Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu ngày Chúa nhật trọn vẹn đi thăm Cuba với một thánh lễ tại Quảng trường Cách mạng lịch sử ở thủ đô Havana.
Đức Giáo Hoàng sẽ nói chuyện với đám đông ước tính lên đến mấy trăm ngàn người, cạnh chân dung lớn của nhà lãnh đạo cách mạnh Cuba Che Guevara.
Sau buổi lễ, Đức Giáo Hoàng sẽ họp riêng với Chủ tịch Raul Castro, và có thể ngài sẽ đến thăm người tiền nhiệm và là anh trai của ông Raul là ông Fidel Castro, 89 tuổi.
Đức Giáo Hoàng sau đó sẽ chủ trì một lễ cầu nguyện buổi chiều tối với các tu sĩ và các giới chức của giáo hội, và ngài sẽ nói chuyện với các thanh niên tại một trung tâm văn hóa.
Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đánh dấu bước chuyển biến của Giáo hội Công giáo Cuba, vốn bị gạt sang một bên trong nhiều năm dưới chế độ Cộng sản, nhưng đã dần dần nổi lên lại thành một thế lực trên đảo quốc Caribe này.
Đức Giáo Hoàng đến Havana hôm thứ Bảy, bắt đầu chuyến thăm 3 ngày của Giáo hoàng thứ ba đến Cuba trong hai thập kỷ - Đức Giáo Hoàng John Paul đệ Nhị đến thăm Cuba năm 1998, và Đức Giáo Hoàng Benedict thăm Cuba năm 2012.
Chủ tịch Raul Castro trong diễn văn đón chào Đức Giáo Hoàng nói rằng tự do tôn giáo "được thánh hóa trong hiến pháp Cuba."
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến thăm thành phố Hoguin và Santiago trong khi ở Cuba, và theo kế hoạch sẽ làm lễ và gặp gỡ với các tu sĩ Công giáo tại hai thành phố này trước khi ngài lên đường sang thăm Washington.
Đức Giáo Hoàng và các giới chức Vatican đã giúp điều giải những cuộc đám phán bí mật trong nhiều tháng hồi năm 2014 giữa Havana và Washington, kết thúc bằng tuyên bố lịch sử của Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Barack Obama rằng hai nước quyết định tái lập quan hệ ngoại giao đã bị vắt đứt vào năm 1961, hai năm sau khi Fidel Castro lật đổ Tổng thống Fulgencio Batista. Kể từ đó, hai nước đã mở lại Ðại sứ quán ở Washington và Havana.
Khi đến Havana, Đức Giáo Hoàng ca ngợi việc nối lại quan hệ giữa hai nước láng giềng ly gián nhiều năm qua như là một "tấm gương hòa giải cho cả thế giới" và điều đó mang lại hy vọng cho chúng ta.
Ngài gọi việc tan băng trong quan hệ giữ hai nước là "một dấu hiệu chiến thắng của văn hóa đối đầu và đối thoại."