này hay chưa.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Gabriel không cho biết chi tiết các biện pháp trừng phạt kế tiếp mà Đức đang xem xét.
Ông Gabriel nói trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh,Việt Nam đã sử dụng phương thức thường thấy “trong các bộ phim hành động thời Chiến tranh lạnh.”
“Đây là điều mà chúng tôi không chấp nhận” Ngoại trưởng Đức nói.
Chính phủ Đức, trong thông cáo hôm 2/8, yêu cầu Việt Nam đưa ông Thanh trở về Đức. Ông Thanh bị Việt Nam ra lệnh truy nã quốc tế về tội làm thất thoát 3.300 tỷ đồng (khoảng 147 triệu USD) trong thời gian lãnh đạo PVC, một công ty con của tập đoàn dầu khí PetroVietnam.
Ngày hôm sau, 3/8, truyền hình nhà nước Việt Nam VTV tung ra hình ảnh ông Thanh với nét mặt mệt mỏi, lên tiếng trong chương trình thời sự buổi 19h, nói ông tự nguyện trở về và ra đầu thú.
Cộng đồng Việt “hoang mang”
Sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam từ vụ Trịnh Xuân Thanh đang gây lo lắng cho cộng đồng người Việt ở Đức, theo Chủ tịch Liên hiệp người Việt toàn liên bang Đức Nguyễn Văn Thoại.
Trao đổi với Đài VOA, Giáo sư-Tiến sỹ Thoại nói ông và cộng đồng người Việt “rất bất ngờ vì chuyện đó.”
"Lâu nay cứ nghe rằng mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Đức đang phát triển rất tốt đẹp, thậm chí còn được nói là tốt đẹp nhất từ xưa đến nay," theo ông Thoại. "Thế mà đùng một cái có thông tin thế này nên bà con rất hoang mang."
Chính phủ Đức nói sẽ xem xét các biện pháp tiếp theo nếu cần thiết ở mức chính sách về chính trị, kinh tế cũng như phát triển trong thông cáo ra hôm 2/8.
Đây chính là mối lo lớn nhất của người Việt ở Đức, theo ông Thoại, vì “nếu mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức xấu đi thì điều đó kéo đến hệ lụy là mối quan hệ giữa Việt Nam và EU (Liên minh châu Âu) cũng sẽ xấu đi.”
Người đại diện cộng đồng gồm hơn 150.000 người Việt ở Đức đã nhiều lần diện kiến thủ tướng Angela Merkel ở Berlin nói họ lo ngại Việt Nam sẽ mất đi sự ủng hộ của Đức và khối EU trong nhiều vấn đề từ kinh tế tới chính trị.
Một mối lo lắng khác của người Việt, đặc biệt là ở Berlin, nơi có khoảng 25.000 người Việt đang sinh sống hợp pháp, sau vụ bắt cóc ông Thanh ngay giữa thủ đô Berlin là vấn đề an toàn của họ.
Ông Thoại cho biết họ sợ những hiện tượng cướp giết theo kiểu giang hồ trong cộng đồng người Việt trong những năm 1990 sẽ tái diễn trong khi cuộc sống của cộng đồng ở đây đã ổn định kể từ đó.
Một cư dân Berlin và nhà báo sinh sống ở Đức từ năm 1993, Lê Trung Khoa, nhận định rằng nhiều người Việt cũng lo ngại về sự an toàn của bản thân sau vụ bắt cóc ông Thanh ngay giữa thủ đô.
Ông Khoa nói những người hay viết phản biện, tranh luận trên mạng xã hội về các vấn đề Việt Nam hay những người đang xin tị nạn ở Đức đều lo lắng liệu một ngày nào đó họ có bị quy chụp là phản động và họ cũng như gia đình có thể bị những đối tượng có vũ trang đột nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Đức để bắt cóc hoặc khủng bố.
Bộ Ngoại giao Đức gọi vụ bắt cóc do mật vụ Việt Nam thực hiện tại Berlin hôm 23/7 là “chưa có tiền lệ.”
Công tố viên Berlin Martin Steltner nói với VOA hôm 4/8 rằng cuộc điều tra về vụ bắt cóc vẫn đang tiếp diễn. Ông nói vụ bắt cóc một người nước ngoài trên đất Đức được coi là một “tội hình sự” và lo ngại cho an ninh của cộng đồng người Việt ở đây.
Theo ông Khoa, người sáng lập Thoibao.de và là người đầu tiên đưa tin về vụ bắt cóc này, cảnh sát Berlin đang làm việc với một nhân chứng mới và vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được điều tra bởi nhóm chuyên án hình sự cho những tội danh cao nhất kể cả tội giết người.